Ngày 17/8, đoàn công tác liên ngành: Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên hiệp hội Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế
Nội dung buổi làm việc xoay quanh vấn đề về cơ chế, chính sách và sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tình hình triển khai thực hiện công tác tham mưu, đề xuất với đảng, nhà nước về chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước và hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế hết sức quan tâm công tác trí thức, tạo cơ chế, chính sách, điều kiện để Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Liên hiệp hội đã có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu và hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội – ông Phan Công Tuyên – Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu.
Bà Lê Thị Phú Hương – Vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại miền Trung – Tây Nguyên khẳng định: Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã tập hợp được đông đảo trí thức, triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả, nhờ đó đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn chưa tương xứng với tiềm năng. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân nhà khoa học tham gia ý kiến tại hội nghị khi được mời là chưa đủ. Liên hiệp hội cần chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh những vấn đề cụ thể cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Một câu hỏi được nhiều đại biểu tham dự buổi làm việc quan tâm là: Tại sao ở một địa phương có nhu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội rất lớn, có đội ngũ trí thức rất đông, nhiều người có học hàm, học vị cao, nhưng Liên hiệp hội lại chưa làm tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội ?
Câu trả lời cũng đồng thời là nguyên nhân chính của vấn đề đang đề cập đến được nhiều người đồng tình là Liên hiệp hội chưa mạnh dạn đề xuất, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Do đó, chưa đưa được nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội vào kế hoạch hàng năm của tỉnh. Đồng thời, cơ chế về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của tỉnh còn thiếu cụ thể về loại dự án nào phải có ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội.
Liên hiệp hội cần tranh thủ sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành liên quan để xác định các đề án, dự án phải tư vấn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội từng năm trình UBND tỉnh phê duyệt. Có như vậy mới đẩy mạnh được công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Đó là giải pháp mà ông Nguyễn Quang – Vụ Trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ.
Nguyễn Văn Quế