Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, ngay từ tháng 10, 11 âm lịch nhiều hộ dân ở làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã tất bật các công đoạn làm hoa giấy. Ngoài làm nông 2 vụ/năm, người dân Phú Mậu phải bươn chải đủ nghề như mộc, thợ xây dựng, trồng rau màu, hoa cúc, và đặc biệt sang mùa Đông là tập trung làm hoa giấy để bán tết. Làm hoa giấy không cần nhiều vốn, chỉ vài trăm ngàn trong tay là đã “thoải mái” hành nghề.
Tuy nhiên, trước hết người làm phải sắm một bộ đục bằng sắt để đục cạnh, tạo hình dáng cho từng loại hoa như hồng, cúc, quỳ, nụ…và rất nhiều chi tiết khác để kết thành cây hoa. Anh Hoàng Khiêm ở làng Mậu Tài (Phú Mậu) cho biết: “Năm nay gia đình tôi làm khoảng 1.000 – 1.500 cặp, chi phí đầu tư chỉ 1.000đ/cặp nhưng bán từ 5.000đ – 7.000đ/cặp tùy từng phiên chợ và khách mua. Nếu giá thị trường ổn định như năm trước thì có lãi từ 4 – 6 triệu”. Để kiếm được số tiền nói trên, anh Khiêm phải huy động lực lượng lao động cả gia đình và làm trong 2 tháng. Giấy thủ công để làm hoa sẵn có trên thị trường, dày – mỏng, đậm – nhạt, trơn – nhám rất phong phú. Tuy nhiên, những người được cho là có kinh nghiệm trong nghề thường mua giấy trắng về, rồi pha chế phẩm tự nhuộm để tạo màu sắc ưng ý, và cũng để tiết kiệm chi phí đầu ra. Theo những người cao tuổi ở Phú Mậu cho biết: Nghề hoa giấy có cách đây khoảng 200 năm. Lúc đầu làm đơn giản, số lượng ít, chủ yếu là để đơm cúng các am miếu, trang bà, bếp thờ táo quân… Ngày nay, hoa giấy không chỉ để thờ cúng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn được trưng bày trong các lễ hội như Festival Huế, lễ hội áo dài, “Thuận An biển gọi”, “Chợ quê ngày hội”, ở hội vật làng Sình…
Cách đây 15 năm số người làm hoa giấy ở Phú Mậu chiếm tỉ lệ 70-80% dân làng. Nay số người còn bám nghề ít hơn nhiều, chủ yếu là độ tuổi trung niên và học sinh, bởi phần lớn thanh niên trong làng đều đi làm ăn xa hoặc chọn cho mình một công việc khác. Ông Trần Dũng (làng Thanh Tiên) tâm sự: Nếu làm số lượng ít (vài trăm cây) thì lời lãi chẳng là bao, hơn nữa đây là loại hàng phụ thuộc vào thời tiết, nếu gặp trời mưa sẽ bị ế ẩm. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại hoa giả được làm đẹp hơn, sắc xảo hơn hoa giấy như hoa vải, hoa nhựa, hoa kẽm, hoa gỗ… Nhưng, ở vùng đất cố đô xưa thì hoa giấy có chỗ đứng nhất định, vẫn chiếm lĩnh được thị trường truyền thống, được nhiều khách hàng chọn lựa, bởi họ cho rằng, hoa giấy thờ xong 1 năm thì đốt cháy được, còn hoa gỗ, hoa kẽm thì khó cháy. Ông Nguyễn Hóa, 59 tuổi ở thôn Thanh Tiên và cũng là người thâm niên trong nghề hoa giấy cho biết: Nhiều năm nay, bên cạnh làm hoa giấy vào dịp tết, nhiều hộ gia đình ở Thanh Tiên còn sản xuất hoa sen giấy để bán quanh năm, thu nhập cũng khá ổn định, nhờ vậy mà có tiền cho con cháu ăn học và sửa xây nhà cửa khang trang, mua sắm vật dụng đắt tiền.
Cũng như các nghề thủ công khác, nghề hoa giấy cũng phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và đòi hỏi phải tỉ mỉ kỳ công mới bám trụ được với nghề. Điều đáng nói là người làm hoa giấy ở đây có nhiều thuận lợi, vừa tranh thủ thời gian nhàn rỗi, vừa tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, ở vườn nhà như tre, thân cây sắn, giấy kẽm (lấy từ vỏ bao thuốc lá). Chị Thanh Tâm (làng Mậu Tài) cũng cho biết: Để làm 3.000 – 3.500 cặp thì phải chuẩn bị từ tháng 9 âm lịch như chọn tre, ra tre, chế phẩm, nhuộm giấy… Sang tháng 10 là thực hiện các công việc như vấn nhụy, xếp quỳ, chún hồng, gọt phao… Đến đầu tháng 12 là lên cây rồi phủ ni-lon chờ bán tết.
Người làm hoa giấy tuy không cần nhiều vốn, ngược lại phải tốn nhiều thời gian và công sức, đặc biệt phải đòi hỏi ở người thợ đức tính kiên trì, cần mẫn thì nhất định ông trời không phụ công. Người dân làng Thanh Tiên lạc quan, tin tưởng đón cái tết Đinh Dậu 2017 an lành, sung túc, thịnh vượng./.
Bài,ảnh: Hoàng Thị Thúy Hồng