Tác giả: LG. Hoàng Ngọc Thanh
PCTTT Hội Luật gia tỉnh
1. Tầm quan trọng của môi trường trong việc xây dựng và phát triển đất nước
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường sống của người dân” và “không phải vì kinh tế mà chúng ta bỏ qua môi trường trong phát triển, nhất là với một số dự án người dân đang kêu ca phàn nàn hiện nay”. Ngày 02/11/2016 giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà đã có sự đánh giá: “Sau một loạt sự cố vừa qua, điển hình là sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển bốn tỉnh miền Trung tháng 04/2016 có thể nhận thấy, môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu đựng thêm được nữa”.
Nội dung phát biểu của lãnh đạo nhà nước và đánh giá của lãnh đạo ngành đã cho chúng ta có sự nhìn nhận khá chính xác về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam, tuy nhiên quyền được phát triển và quyền được sống trong môi trường trong sạch đều thuộc quyền con người theo Hiến pháp Việt Nam. Để hướng tới mục tiêu này, từ năm 1992 tại Hội nghị Rio de Janerio, Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và đã đưa ra kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của mình. Hai mươi năm sau trong báo cáo của mình lãnh đạo chính phủ đã trình bày tại Hội nghị Rio+20, Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của thế giới. Như ở các quốc gia khác, Chính phủ Việt Nam coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai”.
Xác định được tầm quan trọng của công tác Bảo vệ môi trường trong sự nghiệp xây dựng phát triển chung, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ này, trong đó có một số văn bản quan trọng như: Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ chính trị về tăng cường công tác Bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo và sự công bằng xã hội. Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để triển khai, áp dụng vào thực tiễn một cách có hiệu quả. Đồng thời khi xây dựng chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm của mình trong Chương trình nghị sự 21 được đưa ra tại Hội nghị Rio de Janerio và những cam kết quốc tế, từ năm 2004, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững và chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đồng thời xác định các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam đến năm 2030.
Văn kiện đại hội lần thứ XIII của Đảng đã định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội và vấn đề môi trường, trong đó trong lĩnh vực môi trường báo cáo xác định “đến năm 2025 tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, nông thôn 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%” [1]
Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, cùng với các định hướng về xây dựng, hoàn thiện thể chế; về phát triển kinh tế; giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển con người và xây dựng nền văn hóa cũng như quản lý xã hội thì nội dung định hướng về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng được xác định rõ như sau: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” [2]
2. Vai trò của pháp luật trong Bảo vệ môi trường
2.1. Các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường
Trong nhiều thập niên qua và đặc biệt là những năm gần đây tình hình tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có tính chất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đã hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm (suy thoái) gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời
sống, sức khỏe của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng nghiêm trọng và diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị; lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học; nông nghiệp, nông thôn, làng nghề; lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại; lĩnh vực môi trường y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm… trong nhiều hành vi vi phạm pháp luật về môi trường có không ít hành vi vi phạm hành chính có yếu tố nước ngoài liên quan đến lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp; lĩnh vực nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, phế liệu; lĩnh vực buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm với tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu của sự đồng phạm, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có tổ chức…
Để góp phần ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ luật Hình sự năm 1985 đã quy định rõ tội phạm và hình phạt cho những hành vi này, Điều 195 quy định: “Người nào vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh công cộng, về phòng ngừa và chống dịch bệnh, về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Bộ luật Hình sự năm 1999 (Chương 17) quy định cụ thể hơn các loại tội phạm này tại 10 điều luật (Điều 182-191) theo đó tội phạm về môi trường là tội phạm xâm phạm đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường, bao gồm cả môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên rừng cũng như các hành vi nguy hiểm cho xã hội khác liên quan đến môi trường.
Quá trình áp dụng pháp luật hình sự để xử lý các hành vi tội phạm liên quan đến môi trường tuy đã đạt được những kết quả nhất định trong việc trừng trị, răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên cần phải đánh giá một cách khách quan tình hình vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng, có xu hướng ngày càng gia tăng với tính chất tinh vi và nghiêm trọng hơn, qua đó thấy rằng hiệu quả của công tác phòng chống tội phạm chưa cao, chưa phát huy tích cực vai trò của quần chúng nhân dân, chưa làm cho họ thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường của xã hội.
Về thái độ xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn nhiều trường hợp còn chưa phân minh đối với các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức, thiếu những căn cứ pháp lý cần thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi có dấu hiệu tội phạm, đặc biệt là đối với pháp nhân – đối tượng chính trong việc gây ô nhiễm môi trường và thường là rất nghiêm trọng. Do đó những quy định về tội phạm môi trường cần được điều chỉnh phù hợp – Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 tiếp tục được hoàn thiện, quy định các tội phạm về môi trường tại Chương 19 gồm 12 điều luật (từ Điều 235 dến Điều 246); nội dung của các điều luật này đã có sự đổi mới và được coi là những tội phạm về môi trường, có bổ sung thêm tội danh mới (Điều 238) đó là tội “Vi phạm quy định bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông”. Và lần đầu tiên Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (PNTM) được coi là bước tiến đột phá, quan trọng của pháp luật hình sự Việt Nam, tuy chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM nhưng đã tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với loại chủ thể này khi hoạt động của họ có dấu hiệu tội phạm trong việc gây ô nhiễm môi trường, quy định trách nhiệm hình sự đối với PNTM đã giải quyết được những ách tắc trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến loại chủ thể này.
2.2. Hiệu quả về mặt xã hội trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Từ năm 1985, Việt Nam đã có BLHS trong đó có quy định tội phạm liên quan đến môi trường bên cạnh luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này nhưng về mặt khách quan hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm chưa cao, chưa thường xuyên và chưa triệt để, đến năm 2015 Quốc hội đã hoàn chỉnh BLHS với 12 tội danh và đã được áp dụng vào thực tiễn nhưng tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn tiếp tục xảy ra. Câu hỏi cho vấn đề này là do nguyên nhân nào mà các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra, có phải là do xét xử không nghiêm hoặc là do công tác phòng, chống chưa triệt để, dư luận quần chúng nhân dân thì có nhiều chiều… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý nhà nước chưa quan tâm đầy đủ đến các yếu tố phòng ngừa loại hành vi này mà chỉ mới quan tâm đến yếu tố chống, tức là xử lí hành vi vi phạm khi nó đã xảy ra, đã gây ra những hậu quả cho xã hội, trong khi đó thực tiễn đòi hỏi phải có giải pháp ngay từ đầu để hậu quả không xảy ra. Điều đó đòi hỏi ngoài công tác quản lý chặt chẽ của nhà nước thì phải có sự tham gia của toàn xã hội, mỗi người dân phải phát huy quyền làm chủ của mình góp phần cùng nhà nước ngăn chặn hiệu quả các hành vi có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, việc giám sát và phản ảnh của người dân sẽ là yếu tố tích cực hướng tới sự phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tài liệu nghiên cứu các văn kiện của Đảng của Ban tuyên giáo Trung ương [1] Tài liệu nghiên cứu các văn kiện của Đảng của Ban tuyên giáo Trung ương.