Nghiên cứu khả năng thích nghi của cây dầu mè ở Thừa Thiên Huế

Các nội dung chính của đề tài gồm: Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và một số đặc điểm sinh lý, hóa sinh của giống dầu mè tự nhiên ở Thừa Thiên Huế: khả năng nảy mầm của hạt, tái sinh của cành giâm và sinh trưởng, phát triển, một số chỉ tiêu hóa sinh, hoạt tính kháng khuẩn; Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và một số đặc điểm sinh lý, hóa sinh của giống dầu mè Thái Lan, Ấn Độ khi trồng ở Thừa Thiên Huế: tỷ lệ nảy mầm của hạt theo thời gian bảo quản, khả năng sinh trưởng, phát triển và một số chỉ tiêu sinh lý, hóa sinh; Thăm dò độc tính và khử độc bã hạt giống dầu mè tự nhiên ở Thừa Thiên Huế và giống Ấn Độ.

Cây dầu mè (Jatropha curcas) hay còn gọi là dầu lai, cọc rào…có nguồn gốc từ châu Mỹ là đối tượng đang được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới do khả năng ứng dụng của nó trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: làm nhiên liệu sinh học, mỹ phẩm, dược phẩm…Ở nước ta, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu về sinh lý, hóa sinh, độc tính tác dụng kháng khuẩn…để định hướng sử dụng hợp lý các giống dầu mè bản địa. Mặc dù kế hoạch phát triển cây dầu mè đã được phê duyệt và đã có một số địa phương, đơn vị triển khai, nhưng cơ sở khoa học cho việc triển khai, phát triển đối tượng này chưa đầy đủ. Các nghiên cứu cụ thể về đối tượng này ở Việt Nam đang ở bước khởi đầu và chưa được thực hiện tại Thừa Thiên Huế. Trước tình hình đó, PGS.TS. Võ Thị Mai Hương và các nhà khoa học Phan Bá Thanh, Trần Thanh Phong tại trường Đại Học Khoa học Huế đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu khả năng thích nghi của cây dầu mè ở Thừa Thiên Huế”.

Các nội dung chính của đề tài gồm: Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và một số đặc điểm sinh lý, hóa sinh của giống dầu mè tự nhiên ở Thừa Thiên Huế: khả năng nảy mầm của hạt, tái sinh của cành giâm và sinh trưởng, phát triển, một số chỉ tiêu hóa sinh, hoạt tính kháng khuẩn; Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và một số đặc điểm sinh lý, hóa sinh của giống dầu mè Thái Lan, Ấn Độ khi trồng ở Thừa Thiên Huế: tỷ lệ nảy mầm của hạt theo thời gian bảo quản, khả năng sinh trưởng, phát triển và một số chỉ tiêu sinh lý, hóa sinh; Thăm dò độc tính và khử độc bã hạt giống dầu mè tự nhiên ở Thừa Thiên Huế và giống Ấn Độ.

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam nhằm chỉ rõ các đặc tính sinh lý, hóa sinh, khả năng kháng khuẩn, độc tính của cây dầu mè hoang dại có nguồn gốc tại địa phương làm cơ sở cho việc đề xuất việc sử dụng hợp lý giống cây này trong sản xuất dầu, thuốc trừ sâu sinh học, thức ăn chăn nuôi…Tại thời điểm tiến hành đề tài, có rất nhiều dự án phát triển cây dầu mè có xuất xứ khác nhau với qui mô lớn đang được đề xuất. Tuy nhiên, kết quả đề tài đã khẳng định hai giống dầu mè nhập ngoại Thái Lan và Ấn Độ không phù hợp để trồng trên đất cát nội đồng và đất phù sa bạc màu ở Thừa Thiên Huế. Đề tài khuyến cáo không nên phát triển cây dầu mè nhập ngoại tại địa phương để tránh lãng phí do cây không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trên thực tế, cho đến nay, các dự án đầu tư cho cây dầu mè trên cả nước đều thất bại kéo theo sự lãng phí về nhiều mặt. Khuyến cáo của đề tài góp phần tránh lãng phí một diện tích lớn tài nguyên đất và kinh phí đầu tư giống cây trồng, phân bón, công lao động rất lớn cho địa phương và doanh nghiệp. Từ việc phát hiện được giống dầu mè hoang dại ở Thừa Thiên Huế có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên ở địa phương; có các đặc tính sinh lý, hóa sinh tốt như: nảy mầm, tái sinh, quang hợp mạnh, hạt có hàm lượng dầu cao, dịch chiết lá trong các dung môi khác nhau có hoạt tính kháng khuẩn cao đã cho thấy có thể phát triển đối tượng này để tạo nhiên liệu sinh học, dược liệu, chế biến làm nguồn thức ăn chăn nuôi, làm phân bón, thuốc trừ sâu…

Việc xác định thành phần hóa sinh, tìm ra các dịch chiết có khả năng kháng khuẩn cao từ cây dầu mè của địa phương và định hướng ứng dụng để sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, phân bón… góp phần làm giảm lượng hóa chất sử dụng trong sản xuất mà vẫn tăng năng suất và chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất. Ngoài ra, nó còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, duy trì sản xuất bền vững. Đây là hiệu quả xã hội lâu dài. Quá trình thực hiện đề tài cũng là quá trình chứng minh sự không thích nghi của các giống dầu mè nhập ngoại tại Thừa Thiên Huế. Nhờ đó đối tượng này đã không phát triển thêm. Như vậy, đề tài đã được áp dụng để khuyến cáo kịp thời cho người sản xuất ở địa phương. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định giống dầu mè hoang dại ở địa phương có khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng tốt, có thể nhân rộng trên địa bàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung để làm nguyên liệu sản xuất dược liệu, biodiesel, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Giải Pháp

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email