Những điều nhà nông cần làm tốt để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa rét

Nhiệt độ thấp kéo dài kết hợp với ẩm độ không khí cao làm cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng để chống rét, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh đường hô hấp, có điều kiện bùng phát. Rét hại làm nhiều loại vật nuôi như trâu bò, lợn, gà, ngan, vịt…có thể bị chết nếu không có biện pháp phòng chống rét tích cực sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà nông. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tràn về, có xu hướng hoạt động mạnh và ảnh hưởng lớn đến nước ta vào những tháng cuối năm 2017 và các tháng đầu năm. Để chủ động trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Chuồng trại

– Chủ động gia cố, tu sửa, dùng bạt, nilon…che chắn đảm bảo chuồng nuôi đủ ấm, không bị mưa tạt, gió lùa trực tiếp.

– Giữ cho nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Thường xuyên bổ sung hoặc thay mới chất độn chuồng đối với đàn gia cầm. Lớp độn chuồng dày, khô ráo, không ẩm mốc. và hạn chế rửa chuồng đối với đàn gia súc, nhất là lợn con theo mẹ và lợn sau cai sữa,..Đối với các loại vật nuôi giai đoạn con tuổi nhỏ tốt nhất được nuôi úm trong chuồng có sử dụng đệm lót sinh thái.

– Sưởi ấm cho vật nuôi, đối với gia súc, gia cầm non phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi, đảm bảo nhiệt độ trong ô úm khoảng từ 320C giảm đến 220C theo tuần tuổi; Có thể đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi…nhưng phải đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi, tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy.

– Đối với trâu, bò, dê,… có thể sử dụng các loại chăn cũ, bao tải, bạt,…may áo giữ ấm cho gia súc. Sử dụng bao tải gai là tốt nhất.

Ngoài ra, nếu xây dựng chuồng trại mới cần chọn những vị trí thuận lợi tránh được gió mùa đông, cao ráo và dễ dàng gia cố.

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng

Cần cho gia súc, gia cầm được cung cấp đủ thức ăn, nước uống, nên cho ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, đảm bảo đủ nhu cầu để tăng khả năng chống rét:

Đối với trâu, bò: cho ăn đủ no , 1 con trâu, bò trưởng thành cần ăn 30-35 kg thô xanh/ngày và bổ sung thêm 1,5-2,0 kg tinh bột như cám gạo, gạo, ngô, khoai, sắn,.. Những ngày trời quá rét cần bổ sung thêm muối ăn, hòa với nước ấm cho trâu, bò uống với lượng 5g/100 kg thể trọng. Tăng cường cho ăn các loại thức ăn rơm ra, thân đâu, cỏ khô để hạn chế hiện tượng chướng hơi dạ cỏ ở gia súc nhai lại và cho ăn thức ăn ủ chua sẽ giúp béo khỏe, lớn nhanh, cày kéo tốt và tiết kiệm được thức ăn tinh bổ sung.

Đối với lợn: Cần cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, cho uống nước ấm có pha thêm muối ăn với lượng 1g/10kg thể trọng); Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex,…để tăng sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh;

Đối với gia cầm: Cần cho ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo nhu cầu, gia cầm non cho ăn cả ngày lẫn đêm; Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex,… để tăng cường sức đề kháng của gia cầm, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

3. Về chế độ chăn thả

 Hạn chế chăn thả gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét, nên nhốt và cho ăn uống tại chuồng; chỉ chăn thả khi trời tan sương, có nắng. Lưu ý nên cho trâu, bò đi muộn về sớm, trước khi chăn thả cho trâu, bò ăn 5 – 6 kg rơm, cỏ khô để phòng tránh bệnh chướng hơi dạ cỏ.

– Những ngày có nhiệt độ dưới 150C không chăn thả gia súc, gia cầm, cần nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng, có bạt che chắn gió lạnh, đảm bảo cho ăn uống đầy đủ và tích cực sưởi ấm.

4. Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh, theo hướng dẫn của cán bộ thú y để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

5. Kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi

Hàng ngày, người chăn nuôi cần theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý khi vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi có vật nuôi ốm hoặc chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp xử lý, tránh dịch bệnh lây lan.

Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email