Nghiên cứu sự thích nghi với suy giảm tài nguyên thủy sản đối với nghề cá ở phá Tam Giang

Tài nguyên thủy sản vùng đầm phá Tam Giang ngày càng suy giảm về cả số lượng và chủng loại, điều này đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của ngư dân, cũng như tài nguyên thiên nhiên. Để đảm bảo thu nhập đáp cuộc sống, ngư dân đã có những chiến lược đa dạng hóa hoạt động tạo thu nhập, thay đổi ngư cụ, gia tăng cường độ và thời gian khai thác… nhằm thích nghi với suy giảm nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, trong những chiến lược thích nghi của nông hộ thì có những chiến lược thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, nhưng vẫn có chiến lược ảnh hưởng xấu đến việc duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Sự thay đổi tài nguyên thủy sản vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đang diễn ra theo chiếu hướng xấu, nguyên nhân chính là do con người gây ra từ các hoạt động sống của cộng đồng.

Nghề đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản (nghề cá) ở hệ đầm phá tạo ra một xã hội có nhiều kinh nghiệm sống với sự biến đổi và những sự kiện không thể dự đoán. Do đó nghiên cứu về nghề cá ở đầm phá có thể cung cấp những thông tin đầy đủ về cách thức của cộng đồng ngư dân đầm phá thích nghi với những hình thái khác nhau của biến đổi môi trường và suy giảm tài nguyên. Việc đánh giá tác động của sự thay đổi môi trường đầm phá và chiến lược thích nghi của người dân trước sự suy giảm tài nguyên đã và đang diễn ra là hết sức ý nghĩa. Do đó chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu sự thích nghi với suy giảm tài nguyên thủy sản đối với nghề cá ở phá Tam Giang” trường hợp nghiên cứu tại xã Hương Phong, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, nhằm phân tích, làm rõ xu hướng suy giảm tài nguyên thủy sản, đánh giá mức độ tiếp cận tài nguyên thông qua việc tìm hiểu các hoạt động sinh kế của người dân, tìm hiểu chiến lược thích nghi của cộng đồng trước những xu thế suy giảm tài nguyên thủy sản ở đầm phá.

Xu hướng suy giảm tài nguyên thủy sản ở đầm phá được thể hiện qua sự thay đổi nguồn tài nguyên thủy sản trong năm, giảm sản lượng khai thác và sự suy giảm các loài thủy sản.

Sản lượng thủy sản phụ thuộc vào không gian và thay đổi do chịu tác động của độ sâu mực nước, chế độ thủy triều và mùa vụ. Theo kinh nghiệm của ngư dân cho biết, khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch là mùa sinh sản của cá, tôm,…, sản lượng khai thác nguồn lợi thủy sản lớn trong năm là từ tháng 4 đến tháng 8, đặc biệt là vào khoảng tháng 6 sản lượng khai thác đạt lớn nhất vì trọng lượng và số lượng của cái loài thủy sản đánh bắt được lớn. Tháng 6 đến tháng 8 mực nước trong đầm phá thấp, nguồn thủy sinh từ biển không vào được. Tháng 8 đến tháng 10 là mùa mưa bão nên lượng nước ngọt đổ ra đầm phá và ra biển lớn. Do đó các loài thủy sinh cũng theo dòng nước này ra biển. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng loài thủy sản khác nhau mà thời gian này cũng có thể khác nhau. Mặt khác, sản lượng cá trong đầm phá còn phụ thuộc vào độ sâu của cửa biển. Cũng theo ngư dân: sau lụt 1999 cửa biển cạn hơn do bồi lấp tự nhiên, theo đó sản lượng cá khai thác cũng thấp hơn trước. Mặt khác, xây dựng đập Thảo Long đã làm độ mặn của đàm phá Tam Giang giảm cũng đã tác động đến nguồn thủy sinh có trong vùng đầm phá. Vùng “cỏ hẹ” ven đầm phá xã Hương Phong có diện tích 30 ha, là vùng cạn, cát pha bùn, là nơi trú ngụ của các loại ấu trùng thuỷ sản cũng mất dần cùng với việc quy hoạch các ao nuôi thuỷ sản là yếu tố đã góp phần làm giảm nguồn cung cấp thủy sinh cho vùng đầm phá.

Sự suy giảm tài nguyên thủy sinh của môi trường đầm phá được thể hiện rõ qua sản lượng khai thác của các loại ngư cụ trước đây và hiện tại. Sản lượng thủy sản khai thác được của các ngư cụ cho thấy được sự giàu có về tài nguyên và sức sản xuất của đầm phá. Sản lượng đánh bắt của một số ngư cụ trước đây (trước 1999) và hiện tại có sự chênh lệch rất lớn về sản lượng đánh bắt trong ngày. Điều này cho thấy rằng, sự suy giảm tài nguyên thủy sản đầm phá đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và sẽ tác động lớn đối với xã hội nghề cá ở đây.

Các ngư cụ đánh bắt sản lượng khai thác trước năm 1999 cao hơn rất nhiều so với hiện tại. Với việc suy giảm sản lượng đánh bắt như vậy, đã đặt người dân có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên đầm phá cần phải có chiến lược thích nghi trước sự thay đổi này.

Sự suy giảm các loài thủy sản trên đầm phá về sản lượng và chủng loại là rất lớn, so với năm 1999 thì năm 2014 sản lượng của tất cả các loài khai thác đều có xu hướng giảm, và càng về sau có xu hướng giảm nhiều. Một số loài sản lượng chỉ còn rất ít thậm chí không khai thác được như cá Ong Hương, cá Căng, …

Khả năng và mức độ tiếp cận tài nguyên thủy sản của cộng đồng nghề cá ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu hai

Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có khoảng 300.000 cư dân sinh sống, đời sống của các hộ dân này gắn liền với việc khai thác trực tiếp nguồn tài nguyên trong đầm phá. Ở hầu hết các thôn tiếp giáp với phá, sinh kế hoàn toàn phụ thuộc vào ngư nghiệp. Địa bàn xã Hương Phong có hai nhóm tham gia đánh bắt thủy sản: nhóm đại nghệ (khai thác cố định: nò sáo, đáy, chuôm…) và tiểu nghệ (khai thác di động: Lừ, lưới, câu…). Tiếp cận khai thác tài nguyên thủy sản của nhóm đại nghệ mang tính “cha truyền con nối” được tạo ra bởi “ông cha” của họ. Điều này tạo ra cho nhóm đại nghệ có nhiều đặc quyền hơn trong tiếp cận tài nguyên đầm phá so với nhóm tiểu nghệ. Hệ thống này chiếm giữ một diện tích lớn mặt nước đầm phá và ngăn cấm những hoạt động khai thác khác xâm chiếm diện tích mặt nước khai thác của các ngư cụ cố định, đặc biệt đối với nhóm khai thác di động. Hầu hết những hộ gia đình thuộc nhóm đại nghệ là những hộ gia đình thuộc tầng lớp khá giả hơn trong thôn, xã.

Đứng trước trước bối cảnh suy giảm nguồn tài nguyên thủy sản, ngư dân đã thực hiện chiến lược đa dạng các hoạt động thu nhập, thay đổi ngu cụ khai thác, gia tăng số lượng ngư cụ, cường độ và phạm vi hoạt động khai thác và đầu tư chuyển đổi ngành nghề cho thế hệ con em của ngư dân.

Đa dạng hóa các hoạt động thu nhập là giải pháp thích nghi cốt yếu ở cấp nông hộ. Trước những thay đổi về của môi trường, sự suy giảm sản lượng khai thác cùng với vấn đề ô nhiễm môi trường nặng nề, biến đổi khí hậu gia tăng và các chính sách phát triển của địa phương (phát triển nuôi trồng thủy sản; xây dựng đập ngăn mặn) đã làm giảm nguồn thu nhập chính của nông hộ có hoạt động sinh kế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thủy sản. Điều này đã buộc người dân phải có những chiến lược/giải pháp thích nghi nhằm duy trì ổn định nguồn thu nhập, đảm bảo điều kiện sống của gia đình. Theo ý kiến của các hộ gia đình có hoạt động thu nhập phụ thuộc vào tài nguyên đầm phá, để đảm bảo thu nhập họ phải tìm kiếm thêm các hoạt động và nghề mới nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Kết quả khảo sát trên địa bàn đối với các hộ ngư nghiệp cho thấy trước năm 1999 chưa có các hoạt động/ nghề mới, đó là khai thác lừ, xung điện và một số ngành nghề phụ. Từ năm 2000-2014 do sản lượng khai thác trên vùng đầm phá không đủ đáp ứng nhu cầu của hộ, họ buộc tăng cường thêm các nguồn thu khác, thông qua nghề mới hoặc tăng cường thêm các ngư cụ khai thác mới. Mặt khác, các chính sách phát triển kinh tế của đia phương đã tạo ra những điều kiện mới để nông hộ có thêm cơ hội đa dạng hóa hoạt động tạo thu nhập của gia đình như chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trong xã. Kết quả khảo sát cho thấy có 30% số hộ có sự đa dạng cao (nghề mới), 40% số hộ tăng quy mô của các hoạt động tạo thu nhập vốn có và 30% số hộ chưa có chiến lược thích nghi rõ ràng (chưa có thay đổi lớn trong hoạt động tạo thu nhập).

Thay đổi ngư cụ khai thác là giải pháp thích nghi của nông hộ với sự suy giảm tài nguyên. Trong điều kiện nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, các đối tượng thủy sinh có xu hướng giảm dần về kích thước và trọng lượng. Để tăng hiệu suất đánh bắt, người dân đã thay đổi cấu tạo của ngư cụ khai thác hoặc đưa thêm những ngư cụ khai thác mới có khả năng hủy diệt cao vào khai thác. Kết quả càng làm cho tài nguyên suy giảm trầm trọng. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, việc ngư dân thay đổi ngư cụ khai thác là kết quả của việc suy giảm tài nguyên thủy sản trên vùng đầm phá. Để gia tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập của hoạt động khai thác thủy sản của nông hộ. Tại địa bàn nghiên cứu có 2 hình thức thay đổi ngư cụ chính đang diễn ra, một là thay đổi cấu tạo/kết cấu của ngư cụ đã có sẵn, hai là sử dụng thêm các ngư cụ mới. Sự thay đổi cấu tạo của các ngư cụ thể hiện qua việc sử dụng mắt lưới quá dày (2-6mm) so với qui định của nhà nước (18 mm) và sử dụng các ngư cụ có tính hủy diệt là nguyên nhân chính làm suy giảm tài nguyên thủy sản.

Gia tăng số lượng ngư cụ, cường độ và phạm vi hoạt động khai thác – giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và thu nhập của nông hộ. Với việc tài nguyên thủy sản đầm phá càng ngày càng suy giảm, để đảm bảo thu nhập của gia đình, các hộ ngư dân buộc tăng cường thêm số lượng ngư cụ khai thác (chủ yếu nhóm khai thác di động). Đối với nghề lưới, qua kết quả điều tra cho thấy, trước đây đối với hộ có nghề lưới trung bình khoảng 10-15 tay lưới nhưng hiện tại trung bình mỗi hộ có từ 30-50 tay lưới. Đối với những hộ khai thác di động thì họ thực hiện khai thác bất cứ thời gian nào trong năm, kể cả mùa mưa lũ trừ những ngày có lũ lụt lớn hoặc bão. Một số hộ thuộc nhóm khai thác di động, thực hiện việc khai thác trên diện tích mặt nước của các xã khác như Quảng An, Quảng Phước, Quảng Ngạn, … Kết quả khảo sát cho thấy, việc đánh bắt ngoài xã của những ngư dân thuộc nhóm khai thác di động trung bình một tháng 3-5 ngày. Trước đây do sản lượng thủy sản ở trong xã lớn họ rất ít đi xa để thực hiện việc đánh bắt.

Tăng cường đầu tư học tập cho thế hệ trẻ – giải pháp thích nghi theo xu hướng từ bỏ nghề cá. Trước đây do tài nguyên thủy sản trên môi trường đầm phá rất phong phú, nhiều trẻ em bỏ học để tham gia các hoạt động đánh bắt của gia đình. Nhưng trước sự suy giảm tài nguyên thủy sản đang diễn ra theo chiếu hướng xấu. Những trẻ em được gia đình đầu tư học tập đầy đủ. Một số trẻ em không có năng lực học tập thì họ được cho học nghề để tìm kiếm công việc thích hợp cho mình. Rất ít trẻ em theo nghề đánh bắt cá của gia đình. Theo kết quả phỏng vấn 100% số hộ đều trả lời “họ không muốn và không khuyến khích con em theo nghề của họ”. Hiện tại ngư dân không còn nhiều “mong đợi” đối với nghề cá của mình do sản lượng đánh bắt ngày càng sụt giảm. Họ có xu hướng tìm kiếm các ngành nghề khác để tăng cường mức thu nhập cho gia đình. Các nghành nghề được lựa chọn bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, làm ao vây, buôn bán nhỏ, thuê thêm đất nông nghiệp.

Tài nguyên thủy sản ở đầm phá có xu hướng ngày càng suy giảm mặc dù có phục hồi nhưng sự phục hồi là không đáng kể. Mức độ suy giảm tài nguyên đã làm giảm thu nhập của những hộ có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên thủy sản ở đầm phá. Để tăng cường thu nhập và cải thiện cuộc sống họ đã có những giải pháp/chiến lược thích nghi trước thực trạng tài nguyên thủy sản càng ngày càng suy giảm. Chiến lược đa dạng hóa hoạt động tạo thu nhập, hình thành các Khu bảo vệ thủy sản, thúc đẩy các cơ hội học tập cho thế hệ trẻ là những chiến lược thể hiện được những ưu điểm, phù hợp với việc duy trì và bảo tồn tài nguyên.

Tuy nhiên, để giảm sức ép vào việc khai thác tài nguyên vùng đầm phá, chính quyền địa phương cần có những chính sách tạo việc làm phù hợp, mở các ngành nghề mới, khuyến khích những ngư dân đa dạng hoạt động sinh kế và hạn chế việc khai thác tài nguyên.

Nguyễn Ngọc Truyền, Dương Ngọc Phước, Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email