Tác giả: Kiều Oanh
Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), chuyển giao công nghệ trong phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với khai thác quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và khởi nghiệp sáng tạo là hướng đi mới vừa góp phần nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tìm kiếm các ý tưởng mới, các giải pháp sáng tạo trong gìn giữ, khai thác và phát triển các giá trị tài sản trí tuệ, phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh nhiều nhiệm vụ KH&CN trong phát triển các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế
Trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với định hướng phát triển“Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó dịch vụ đóng vai trò chủ đạo với du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, dịch vụ cảng biển, dịch vụ hậu cần và vận tải, đào tạo nguồn nhân lực là nồng cốt; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là đột phá; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”. Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo vào các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội trọng điểm của tỉnh sẽ là nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của địa phương và doanh nghiệp.
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường đặt hàng các đề tài nghiên cứu, dự án KH&CN, song song đó triển khai các chương trình, đề án hướng vào việc giải quyết các vấn đề, bài toán phát triển của tỉnh; ưu tiên thực hiện các dự án KH&CN cấp quốc gia và cấp tỉnh về xác lập, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, các làng nghề, điểm du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đến nay, đã có nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được tỉnh áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị, đạt chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Điển hình như, thông qua kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong phát triển sản phẩm từ Sen Huế như: Dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Sen Huế”; Đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen giống sen Huế tại Thừa Thiên Huế”; Đề tài “Nghiên cứu xác định một số loại sâu, bệnh chính gây hại và các biện pháp phòng trừ trên cây sen tại Thừa Thiên Huế” và các Dự án về “Đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói sản phẩm sen Huế” đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn hoá lại các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sen; xây dựng các phương án ngăn ngừa sâu bệnh trên cây Sen, từ đó doanh nghiệp, các hộ dân trồng sen nâng cao năng suất, chất lượng và tiến tới đa dạng hoá hơn các sản phẩm làm Sen Huế. Từng bước định vị thương hiệu Sen Huế trên thị trường, góp phần thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên các sản phẩm chủ lực, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thừa Thiên Huế là vùng đất hội tụ nhiều giá trị về tài nguyên di sản, văn hoá, tài sản trí tuệ phong phú, do đó địa phương luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương, tỉnh đã tăng cường đẩy mạnh phát triển và khai thác hiệu quả các giá trị tài sản trí tuệ này thông qua việc ưu tiên thực hiện các dự án, nhiệm vụ KH&CN về tạo lập, bảo hộ, quản lý và khai thác các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Huế. Có thể thấy, từ kết quả sản phẩm của các công trình dự án, đề tài nghiên cứu KH&CN đã giúp tỉnh hình thành nên nhiều thương hiệu mạnh như: Hoàng mai Huế; Thanh trà Huế; Dầu tràm Huế; Áo dài Huế; Sen Huế, Festival Làng nghề truyền thống Huế; Thủ công mỹ nghệ Huế…, đây là cơ sở pháp lý, môi trường thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân phát triển và mở rộng thị trường kinh doanh dựa trên danh tiếng, chất lượng sản phẩm mà địa phương đã tạo dựng, đồng thời là công cụ góp phần nâng cao chất lượng, bảo vệ danh tiếng và định vị thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong và ngoài nước.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh việc xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ góp phần nâng giá trị các sản phẩm chủ lực địa phương
Theo số liệu thống kê (tính đến tháng 9/2024) toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 04 chỉ dẫn địa lý, 09 nhãn hiệu chứng nhận, 86 nhãn hiệu tập thể và gần 2000 nhãn hiệu thông thường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Có thể kể đến, chỉ dẫn địa lý “Thanh Trà Huế” được cấp bảo hộ vào tháng 01/2024, đến nay Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 77 tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Thanh trà Huế”, thông qua đó, giá trị thương mại của sản phẩm quả Thanh trà gắn quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý ngày càng cao và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hay chỉ dẫn địa lý “Hoàng mai Huế” được cấp văn bằng bảo hộ từ đầu năm 2024, chỉ trong thời gian ngắn đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia khai thác và sử dụng tốt quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này. Từ việc UBND tỉnh quan tâm xây dựng Đề án “Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam”; tăng cường triển khai đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN trong nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giống Hoàng mai Huế đến việc tổ chức định kỳ Lễ hội Hoàng mai Huế vào mỗi dịp tết cổ truyền đã từng bước nâng tầm và khẳng định thương hiệu Hoàng mai Huế trên thị trường, hiện các sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế có giá bán cao hơn 10 – 20% so với cây mai vàng chưa được dán nhãn, điều này cho thấy việc khai thác tốt quyền sở hữu trí tuệ sẽ là công cụ quan trọng giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sở hữu trí tuệ công cụ tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu khoa học
Nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên bản địa, giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế tỉnh Thừa Thiên Huế luôn gắn quyền SHTT với các khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu khoa học thông qua tổ chức thường niên các Cuộc thi về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các giải thưởng Cố đô về KH&CN; giải thưởng sáng tạo nữ Cố đô; Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh, Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng… nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong quá trình vận hành, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học tích cực nghiên cứu tạo ra các sáng chế, các giải pháp công nghệ, phát triển thị trường KH&CN, đẩy nhanh các kết quả chuyển giao công nghệ đến các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn địa phương và khu vực.
Doanh nghiệp được xác định là chủ thể góp phần đẩy nhanh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý SHTT trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 2898/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có mục tiêu xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh, thương hiệu đặc sản của tỉnh nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh nhà. Quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc nhóm đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2022-2025 và các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hay Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Nghị quyết 22/2020NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2020 về Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều chương trình, đề án quan trọng khác. Có thể thấy, những văn bản pháp lý trên là cơ sở để doanh nghiệp bám sát các định hướng phát triển của tỉnh, là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng KHCN&ĐMST.
Theo số liệu thống kê từ Sở KH&CN, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 08 lần Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trên địa bàn, kết quả sau 08 năm triển khai đã có 414 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó 108 dự án được chọn vào vòng chung kết và 67 ý tưởng, dự án có tiềm năng nhất được chọn để trao giải cấp tỉnh; một số dự án đã đạt giải nhất Cuộc thi KNĐMST cấp cùng và cấp quốc gia.
Các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sau khi tham gia Cuộc thi tiếp tục nhận được quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình, chính sách của tỉnh để tiếp tục hoàn thiện, phát triển các ý tưởng, dự án thành các sản phẩm đạt chất lượng cao và có thương hiệu trên thị trường. Thông qua các hoạt động này, đã tìm ra nhiều cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu dựa trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, tài nguyên bản địa, mô hình kinh doanh mới để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Huế. Tiêu biểu như, gia vị Bún bò Huế của Công ty YesHue, Tranh hoa giấy của Maypaperflower; Sen Huế của Công ty TNHH Hữu Cơ Huế Việt, Công ty Mộc Trully; Bánh ép Huế – dự án “Pizza giòn chinh phục thế giới”; hay Dự án các sản phẩm thời trang làm từ cỏ bàng của Marie’s; Ứng dụng nghệ thuật Trúc Chỉ; các mô hình phát triển và đa dạng sản phẩm Sâm Bố Chính; Dự án “Ngũ cốc Mộc An-Hành trình để phát triển bền vững”; Dự án “Phục hồi cây màng tang để chiết xuất tinh dầu và cao xoa bóp từ hạt Màng Tang”… Có thể thấy, đến nay nhiều dự án thông qua Cuộc thi đã không ngừng phát triển lớn mạnh, vươn xa mở rộng thị trường ra ngoài khu vực địa phương và quốc tế.
Định vị hướng đi đúng trong tạo lập, bảo hộ, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ mang thương hiệu Huế
Xây dựng các nhãn hiệu cộng đồng như đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với yếu tố địa danh đã trở thành một định hướng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong chiến lược phát triển về SHTT. Minh chứng trong thời gian gần đây, địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hình thành các thương hiệu du lịch mạnh của tỉnh như thương hiệu: “Huế – Kinh đô ẩm thực”; “Huế – Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”; “Huế – Kinh đô áo dài”, “Huế – Xứ sở mai vàng của Việt Nam” cùng với đó là cơ chế, chính sách khuyến khích việc khai thác quyền SHTT gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh để thúc đẩy, tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh mới dựa trên trên cơ sở lợi thế về tài nguyên bản địa, điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu tạo lập, bảo hộ và khai thác hiệu quả các nhãn hiệu cộng đồng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương
Nhìn chung, hoạt động tạo lập, bảo hộ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đã được quan tâm, tuy nhiên việc quản lý, khai thác và phát triển các nhãn hiệu cộng đồng này chưa thực sự tương xứng so với tiềm năng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, trong thời gian tới, địa phương cần tăng cường thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, đề ra các chiến lược phát triển bền vững để dẫn dắt và định vị hướng đi đúng trong việc tạo lập, bảo hộ và phát huy tốt các giá trị tài sản trí tuệ gắn với bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển du lịch. Tăng cường lồng ghép chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và các ngành, lĩnh vực. Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, xác định và ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với bản sắc văn hóa Huế, các sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu để hình thành và xây dựng một số thương hiệu mạnh cho tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về SHTT, thiết lập các cơ chế khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp các sáng kiến, thiết kế và xây dựng được các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, độc đáo và đa dạng dựa trên các giá trị văn hóa, bản sắc Cố đô Huế. Nghiên cứu các cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa các nhóm chủ thể liên quan trong thương mại hóa các quyền sở hữu, sử dụng và hưởng lợi đối với tài sản trí tuệ cũng như các quy chế trong quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các dự án nghiên cứu KH&CN trong xây dựng các quy chuẩn chất lượng gắn với phát triển các thương hiệu hiệu đặc sản; các dự án hỗ trợ phục hồi, phục tráng, chọn lọc các giống cây bản địa, vật nuôi đặc thù. Tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN để tạo ra các sáng chế, giải pháp hữu ích, các công nghệ lõi, quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế giúp tạo ra và bồi tụ thêm giá trị tài sản trí tuệ; các công nghệ kiểm soát các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số. Hỗ trợ thực hiện các dự án KH&CN đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể ra nước ngoài.
Thứ ba, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động SHTT. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng một số cơ sở đào tạo chuyên sâu về SHTT gắn với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội. Tố chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại, trao đổi chia sẻ các kinh nghiệm quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa công nghệ truyền thống trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường.
Thứ tư, xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ ổn định cho sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT. Hình thành và phát triển mạng lưới, mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các Viện, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Xây dựng mô hình kinh doanh kết hợp với Tour du lịch tham quan trải nghiệm các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Xây dựng các hệ thống phân phối, bán hàng cung cấp các sản phẩm đặc sản địa phương mang nhãn hiệu cộng đồng trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng truyền thông xã hội. Tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tham gia trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, lễ hội, các phiên chợ đặc sản trong và ngoài nước.
Thứ năm, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT, học hỏi các kinh nghiệm, mô hình mới của các quốc gia có hệ thống SHTT phát triển. Thiết lập cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy hợp tác, thu hút các chuyên gia giỏi, các công nghệ mới về Huế, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cuối cùng, là phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, chủ sở hữu nhãn hiệu về xây dựng văn hóa SHTT. Mỗi người dân đều phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc khôi phục, gìn giữ và bồi tụ thêm giá trị tài sản trí tuệ, tài nguyên bản địa tại địa phương. Tập trung nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời trao quyền cho cộng đồng người dân khai thác và phát huy tốt những giá trị tài sản trí tuệ gắn với bản sắc, văn hóa vùng đất Cố đô Huế để phát triển kinh tế bền vững./.
———————————-
(*) Bài viết đã được sử dụng tại Bản tin Khoa học và Công nghệ.