Tác giả: TS. Đặng Thanh Phú
Ngoại giao khoa học – công nghệ, hay nôm na là Ngoại giao khoa học, là một phần nghiêm túc trong bộ công cụ của mọi quốc gia, cho dù đất nước đó lớn hay nhỏ, đang phát triển hay đã giàu có. Ngoại giao khoa học đòi hỏi một cái nhìn mang tính cấu trúc không chỉ hướng đến thúc đẩy nên khoa học toàn cầu, vốn đã là nhiệm vụ của rất nhiều tổ chức khoa học mà còn chú trọng đến việc giải quyết những vấn đề xã hội trải dài từ cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Ngoại giao khoa học, công nghệ – qua các cách nhìn khác nhau
Có nhiều cách hiểu, khái niệm về ngoại giao khoa học. Theo đó, ngoại giao khoa học có thể nhìn nhận dưới 3 dạng hoạt động, cụ thể: khoa học trong ngoại giao, ngoại giao vì khoa học, khoa học vì ngoại giao. Khoa học trong ngoại giao được hiểu là khoa học có thể cung cấp thông tin, ý kiến tư vấn nhằm hỗ trợ đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Ngày nay, các cuộc đàm phán chứa đựng các thông tin khoa học phức tạp ngày một gia tăng như: đàm phán về kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu, các mục tiêu phát triển bền vững, bệnh dịch đối với sức khỏe con người, quản lý các tài sản chung của nhân loại như: khí quyền, đại dương, vũ trụ, các cực của trái đất. Ngoại giao vì khoa học được hiểu là ngoại giao có thể hỗ trợ hợp tác khoa học quốc tế. Thông qua ngoại giao có thể hình thành nên những cơ sở hạ tầng nghiên cứu lớn mang tính quốc tế cũng như có thể huy động nguồn lực mang tính quốc gia cho các công trình này. Trong khi đó, khoa học vì ngoại giao là hợp tác khoa học quốc tế trong nghiên cứu và đổi mới được sử dụng như một quyền lực mềm và cơ chế để cải thiện quan hệ với các khu vực và những quốc gia quan trọng. Để có được những công nghệ mong muốn, các nước có thể phải chấp nhận những ảnh hưởng nhất định do nước sở hữu công nghệ đặt ra.
Tại sao ngoại giao khoa học lại quan trọng và các dẫn dụ
Các quốc gia và nền văn hóa từ lâu đã xây dựng mối quan hệ dựa trên khoa học trong nỗ lực xây dựng một yếu tố quan trọng của lòng tin. Ngày nay, các quốc gia ngày càng đặt các tùy viên khoa học tại các đại sứ quán ở nước ngoài. Ngoại giao có thể giúp đặt nền tảng cho dự án khoa học đa quốc gia. Hợp tác khoa học có thể bắt đầu với mục đích rõ ràng là cải thiện mối quan hệ giữa các quốc gia và đạt được con đường thịnh vượng chung. Trong khi đó, thực hành khoa học coi trọng tính hợp lý, tính minh bạch và tính phổ quát, nên những giá trị cốt lõi này có thể giúp thúc đẩy quản trị tốt và trao đổi ý tưởng tự do giữa những người thuộc mọi quốc tịch và nền tảng văn hóa hoặc tôn giáo. Bản thân khoa học không biết ranh giới và kiến thức khoa học là phổ quát.
Có thể dẫn dụ một số thành công về ngoại giao khoa học – công nghệ trên thế giới, như: việc xây dựng thể chế gồm Trung tâm nghiên cứu hạt nhân (CERN) nằm gần Geneva ở Thụy Sỹ và có 23 quốc gia châu Âu là các quốc gia thành viên. Đổi lại, CERN đã giúp thành lập Trung tâm ánh sáng Synchrotron cho khoa học thực nghiệm và ứng dụng ở Trung Đông, được biết đến với tên viết tắt là SESAME, đại diện cho một trung tâm nghiên cứu vật lý hàng đầu ở Trung Đông. SESAME có trụ sở tại Jordan và có 8 quốc gia thành viên từ Trung Đông, chính thức khai trương vào năm 2017. Hay như sự hợp tác giữa các nhà khoa học Anh với các nhà khoa học của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để nghiên cứu Núi Paektu, đã tạo ra hình ảnh thành công về lớp vỏ bên dưới ngọn núi lửa mang tính biểu tượng này. Các trường hợp khác như: sự hợp tác giữa hai nghiên cứu sinh TWAS – Dorairajan Balasubramanian của Ấn Độ và Anwar Nasim của Pakistan đã dẫn đến cơ hội phân phối vacccine viêm gan B mới, giá rẻ do Ấn Độ sản xuất cho người dân Pakistan và sáng kiến này có tên là vaccine vì hòa bình. Và như các nước châu Phi gồm Rwanda, Uganda và Congo cùng chia sẻ lãnh thổ của Vườn Quốc gia Virunga, một di sản thế giới được UNESCO công nhận nổi tiếng với sự đa dạng sinh học phong phú bao gồm cả loài khỉ đột núi đang bị đe dọa. Sự hợp tác như vậy đòi hỏi sự tương tác với các cố vấn khoa học nhưng cũng cần thiện chí và chuyên môn trong việc làm giảm các xung đột tiềm tàng.
Ngoại giao khoa học và sự phát triển của quốc gia
Ngoại giao khoa học là một hoạt động nâng cao vị thế của một quốc gia cũng như giải quyết những mâu thuẫn phức tạp giữa các nước, song thuật ngữ ngoại giao khoa học cho đến một thập kỉ vừa qua mới trở thành một lĩnh vực chuyên môn và nhận được sự chú ý. Ngoại giao khoa học thường tập trung dưới 3 hình thức chủ yếu sau: những hoạt động đáp ứng trực tiếp nhu cầu của một quốc gia, những hoạt động giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp khu vực, và những hoạt động đáp ứng nhu cầu và thách thức toàn cầu. Để một quốc gia đầu tư vào ngoại giao khoa học thì mọi hành động đều phải trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ. Cách phân loại trên giúp cho việc xác định các hoạt động hợp tác được cụ thể và chính xác hơn vì nó dựa trên các ưu tiên chính sách và chính trị chung của các quốc gia, đồng thời cho thấy những hoạt động nào sẽ cần sự hợp tác của nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau trong chính phủ.
Năm 2016, Mỹ, New Zealand, Anh, Nhật Bản cùng nhau thiết lập Mạng lưới cố vấn Khoa học và Công nghệ cho Bộ Ngoại giao nhằm mục đích cung cấp những chứng cứ khoa học tốt cho những hoạt động ngoại giao. Năm 2009, hội nghị của Hiệp hội Hoàng gia và AAAS về ngoại giao khoa học nhắm mục đích sử dụng khoa học để giảm căng thẳng giữa các nước phương Tây và các nước Hồi giáo, đặc biệt sau vụ tấn công ngày 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố. Trong bài phát biểu tại Cairo ngày 4/6/2009, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama đã nỗ lực định hình lại mối quan hệ giữa Mỹ với cộng đồng Hồi giáo quốc tế, đã tập trung vào hợp tác khoa học và công nghệ, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực ngoại giao khoa học của Mỹ một cách chính thức.
Không những các nước lớn sử dụng ngoại giao khoa học một cách chính thức, các nước nhỏ cũng đã xem ngoại giao khoa học để khẳng định vị thế của mình trên diễn đàn toàn cầu và tăng cường tiếng nói trong các cuộc thảo luận chính sách quốc tế. Israel là quốc gia như vậy. Nước này đã sử dụng các thế mạnh khoa học và công nghệ để xây dựng nền kinh tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và nhờ đó tạo dựng được mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Đông, vượt lên trên những mâu thuẫn lâu dài trong lịch sử. Với Canada, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada đã hợp tác với Mạng lưới quốc tế về cố vấn khoa học cho Chính phủ (INSAGA) để xây dựng cơ chế cố vấn khoa học tại các LMIC ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. New Zealand thì đã nhờ sự giúp đỡ chuyên môn và năng lực xét nghiệm của Úc để đối phó với trường hợp nghi nhiễm Ebola năm 2014. Trong khi đó, Anh và Nhật Bản đã tăng cường quan hệ hợp tác khoa học để giải quyết các rủi ro an ninh và sức khỏe sau trận động đất ở Nhật Bản và sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima năm 2011.
Riêng với các nước như Mỹ, vai trò của ngoại giao khoa học được đẩy lên đỉnh điểm trong năm 2010, khi một bản Dự luật với tên gọi “Luật Ngoại giao và Chương trình Khoa học toàn cầu về an ninh và cạnh tranh – Global Science Program for Security, Competitiveness and Diplomacy Act of 2010”, trong đó có nội dung đề nghị tăng cường vai trò của các hoạt động khoa học, công nghệ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, hay cụ thể hơn là tăng số lượng các nhà khoa học tại Bộ Ngoại giao và các sứ quán của Mỹ lần đầu được trình lên Quốc hội Mỹ”. Với Nhật Bản, năm 2008, khái niệm ngoại giao khoa học, công nghệ mới bắt đầu xuất hiện lần đầu trong báo cáo của Hội đồng Chính sách khoa học, công nghệ thuộc Văn phòng Nội các với tiêu đề “Hướng tới việc tăng cường ngoại giao khoa học, công nghệ”. Thuật ngữ ngoại giao khoa học, công nghệ được định nghĩa như các bước thực hiện liên kết giữa khoa học, công nghệ với chính sách đối ngoại nhằm đạt được sự phát triển chung của cả hai lĩnh vực và sử dụng ngoại giao cho sự phát triển của KH&CN, cũng như tăng cường sự nỗ lực sử dụng KH&CN cho các mục đích ngoại giao.
Đến phát triển Ngoại giao khoa học “đột phá” của Việt Nam
Ngày 18/5/1963, tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử khoa học và công nghệ nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài phát biểu tại Đại hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến khoa học và kỹ thuật, coi đây là động lực để xây dựng và phát triển đất nước. Người căn dặn: “Khoa học phải gắn với sản xuất, phục vụ nhân dân”. Sự kiện này đặt nền móng cho những bước phát triển ứng dụng khoa học để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nguồn: VGP).
Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (13/1/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “khoa học và công nghệ là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước. Các bài học thành công từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản hay gần đây là Ấn Độ, Ai-len, Hàn Quốc, Singapore đã chứng minh vai trò của khoa học và kỹ thuật. Các quốc gia này đã tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu”. Tổng Bí thư Tô Lâm còn nhấn mạnh “với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là chìa khóa vàng, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta”.
Từ quan điểm trên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hiện thực hóa thành các hành động cụ thể. Riêng trong tháng 3/2025, tại buổi tiếp Thượng nghị sỹ Mỹ Steve Daines (20/3) và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, Tổng Bí thư đề nghị tăng cường hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng, dược phẩm, nông nghiệp. Ngày 23/4/2025, trong buổi tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Rosen Partners (Mỹ), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “Việt Nam khuyến khích đầu tư vào phát triển văn hóa, du lịch, thúc đẩy giao lưu nhân dân, hoan nghênh hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Mỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đề nghị tập đoàn thúc đẩy hợp tác, đầu tư sang các lĩnh vực Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, trong đó có nông nghiệp chất lượng cao, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực”.
Trước đó, ngày 18/4/2025, tiếp ông Jeffrey Perlman, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus, kiêm đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Mỹ, Tổng Bí thư đề nghị: “Quỹ tăng cường đầu tư vào các dự án đang triển khai, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực các doanh nghiệp Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, năng lượng mới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ. Nguồn: VGP
Với Chính phủ, cuối năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ John Neuffer cùng lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ (gồm Intel, Ampere, Marvell, Cirrcus Logic, Infineon, Skyworks). Theo đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam tập trung ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số) và nhân lực; chủ trương phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, ngành bán dẫn; có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng đồng thời đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hợp tác đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển bán dẫn.
Như vậy, có thể thấy, cùng với các hoạt động ngoại giao truyền thống, ngoại giao khoa học – công nghệ ngày càng được quan tâm, đề cao nhằm tạo thêm sự hỗ trợ cũng như đặt nền móng cho việc giải quyết các xung đột và xây dựng niềm tin giữa các quốc gia. Ngoại giao khoa học đã phát triển bao hàm các mối tương quan trên các cấp độ khác nhau, từ tư nhân đến nhà nước và quốc tế; sử dụng hợp tác khoa học quốc tế để hỗ trợ trao đổi thông tin và hợp tác giữa con người với con người của các quốc gia khác nhau nhằm thúc đẩy ổn định, thịnh vượng và hòa bình toàn cầu. Với sự ra đời của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cho thấy Việt Nam đang nỗ lực nắm bắt cơ hội đột phá từ ngoại giao khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi đưa đất nước vững bước bước vào kỷ nguyên mới./.