Đến nay, bệnh lùn sọc đen (LSĐ) đã lây lan gần 610 ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những bệnh rất nguy hiểm đang tiếp tục lây lan và gây hại lúa hè thu, nhưng các địa phương vẫn tỏ ra chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Nỗi lo vì dịch
Chúng tôi về xã Vinh Thái (Phú Vang), một trong những điểm nóng xảy ra dịch bệnh LSĐ hại lúa hè thu sớm. Nỗi lo hiện rõ trên nét mặt của người trồng lúa. Hộ ông Võ Đại Toan thuộc Hợp tác xã Vinh Thái trồng gần một ha lúa đang bị bệnh LSĐ. Ông Đại cho biết, khoảng ngày 19-5, gia đình ông phát hiện ruộng lúa bị bệnh LSĐ gây hại. Mặc dù đã phun thuốc phòng trừ, song dịch bệnh vẫn không giảm và đang tiếp tục lây lan. Năng suất và chất lượng lúa chắc chắn sẽ bị giảm. Nằm cạnh ruộng lúa của ông Toan là gần 4 ha lúa của hộ ông Hồ Văn Lời sắp thu hoạch cũng bị bệnh lùn sọc đen gây hại. Theo ông Lời, điều lo lắng nhất đối với gia đình ông và bà con địa phương là dịch bệnh không chỉ gây hại vụ hè thu sớm mà còn lây lan và gây hại vụ hè thu chính.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Đức Toàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vinh Thái cho biết, sau khi phát hiện có dịch, chính quyền địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, huy động người dân khẩn trương triển khai các biện pháp phòng trừ. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ, nhổ bỏ và chôn hủy những cây bị bệnh. Nhưng đến nay, dịch bệnh lùn sọc đen vẫn không giảm. Tính đến này 15-6, toàn xã có đến 189 ha trong tổng số 348 ha vụ hè thu sớm bị bệnh LSĐ, với tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng 2%. Theo ông Đào Đức Toàn, đến nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị bệnh LSĐ hại lúa.
Chính vì vậy, việc điều trị bệnh khó triệt để và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Hiện nay, người dân đang tiến hành gieo cấy vụ hè thu chính, song một số diện tích đã có dấu hiệu bị nhiễm bệnh LSĐ.
Quá chủ quan trong phòng chống dịch
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng đến trưa ngày 15-6, trên những cánh đồng lúa ở xã Vinh Thái hầu như không một bóng người. Mặc dù lo bệnh LSĐ lây lan và gây hại trên diện rộng, nhưng chính quyền và người dân vẫn tỏ ra chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Theo ông Đào Đức Toàn, Chủ nhiệm hợp tác xã Vinh Thái, người dân chỉ phun thuốc phòng trừ khi mới phát hiện lúa bị dịch bệnh. Do lúa sắp thu hoạch, nên hiện nay hầu hết các hộ dân không còn phun thuốc phòng trừ bệnh vì sợ tốn chi phí. Người dân chôn hủy lúa bị bệnh ngay trên đồng ruộng, không đúng quy định và không đảm bảo an toàn. Nhiều hộ còn tỏ ra chủ quan, không nhổ bỏ và chôn hủy lúa bị bệnh vì sợ giảm năng suất. Đến nay, người dân mới chỉ nhổ bỏ và tiêu hủy khoảng 42 ha lúa bị bệnh…Việc phát hiện người dân không tuân thủ quy định, song không có biện pháp xử lý cho thấy công tác chỉ đạo phòng chống dịch của chính quyền địa phương còn quá chủ quan và không quyết liệt. Còn khoảng một tuần đến 10 ngày nữa vụ hè thu sớm mới thu hoạch xong. Nhưng công tác phòng chống dịch bệnh vẫn tỏ ra chủ quan như trên là điều rất đáng lo ngại !.
Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh LSĐ, đơn vị phối hợp với các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp triển khai hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ, nhổ bỏ và chôn hủy những cây lúa bị bệnh. Chi cục cũng đã tổ chức tập huấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh LSĐ cho cán bộ và người dân các địa phương, hợp tác xã có dịch, đồng thời tuyên truyền về nguy hại và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bệnh LSĐ là loại bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị nên khó triệt để và đang có nguy cơ tiếp tục lây lan trên diện rộng. Chi cục Bảo vệ Thực vật đã cử cán bộ phối hợp với các địa phương, tiếp tục thường xuyên theo dõi đồng ruộng, thống kê diện tích lúa bị bệnh, đồng thời tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ. Riêng đối với hai xã: Vinh Thái và Vinh Hà, chi cục đã yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân khẩn trương thu hoạch lúa hè thu sớm nhằm tránh lây lan sang vụ hè thu chính. Sau khi hoàn thành việc thu hoạch, yêu cầu người dân triển khai các biện pháp tiêu hủy lúa bệnh, phun thuốc phòng trừ trước khi gieo cấy vụ hè thu chính.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15-6, bệnh LSĐ đã xảy ra và gây hại khoảng 610 ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 2% đến trên 5%, tập trung ở một số địa phương thuộc các huyện: A Lưới, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, trong đó có hai xã: Vinh Hà, Vinh Thái (Phú Vang) có diện tích lúa bị bệnh chiếm khoảng một nửa. Trước tình hình trên, ngày 10-6, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 27/CT-UBND về việc chỉ đạo các địa phương, ban ngành triển khai công tác phòng trừ bệnh LSĐ trên lúa hè thu một cách quyết liệt.
Hoàng Thế
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế, thứ tư ngày 16-6-2010.