Nghiên cứu tuyển chọn chủng nấm từ tự nhiên có khả năng kiểm soát tuyến trùng gây bệnh vàng lá chết chậm trên cây hồ tiêu và triển khai ứng dụng thành công góp phần thúc đẩy sản xuất hồ tiêu hữu cơ ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như các địa phương trong cả nước, Đó là giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ của nhóm nghiên cứu PGS.TS Trần Thị Thu Hà của Trường Đại học Nông Lâm Huế. Công trình đã đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2017.
Theo nhóm nghiên cứu cho biết: Hồ tiêu (Piper nigrum. L) là cây gia vị quan trọng và có giá trị kinh tế cao trên thế giới (Nair 2004). Ở nước ta hồ tiêu là cây trồng đạt giá trị xuất khẩu/ha ở mức cao nhất (6886USD/ha) gấp 4 lần cao su; 3,8 lần hạt điều; 2,6 lần cà phê; 6 lần chè (Hiệp Hội Hồ Tiêu Việt Nam 2012). Bệnh vàng lá chết chậm hồ tiêu là một bệnh hại chính, gây hại nhiều vùng trồng tiêu của tỉnh. Bệnh do tuyến trùng, nấm Fusarium, rệp sáp và mối gây ra. Trong đó tuyến trùng là tác nhân gây bệnh chủ yếu, tạo vết thương để nấm xâm nhập vào bộ rễ của cây để gây bệnh. Biện pháp phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu chủ yếu sử dụng các loại thuốc hóa học. Mặc dầu các thuốc hoá học thường có hiệu quả cao nhưng phần lớn các thuốc trừ tuyến tùng rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường và sức khoẻ của cộng đồng. Điều này không những làm tăng tính kháng thuốc của dịch hại, giảm hiệu quả phòng trừ, ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn giảm đáng kể chất lượng và giá trị xuất khẩu của hạt tiêu. Việc kiểm soát tuyến trùng bằng biện pháp sinh học luôn là mục tiêu ưu tiên của sản xuất hồ tiêu hữu cơ, xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thành công và tuyển chọn được chủng nấm Trichoderma asperellum SH16 có khả năng thuỷ phân chitin và có hoạt tính enzyme ngoại bào chitinase mạnh để bổ sung trong quá trình ủ phân Bokashi-Trichoderma. Phân Bokashi-Trichoderma có khả năng phòng trừ tuyến trùng gây bệnh vàng lá chết chậm trên cây hồ tiêu đạt hiệu quả cao
Phân hữu cơ vi sinh “Bokashi-Trichoderma” được nghiên cứu và tạo ra dựa trên công nghệ ủ phân hữu cơ Bokashi của Nhật Bản và bổ sung thêm vi sinh vật đối kháng- nấm Trichoderrma asperellum.
Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma là tạo hỗn hợp 0,5 kg nấm Trichoderma với chất mang là cám: trầu theo tỉ lệ 1:5 với 10ml nước cất thanh trùng. Sau đó, hỗn hợp này được nuôi trong phòng thí nghiệm và sau 6 ngày thu được chế phẩm vi sinh Trichoderma. Tiếp theo, ta ủ phân hữu cơ với hỗn hợp nấm Trichoderma với các thành phần: phân chuồng từ 400-500 kg; xơ dừa, vỏ trấu, vỏ đậu hay các chất bã thực vật từ 500-600kg và băm nhuyễn 2-3cm; 150-200 lít nước; 30kg supper lân. Sau 20-25 ngày ủ, tiến hành đảo phân và bổ sung 5kg nấm Trichoderma/tấn phân, tiếp tục ủ phân thêm 5-10 ngày thì phân có thể đem sử dụng được. Phân hữu cơ vi sinh “Bokashi-Trichoderma” được bón cho cây hồ tiêu kinh doanh 5-7 năm tuổi, với liều lượng 2kg/gốc và bón 2-3 lần/năm.
Giải pháp nghiên cứu “Chế phẩm phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu” được đánh giá cao tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng và tính hiệu quả kỹ thuật, kinh tế, xã hội
Tính mới và tính sáng tạo của giải pháp:
– Cùng với kỹ thuật ủ lên men Bokashi, chúng tôi sử dụng và bổ sung chủng nấm Trichoderma asperellum có khả năng phân giải celluloza có hoạt lực cao, làm phân hủy nhanh các chất hữu cơ tại chỗ vừa dễ làm, vừa rẻ tiền. Với mục đích nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời sử dụng nấm đối kháng Trichoderma asperellum SH16 bản địa đã được nhóm tác giả phân lập ở Việt Nam và đã được công bố trên tạp chí quốc tế Mycobiology và đăng ký trên ngân hàng gen (GenBank có mã số HM545080 – The nucleotide sequence data of 18S, 5.8S and 28S rRNA (SH16) was registered in the GenBank, EMBL, and DDBJ databases. Accession numbers: HM545080. Authors: Ha TTT, Song NV, Quang HT, Hung NB, Hoa PT, Phuong TTB, Loc NH and Loang TK (2010)). Chủng nấm Trichoderma asperellum SH16 có khả năng tiết enzyme ngoại bào (Chitinase và cellulase) nên có tác dụng phân huỷ vách tế bào chitin của tuyến trùng và trứng tuyến trùng nên phòng trừ được tuyến trùng làm giảm mật số tuyến trùng trong đất và rễ cây hồ tiêu khi bón phân hữu cơ vi sinh “Bokashi-Trichoderma”.
– Sử dụng phương pháp nghiên cứu tương tác giữa chế phẩm Trichoderma asperellum SH16 có khả năng tiết enzyme ngoài bào chitinase hoạt tính cao với phân hữu cơ Bokashi ủ theo kỹ thuật Nhật Bản để đánh giá khả năng kết hợp và tác dụng tương hỗ trong phòng trừ tuyến trùng trên cây hồ tiêu.
– Việc sử dụng chế phẩm “Bokashi-Trichoderm” và phân hữu cơ vi sinh “Bokashi-Trichoderma” có tác dụng hạn chế bệnh tuyến trùng là đối tượng khó phòng trừ. Hiện nay đa số nông dân sử dụng thuốc hoá học đọc hại để phòng trừ tuyến trùng. Vì vậy sử dụng chế phẩm “Bokashi-Trichoderma” và phân hữu cơ vi sinh phòng trừ tuyến trùng giảm thiểu việc sử dụng thuốc hoá học ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, nông sản và môi trường.
Khả năng ứng dụng hiệu quả và rộng rãi:
– Giải pháp đã phát triển 2 loại sản phẩm gồm chế phẩm “Bokashi- Trichoderma” và phân hữu cơ vi sinh “Bokashi-Trichoderma” để người dân có thể dùng để tự ủ phân khi có rác thải hữu cơ và loại sản phẩm phân hữu cơ vi sinh người dân có thể sử dụng trực tiếp.
– Giải pháp đã được ứng dụng hiệu quả ở một số địa phương trồng tiêu trong và ngoài tỉnh. Ở Thừa Thiên Huế: ứng dụng tại các vườn Hồ tiêu xã Lộc Hoà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1-5, Phong điền, Thừa Thiên Huế
Hiệu quả kinh tế- kỹ thuật –xã hội:
– Hiện nay, một số nông dân còn lạm dụng thuốc hóa học trong phòng trừ tuyến trùng bởi đây là dịch hại khó phòng trừ. Sử dụng thuốc hoá lạm dụng thuốc có tính độc cao, thuốc phổ tác dụng rộng liên tục sẽ gây hiện tượng kháng thuốc và gây ô nhiễm cho người, vật nuôi và môi trường đặc biệt là nguồn nước. Vì vậy việc sử dụng “Bokashi-Trichoderma” nhằm hạn chế sử dụng thuốc hoá học và sản xuất nông nghiệp an toàn bền vững.
– Sử dụng chế phẩm “Bokashi-Trichoderma” trong ủ phân tận dụng nguồn rác thải hữu cơ sẵn có ở nông hộ, địa phương có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiện chi phí nâng cao hiệu quả trong sản xuấ nông nghiệp.
Hồ Thành