Tác giả: PGS. TS Trần Xuân Chương
Chi hội Truyền Nhiễm – HIV/AIDS
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh xã hội hiện nay đang có những thay đổi lớn mang tính thời đại, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu tăng cao, đòi hỏi chất lượng dịch vụ tương ứng cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới, cần thiết ngành y tế phải có đủ năng lực xét nghiệm, chẩn đoán và ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, phát triển mạng lưới Y tế cơ sở và Y tế dự phòng trong giai đoạn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề cho những hoạt động trao đổi kinh nghiệm và đào tạo, nâng cao năng lực, kiện toàn hệ thống y tế dự phòng trong thời gian tới.
Đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới và ở nước ta càng cho thấy vai trò rất quan trọng của mạng lưới Y tế cơ sở và Y tế dự phòng. Đây chính là chìa khóa để bảo đảm cho việc kiểm soát và khống chế dịch thành công.
THỰC TRẠNG HIỆN NAY CỦA Y TẾ CƠ SỞ VÀ Y TẾ DỰ PHÒNG
Trong những năm qua y tế cơ sở đã có rất nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay phần lớn Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, hơn 80 % số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, nhiều Bệnh viện/Trung tâm Y tế huyện thực hiện được phẫu thuật cấp cứu ngoại – sản khoa và các can thiệp khác, tỷ lệ danh mục kỹ thuật thực hiện đạt được trên 70%, tuyến tỉnh thực hiện đạt trên 85% so với phân tuyến chuyên môn quy định của Bộ Y tế.
Các Dự án chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, hơn 90% xã, phường, thôn, bản thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, với 95% số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin; tỷ lệ trẻ từ 6 – 60 tháng tuổi được uống bổ sung Vitamin A liều cao đạt trên 90%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống rõ rệt.
Trong thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 5463/KH-UBND ngày 08/6/2017 về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay hệ thống y tế cơ sở từng bước được củng cố và hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như con người. Cụ thể, thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng, sữa chữa, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng; mua sắm các gói trang thiết bị y tế theo quy định cho các cơ sở y tế kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân.
Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn nhân lực, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Các nước khác trên thế giới có tiềm năng kinh tế hơn chúng ta, nhưng mạng lưới Trạm y tế gần như không có. Khi có dịch bệnh xảy ra, các trung tâm phòng, chống dịch bệnh sẽ không phát huy được khả năng, vì không có mạng lưới gắn kết. Đối với các trạm y tế của chúng ta, chức năng điều trị ít nhưng công tác dự phòng là chủ yếu, do đó vai trò của đội ngũ y, bác sĩ tại các Trạm y tế rất quan trọng. Nhờ có đội ngũ này hoạt động thường xuyên, nên khi có dịch bệnh xảy ra đã cùng ngành Y tế và các ban ngành khác phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch và không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Ngành y tế dự phòng hiện nay đã đạt những thành tựu xuất sắc trong những năm qua như thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt; giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin; duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%; tự sản xuất được 10/12 vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia; nâng tỷ lệ người dân tiếp cận nước sạch, lối sống vệ sinh; phòng chống, ngăn chặn những dịch bệnh mới nổi nguy hiểm xâm nhập và lan tràn tại Việt Nam,…
Tuy nhiên đánh giá thực trạng lĩnh vực y tế dự phòng cho thấy mặc dù đang đứng trước nhiều cơ hội mới, chúng ta cần phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Hiện nay đa số các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tuy mới tập trung cao vào các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm, các nhiệm vụ khác ở mức thực hiện chưa được đầy đủ. Về phòng chống bệnh không lây nhiễm còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: nâng cao năng lực giám sát bệnh không lây nhiễm, tăng cường chất lượng đáp ứng với phòng chống bệnh không lây nhiễm, đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp liên ngành để phòng chống dịch bệnh bền vững.
Một trong những vấn đề còn tồn tại khác như về hoạt động xét nghiệm tại các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh đóng vai trò thiết yếu nhưng chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu thốn các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Theo thống kê năm 2019 số cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực YTDP tại các cơ sở tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện còn khá thấp. Nếu so sánh với quy định tại Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ngày 05/6/2007 về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước (được coi là định mức nhu cầu của ngành) thì số lượng nhân lực trên đây mới chỉ đáp ứng khoảng 42% nhu cầu cán bộ cho hệ thống YTDP trên cả nước. Như vậy còn cần bổ sung khoảng 23.800 cán bộ, chiếm 58% tổng nhu cầu nhân lực.
Phân tích nhu cầu nhân lực cần tăng lên theo tuyến cho thấy đối với tuyến trung ương là 1.018 (chiếm khoảng 4,3%), tuyến tỉnh 5.340 (chiếm 22,4%) và tuyến huyện 17.508 (chiếm 73,5%). Phân tích theo cơ cấu ngành đào tạo và cấp độ đào tạo có thể thấy nhu cầu cho cán bộ ngành y – dược khoảng 77,6%, các ngành khác khoảng 22,4%. Cụ thể hơn: Nhu cầu cho bác sỹ y khoa/y tế dự phòng khoảng 33,8%; cho cử nhân YTCC khoảng 16,7%; cho cử nhân xét nghiệm khoảng 5,3%; cho kỹ thuật viên trung cấp xét nghiệm khoảng 4,8%, nữ hộ sinh khoảng 5,9%, dược sỹ đại học khoảng 4,6%, dược sỹ trung cấp khoảng 3,8%; trong khi nhân lực trung cấp y lại có nhu cầu giảm đi ở những tỷ lệ phù hợp với từng cơ sở, đặc biệt đối với các đơn vị tuyến tỉnh. Đối với các ngành khác, gồm các cán bộ công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, hóa phân tích, cử nhân kinh tế, công nghệ thông tin, xã hội học…số lượng nhân lực còn thiếu khoảng trên 5300 người, chiếm 22,5% tổng số thiếu hụt theo nhu cầu, trong đó tập trung cao nhất ở cán bộ có trình độ đại học, chiếm 57% tổng số nhu cầu tăng thêm trong nhóm này.
Mặc dù Nhà nước và Bộ Y tế đã có những nỗ lực rất cao trong đầu tư nhân lực và trang thiết bị cho các cơ sở YTDP trên cả nước, nhưng do yêu cầu tăng lên không ngừng có tính bùng nổ về số lượng và chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trước những nguy cơ của bệnh dịch, biến đổi khí hậu, môi trường xã hội… đã dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Y tế nói chung, YTDP nói riêng.
Có thể điểm qua những điểm nổi bật sau đây. Nguồn nhân lực hiện có thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, hầu hết bác sĩ của hệ dự phòng đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành về y tế dự phòng. Tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm và khó tuyển dụng được cán bộ đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Phân bổ chỉ tiêu biên chế chưa phù hợp và chưa thật đầy đủ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo cán bộ YTDP còn thiếu và lạc hậu. Tình trạng các phòng thí nghiệm thực hành của các trường xuống cấp hoặc chưa được trang bị tốt là rất phổ biến, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo cũng như kỹ năng, năng lực nghiên cứu khoa học của các trường.
Chương trình và loại hình đào tạo chưa có sự thống nhất, chậm đổi mới, nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa có định hướng loại hình đào tạo một cách ổn định, chưa có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và cơ quan sử dụng nhân lực. Tài liệu đào tạo chưa được chuẩn hóa trong toàn quốc, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của chuyên ngành y học dự phòng. Chính sách đãi ngộ đối với nhân lực hoạt động trong lĩnh vực YTDP chưa đủ sức thu hút do vậy một số địa phương không thể tuyển được bác sĩ y khoa, bác sĩ y tế dự phòng, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN Y TẾ CƠ SỞ VÀ Y TẾ DỰ PHÒNG
Theo Nghị quyết Trung ương 6 về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hệ thống y tế cơ sở phải quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Trong thời gian qua, ngành Y tế đặc biệt quan tâm đầu tư và phát triển hệ thống y tế cơ sở và đạt nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg, ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới UBND các địa phương trong cả nước đã đề ra kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn với mục tiêu tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trong những năm qua, ngành Y tế đã chú trọng đầu tư hệ thống y tế cơ sở, tăng cường bổ sung đội ngũ cán bộ; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đồng thời đưa một số trang thiết bị kỹ thuật mới vào sử dụng và nhiều dịch vụ kỹ thuật mới được triển khai áp dụng tại tuyến y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Chỉ tiêu phấn đấu của các địa phương đến hết năm 2025 có 10 bác sỹ/vạn dân, tỷ lệ số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt 85%, 22 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,5%. Đến hết năm 2030, có 15 bác sỹ/vạn dân, tỷ lệ số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt 92%, 35 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 100%.
Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho ngành Y tế cần thúc đẩy y tế cơ sở nhanh chóng đổi mới để làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đảm bảo phát hiện sớm bệnh tật, xử lý kịp thời nhanh chóng, theo dõi lâu dài tình hình sức khỏe và bệnh tật của nhân dân.
Cần hỗ trợ Trạm y tế xã, phường thực hiện thí điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; phương án triển khai Trạm Y tế hoạt động y học gia đình theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21/8/2019 của Bộ Y tế, đề xuất các nội dung cần được hỗ trợ, giúp đỡ để phát triển y tế cơ sở, nâng cao năng lực y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh…
Ngành Y tế đã trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại để giúp chẩn đoán nhanh và sơ cấp cứu như: máy siêu âm cầm tay, máy sốc tim di động, bộ đặt nội khí quản, máy hút dịch, nẹp xương chấn thương chỉnh hình các loại… Năng lực chuyên môn của bác sĩ được nâng lên thông qua việc cử bác sĩ luân phiên từ tuyến trên về trạm làm việc, đồng thời phân công các bác sĩ các trạm lên tuyến trên trực và làm việc. Đến nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, đạt chỉ tiêu 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT và thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở trạm, 100% thôn, ấp, bản có nhân viên y tế hoạt động, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn trong tình hình mới.
Đối với các Trung tâm y tế, thu hút nhiều bác sĩ về làm việc và cử y, bác sĩ lên tuyến trên đào tạo nâng cao tay nghề, song song đó triển khai có hiệu quả nhiều kỹ thuật thuật mới, nhờ vậy đã có nhiều ca bệnh nặng được cấp cứu và điều trị thành công, qua đó mang lại sự hài lòng cho người dân và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trong thời gian tới, ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Y tế, ưu tiên phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới và y tế dự phòng, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đặc biệt tập trung cho Trạm y tế, Trung tâm y tế.
Tiếp tục ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người dân. Liên kết với các Trường đại học Y dược thực hiện nhiều loại hình đào tạo cán bộ y tế, chú trọng đào tạo bác sỹ, dược sỹ và đào tạo sau đại học. Đồng thời tăng cường thu hút và điều động bác sĩ về công tác ở tuyến xã, huyện để nâng cao chuyên môn cho nhân lực y tế cơ sở. Phấn đấu đạt tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 91%, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8,8%…
Nhân lực ngành y tế nói chung và nhân lực y tế dự phòng (YTDP) nói riêng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hiện nay công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân lực cho hệ thống YTDP đang là vấn đề cấp thiết trong xây dựng Quy hoạch, Chiến lược và Chính sách của ngành y tế. Trong nhiều năm qua chương trình đào tạo nhân lực YTDP tại các cơ sở đào tạo chưa thực sự thu hút học viên theo học, chương trình đào tạo chưa thống nhất, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành (mô hình trường – viện). Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ (lương, phụ cấp) dành cho cán bộ YTDP còn thấp, chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với lao động đặc thù của ngành. Thực tế trên dẫn đến tình trạng cơ cấu cán bộ công tác tại các đơn vị chưa hợp lý, thiếu cán bộ được đào tạo chính quy, có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực y học dự phòng (YHDP), nhiều cán bộ được đào tạo các chuyên ngành chưa phù hợp với yêu cầu công việc, học viên ra trường không muốn về công tác ở các cơ sở YTDP và cán bộ không yên tâm gắn bó với công tác dự phòng. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, bài viết này sẽ điểm lại thực trạng nhân lực của các đơn vị thuộc hệ thống YTDP, bàn về nguyên nhân một số hạn chế hiện nay và khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng.
Để đáp ứng cho nhu cầu nhân lực YTDP trên toàn quốc, với truyền thống đào tạo của các nhà trường y – dược hơn 60 năm qua, đặc biệt trong vòng 10 năm gần đây, chúng ta đã thành lập một mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung cấp y, dược học trên cả ba miền và ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Thực trạng hiện nay về Đào tạo đại học: Cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học trong đó có 18 cơ sở công lập. Hiện có 5 trường đại học đào tạo cử nhân y tế công cộng và 7 trường đào tạo Bác sỹ y học dự phòng. Đào tạo cao đẳng: Tính đến năm 2010, có 74 trường cao đẳng, trong đó có 3 trường trực thuộc Bộ Y tế, các trường còn lại trực thuộc tỉnh, thành phố. Số trường cao đẳng y tế được nâng cấp từ trường trung cấp y tăng rất nhanh trong 2 năm gần đây. Hiện chúng ta đang duy trì 8 phương thức đào tạo cho cán bộ YTDP tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước bao gồm: Đào tạo chính quy; Đào tạo hợp đồng theo địa chỉ; Đào tạo liên thông; Đào tạo cử tuyển; Đào tạo vừa làm vừa học; Đào tạo văn bằng hai; Đào tạo cấp chứng chỉ cho người học có yêu cầu và Đào tạo liên tục.
Với mạng lưới các nhà trường y – dược rộng khắp và phương phức đào tạo khá đa dạng, phong phú như trên, trong những năm qua hệ đào tạo đã cơ bản cung cấp đầy đủ cán bộ cho lĩnh vực YTDP theo trình độ văn bằng cũng loại hình văn bằng chuyên môn như hiện nay. Tuy nhiên so với nhu cầu nhân lực quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước thì khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo y – dược trên cả nước cũng cần phải tăng lên khoảng gấp 2 lần so với khả năng đào tạo hiện nay.
Từ nay đến 2020 cần thực hiện các giải pháp để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực YTDP. Xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao làm việc cho lĩnh vực YTDP. Ưu tiên về học phí, học bổng cho học viên theo học các ngành có thể hướng tới phục vụ cho lĩnh vực YTDP. Nâng mức lương cơ bản và phụ cấp đặc thù cho cán bộ công tác tại một số vị trí, cơ sở trong lĩnh vực YTDP. Thống nhất khung, chương trình đào tạo trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên phạm vi cả nước. Xây dựng các giáo trình đào tạo chuẩn và thống nhất, thường xuyên cập nhật kiến thức trong nước và quốc tế, đào tạo chuyên ngành sâu trong lĩnh vực YTDP. Xây dựng đề án đào tạo giáo viên, giảng viên làm máy cái cho hệ thống đào tạo YHDP. Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, giảng viên về các lĩnh vực chuyên môn YTDP. Thực hiện gắn kết mô hình viện, trường, khuyến khích đào tạo nội trú, đào tạo chuyên khoa định hướng ở một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực YHDP. Đầu tư, nâng cấp cơ sở thực hành YTDP ở các tuyến để sinh viên có đủ điều kiện thực hành đáp ứng yêu cầu về đào tạo.
Nhấn mạnh yêu cầu củng cố hệ thống y tế dự phòng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý các địa phương phải quán triệt đầy đủ, thực chất các văn bản, tinh thần chỉ đạo về vị trí y tế cơ sở, trạm y tế xã là “cánh tay nối dài” của trung tâm y tế huyện, thực hiện luân chuyển y, bác sĩ giữ trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện; củng cố y tế trong khu công nghiệp. Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng phải đủ năng lực theo dõi, quản lý sức khoẻ của mọi người dân trên địa bàn, công nhân trong khu công nghiệp.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành các gói dịch vụ cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó có gói dịch vụ theo dõi, quản lý sức khoẻ của người dân trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Để bảo đảm nguồn nhân lực y tế, các địa phương cần chủ động đặt hàng với các cơ sở đào tạo y khoa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://vncdc.gov.vn/y-te-du-phong-quyet-tam-nang-cao-nang-luc-trong-giai-doan-moi-nd14391.html
https://baochinhphu.vn/ra-soat-cung-co-y-te-co-so-du-phong-102220909142050424.htm
Views: 0