Tác giả: Sương Thu
Thừa Thiên Huế nằm ở khu vực miền Trung với điều kiện về địa hình, khí hậu phức tạp, có bờ biển dài hơn 120km nên chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Nơi đây, bão lụt thường diễn ra vào cuối mùa thu, đầu mùa đông gây nhiều thiệt hại to lớn về người và của.
Ông tha mà bà chẳng tha
Làm nên cái lụt hăm ba tháng mười
Câu này là tục ngữ của người dân miền Trung nghĩa là, dù có mưa gió, bão lụt trước đó bao nhiêu trận đi nữa, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm nếu như chưa qua ngày 23 tháng 10 âm lịch.
Thừa Thiên Huế là một tỉnh ven biển miền Trung, có khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều, dòng chảy trong sông được hình thành chủ yếu từ mưa. Hàng năm phải chống chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 9, kết thúc vào tháng 12, mùa lũ bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 12. Trong ký ức của người dân Huế, những trận bão lũ kinh hoàng trong lịch sử do hiện tượng thời tiết cực đoan phần lớn diễn ra vào tháng 9, tháng 10. Qua các tài liệu lịch sử, cùng nhìn lại những cơn bão lũ trong những tháng này.
Trong thế kỷ XIX, theo tài liệu Quốc Sử quán triều Nguyễn (2022) và Đại Nam thực lục, triều đình nhà Nguyễn ghi nhận các trận lũ lụt trong giai đoạn này.
Tháng 8 năm Tân Mùi (9/1811), “kinh sư bị bão, nước lụt dân cao 8 thước (2m), nhiều nhà quan, dân bị sụp đổ”.
Tháng 8 năm Nhâm Ngọ (9/1822), “kinh sư lụt to”.
Tháng 9 năm Quý Mùi (10/1823) “ở kinh sư gió to, mưa dữ, cán cờ trên kỳ đài bị gãy”.
Tháng 9/1825 “kinh kỳ mưa to, nước ngập lên cao, nhiều nhà dân bị ngập”.
Tháng 8 năm Tân Mão (9/1831), “phủ Thừa Thiên mưa lụt, cửa biển Thuận An, Hải Vân nhà cửa, tài sản người dân và quân đội bị cuốn trôi”.
Trận lũ tháng 9 năm Giáp Thìn (10/1844) “làm thiệt hại hơn 1.000 người, 2.000 ngôi nhà bị phá huỷ, cột cờ ở kỳ đài bị gãy, kinh thành ngập sâu 4,2m”.
Các tài liệu nói trên còn ghi nhận những mốc thời gian: Tháng 8 năm Bính Thân (9/1936), tháng 8 năm Kỷ Hợi (10/1939), tháng 9 năm Bính Ngọ (1946), tháng 8 năm Đinh Mùi (9/1847), tháng 8 năm tân Hợi (10/1851), tháng 8 năm Bính Thìn (9/1856), tháng 8 năm Nhâm Tuất (9/1862), tháng 9 năm Nhâm Thân (10/1872), tháng 9 năm Canh Thìn (10/1890), kinh thành Huế lụt to, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, mùa màng.
Trong thế kỷ XX, mở màn là cơn bão lớn nhất thế kỷ diễn ra ngày 11/9/1904 (tức là ngày 02/8 năm Giáp Thìn). Theo tài liệu cũ viết lại: “Tháng 8, ngày 2 Giáp Thìn, kinh sư có bão lớn, nước dâng lên ngập hết cung điện trong Cấm thành, nhà cửa nóc ngói bay tung, tường vách sụp đổ, công văn vạn vật hạng bị ngâm nước hư dại rất nhiều. Cột cờ trên kỳ dài gãy ngang rơi xuống, cầu Trường Tiền bị trôi đổ” (Quốc sử quan triều Nguyễn, Đại Nam thực lực Chánh biên, đệ lục kỷ phụ biên, Nxb văn hoá – Văn nghệ, tr. 429). Cũng theo tài liệu nói trên, thiệt hại về người và của khá nặng nề: “Trong kinh thành, thuộc viên bộ Lễ chết 2 người, bị thương 2 người, quân binh chết 2 người, bị thương hơn 40 người. Nhân dân các phường chết 13 người, nhà cửa sập đổ hư dại 898 gian. Ở 6 huyện, nhân dân chết và bị thương 763 người, đình chùa, miếu mạo, nhà cửa sập đổ hư hại 28.220 gian, súc vật bị trôi, bị chết 587 con, thuyền bè bị chìm, bị mất 787 chiếc”.
4 nhịp cầu Trường Tiền đổ xuống sông Hương trong cơn bão năm Giáp Thìn (1904)
(Ảnh tư liệu)
Cũng trong những tháng này, lần lượt các năm tiếp theo, Đại Nam thực lực Chánh biên, đệ lục kỷ phụ biên ghi nhận Huế chịu nhiều trận bão lụt. Ngày 27/9/1906 (tức là ngày 7/8 năm Bính Ngọ), theo sách đã dẫn: “Ngày 7 tháng ấy, gió đông bắc nổi mạnh, nước sông dâng cao hơn lúc thường tới 4, 5 thước, nhà cửa người dân sụp đổ, hoa lợi ruộng vườn tổn thất rất nhiều”. Năm Kỷ Dậu (1909), năm Giáp Dần (1914) trong tháng 8 âm lịch (tương ứng tháng 9, tháng 10 dương lịch), Thừa Thiên Huế chịu nhiều cơn bão lớn gây lụt, cung điện, nhà cửa người dân bị tổn thất nặng nề.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, các cơn bão lũ lớn có thể kể đến, đó là tháng 10/1949, tháng 9/1950, tháng 9/1953, tháng 9/1964, tháng 10/1975, tháng 10/1983, tháng 10/1985, tháng 9/1995… gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Nặng nề nhất trong những sự kiện kể trên là cơn lụt lịch sử năm 1953, cơn bão năm 1985 và đặc biệt là trận đại hồng thuỷ năm 1999.
Từ ngày 22-25/9/1953, mức nước lụt rất cao, chỉ thua mức nước của cơn lũ lịch sử năm 1999 (cao nhất trong lịch sử sau này). Trận lụt gây nên thiệt hại với hơn 500 người chết, 1.290 ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng trăm gia súc vật nuôi chết, nổi trắng dòng Hương, 80% diện tích hoa màu bị mất trắng. Người dân ở hạ lưu còn nhớ mãi hình ảnh nước cuộn chảy cuốn theo người chết, các mái nhà tranh, trâu, bò theo dòng chảy cuốn ra cửa biển. Lũ đã phá đổ cửa Quảng Đức (sau này người dân hay gọi là cửa Sập)
Từ ngày 28/10/1983, trận lũ lớn ở Thừa Thiên Huế đã làm 252 người bị chết, 115 người bị thương, 2.100 ngôi nhà bị sập, 1.511 ngôi nhà bị trôi, 2.566 con trâu bò và 20.000 con lợn bị trôi.
Đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16/10/1985, cơn bão số 8 đổ bộ và tàn phá dữ dội, tâm bão quét qua thành phố Huế, làm 703 người thiệt mạng, hàng loạt công trình bị phá hủy, hàng nghìn héc ta hoa màu bị hư hại, tàn phá nặng vùng ven biển, đầm phá và đồng bằng, thiệt hại tổng ước tính khoảng ít nhất 65 triệu USD.
Cơn bão số 9 (có tên là bão Eve) đổ bộ vào Trung Trung Bộ ngày 20/10/1999 gây ra mưa lớn, một tuần lễ sau, một đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống miền Trung kết hợp với thời tiết cực đoan gây ra mưa lớn kéo qua đầu tháng 1, mưa lớn dồn dập gây nên trận lũ lịch sử làm 352 người chết, 21 người mất tích, 99 người bị thương. Số nhà bị đổ, bị cuốn trôi là 25.015 cái, 1.027 trường học bị sụp đổ, 160.537 gia súc và lên đến 879.676 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại lên đến 1.761,82 tỷ đồng (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại do lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ 01-06/11/1999).
Đại Nội Huế chìm trong biển nước trong trận lụt kinh hoàng năm 1999. (Ảnh: Internet).
Trong thế kỷ XXI, những trận lũ lụt lớn được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 10 là các năm 2020, 2023. Từ ngày 8/10/2020, trận lụt lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đến chiều 11-10, đã có 3 người chết, 1 người mất tích và 7 người bị thương do lũ lụt, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện. Toàn tỉnh có 53.385 nhà bị ngập lụt từ 0,2 – 1,2m, một số nơi cao hơn, có 1 nhà bị sập, 7 nhà ở huyện A Lưới bị hư hỏng. Chính quyền các địa phương đã tiến hành sơ tán 6.700 hô với 19.550 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Ngày 14/10/2023, mưa lớn xảy ra diện rộng tại Thừa Thiên Huế đã làm sạt lở, hư hỏng các tuyến giao thông; đặc biệt là tình trạng sạt lở bờ biển, đường dân sinh tại xã Phú Diên, huyện Phú Vang; thiệt hại hàng trăm hoa hoa màu tại huyện Quảng Điền… có 02 trường hợp không may tử vong do mưa lũ, 2 người bị lũ cuốn được cứu sống.
Dọn dẹp phù sa sau lũ
Có thể thấy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thiên tai diễn ra dị thường, khốc liệt, không theo quy luật; bão, lũ xảy ra liên tiếp, với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tháng 9, tháng 10 là những tháng cao điểm của thời tiết cực đoan. Những năm gần đây, tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.
Nước sông Hương dâng cao mùa mưa lũ
Với tình hình thiên tai ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán hơn, công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai cần có tầm nhìn xa hơn. Để đảm bảo an toàn, cần làm tốt công tác dự báo để cảnh báo sớm nhất cho người dân chủ động triển khai biện pháp ứng phó, chuyển biến mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và kinh nghiệm, nắm vững quy luật bão lụt tại địa phương cũng sẽ góp phần chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan./.