Báo cáo thường niên của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thừa Thiên Huế về chất lượng nguồn nước mặt tại các hồ thủy điện, thủy lợi và hồ tự nhiên trên địa bàn tỉnh cho biết, trong năm 2020 Sở này đã tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu và phân tích đánh giá chất lượng nước tại 8 hồ thủy điện, 34 hồ thủy lợi và hồ tự nhiên. Số mẫu nước mặt được lấy trong đợt quan trắc là 60 mẫu. Các thông số đại diện, đặc trưng được chọn để đo đạc, phân tích gồm 21 thông số: nhiệt độ, pH, oxi hòa tan, nhu cầu oxi sinh hóa, nhu cầu oxi hóa học, tổng chất rắn lơ lửng, amoni, nitrit, nitrat, photphat, asen, cadimi, chì, đồng, kẽm, mangan, thủy ngân, sắt, tổng dầu mỡ, tổng chất hoạt động bề mặt, coliform.
Qua kết quả đo đạc, phân tích các mẫu nước mặt tại các hồ thủy điện cho thấy hầu hết các mẫu có các thông số đo đạc và đánh giá chất lượng nguồn nước mặt rất tốt, trong đó có 11/19 mẫu tại các hồ: A Lin B2, Rào Trăng 4, A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch, Thượng Lộ đều có các thông số đánh giá chất lượng nguồn nước mặt đạt cột A1 (sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) theo QCVN 08-MT:2015/ BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN08). 8/19 mẫu còn lại có hầu hết các thông số đánh giá chất lượng nguồn nước mặt tốt, đạt cột A1 theo QCVN 08, nhưng có 1-2 thông số đạt cột A2 (dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp) tại các hồ: Bình Điền, Rào Trăng 4, A Lưới, A Lin B1, Thượng Lộ. Điều đó nói lên công tác quản lý hoạt động thu dọn vệ sinh lòng hồ, điều tiết nước để cung cấp cho các sông ở hạ du của các hồ thủy điện là đảm bảo và phù hợp, đặc biệt một số hồ ở khu vực đầu nguồn của các sông được lấy làm nguồn cung cấp nước sinh hoạt.
Đối với các hồ thủy lợi và hồ tự nhiên, có 5/34 hồ gồm: hồ Cừa, hồ Truồi, hồ Thủy Yên, hồ Phú Bài, hồ Hòa Mỹ có chất lượng nguồn nước mặt rất tốt, trong đó các thông số đo đạc, phân tích đều đạt theo QCVN08 cột A1 hoặc A2. Có 20/34 hồ được đánh giá có chất lượng nguồn nước mặt tốt, trong đó các thông số đo đạc, phân tích đều đạt theo QCVN08 cột B1 (dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự) hoặc cột B2 (dùng cho giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp), đó là các hồ: Phong An, Phụ Nữ, Khe Rưng, Khe Nước, Bến Ván, Thủy Lập, Nam Giảng, Bàu Đen, Đập Bao, La Ngà, Vũng Nhựa, Ba Làng, Trầm Giảng, Trầm Nải, Mỹ Xuyên, Thiềm Lúa, Thôn Niêm, Thiềm Cát, Trằm Sen và Khe Mang. Tuy nhiên vẫn còn 9/34 hồ thủy lợi và hồ tự nhiên có chất lượng nguồn nước mặt thấp, trong đó các hồ: Khe Ngang, Thọ Sơn, Ba Cửa có 1 thông số đo đạc vượt cột B2; các hồ: Cửa Lăng, Nam Lăng, Châu Sơn, Võ Xã, Lương Mai, Bàu Co có 2 thông số đo đạc vượt cột B2 QCVN08.
Hồ thủy lợi Khe Ngang – Thị xã Hương Trà
Như vậy về cơ bản các hồ thủy lợi và hồ tự nhiên trên địa bàn tỉnh có chất lượng nước tốt, có đến 29/34 hồ có các thông số đánh giá chất lượng nguồn nước mặt đạt từ cột B2 đến cột A1 theo QCVN08, đảm bảo cho công tác tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản… Trong lúc các hồ thủy lợi và hồ tự nhiên theo quy định về mặt công năng sử dụng thì chỉ so sánh với cột B2. Tuy vậy, vào thời điểm tiến hành quan trắc, đo đạc, lấy mẫu nước phân tích thì trên địa bàn tỉnh vừa có đợt mưa trên diện rộng, điều này dẫn đến tại một số hồ thủy lợi và hồ tự nhiên có thông số TSS (chất rắn lơ lửng) vượt quy chuẩn kỹ thuật, nhưng mức vượt không lớn. Ngoài ra, do tác động từ công trình xây dựng tuyến đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn, nước mưa chảy tràn cuốn theo vật liệu từ công trình đổ về một số hồ tự nhiên gần tuyến thi công gây nên hiện tượng hồ chuyển màu sang màu đỏ phù sa, làm tăng thông số chất rắn lơ lửng. Các hồ trên địa bàn thị xã Hương Thủy thường nhận nhiều nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nên một số thông số chất lượng nước mặt vượt quá quy chuẩn cho phép với số lần vượt không lớn và các thông số ô nhiễm thông thường là phú dưỡng và nhu cầu oxy hóa học (COD).
Để đảm bảo chất lượng và an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, Sở TN&MT đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ cho các mục đích tưới tiêu, điều hòa môi trường và nguồn dự phòng nước ngọt trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Đáng chú ý UBND các huyện, thị xã cần có kế hoạch định kỳ quan trắc chất lượng nước tại các hồ tự nhiên trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện sự biến động về chất lượng nước để có biện pháp đảm bảo hiện trạng nguồn nước mặt luôn đạt chất lượng tốt. Riêng UBND thị xã Hương Thủy cần xây dựng kế hoạch định kỳ kiểm tra, quan trắc chất lượng các hồ tự nhiên trên địa bàn; rà soát các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp chưa có hạ tầng xử lý nước thải tập trung, yêu cầu phải xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải tập trung; yêu cầu chấp hành nghiêm túc pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, xử lý chất thải đạt yêu cầu kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thi công đường cao tốc Cam lộ – La Sơn phải có phương án đảm bảo thu gom toàn bộ nước thải phát sinh và phải có phương án xử lý trước khi chảy ra môi trường; yêu cầu các nhà thầu trong quá trình khoan, đào đắp đất tránh hiện tượng nước mưa chảy tràn gây ảnh hưởng đến các hồ tự nhiên trong khu vực thi công./.
Nguyễn Đính
Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế