Tác giả: TS. Phan Thanh Hải
Trong năm 2023, các hoạt động khảo cổ học tại tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra khá sối nổi với một số cuộc khai quật có quy mô khá lớn, bên cạnh đó là hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu các nguồn tư liệu lịch sử tại địa phương. Nhìn chung, các hoạt động tiêu biểu có thể điểm qua là:
- Tổ chức khai quật di tích núi Bân- đàn tế Giao thời Tây Sơn giai đoạn 2;
- Tổ chức khai quật khảo cổ học nền móng điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành;
- Tổ chức khai quật khảo cổ học di tích nền móng điện Văn Miếu triều Nguyễn;
- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, số hóa văn bản Hán Nôm làng xã toàn tỉnh.
- Khai quật di tích núi Bân- đàn tế Giao của triều Tây Sơn, giai đoạn 2
Kế thừa và phát huy kết quả trong lần khai quật núi Bân lần 1 (tháng 6-7/2022), năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tiến hành khai quật lần 2 với diện tích hơn 200m2, bao gồm 6 hố đào ở cả 4 mặt tây, bắc, đông và nam và khu vực trung tâm. Qua hai lần khai quật đã xác định rõ quy mô, cấu trúc đàn tế Giao thời Tây Sơn: Đàn tế được xây dựng vào cuối năm 1788, dựa vào địa hình tự nhiên của núi Bân, san núi kết hợp bồi đắp để tạo nên 3 tầng đàn tế hình nón cụt chồng lên nhau và tầng đế dưới cùng có hình bát giác. (Tầng cao nhất hình ê líp, đường kính 18-19m, cao 1,9m; tầng 2 cao 2,7m; tầng 3 cao 3,9m). Đàn tế Giao tọa Tốn hướng Càn (kiêm Tý-Ngọ), hệ thống bậc cấp bố trí ở phía tây bắc.
Núi Bân-Đàn tế Giao thời Tây Sơn được xây dựng vào cuối năm 1788 để chuẩn bị cho lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung. Đây là một trong những di tích hiếm hoi còn lại của triều đại Tây Sơn tại kinh đô Huế. Đàn tế sử dụng luôn một ngọn núi tự nhiên, bạt các cạnh xung quanh, tạo nên 3 tầng đàn tế và tầng đế, các ta luy được san tạo độ dốc, hoặc bồi đắp nếu bị khuyết do địa hình. Hệ thống bậc cấp được xây đắp, gia cố khá vững chắc. Có thể nói đây là đàn tế trời có cấu trúc độc đáo cả về cách thức xây dựng, tạo lập lẫn phương hướng (đàn tế trời nhưng không hướng về Nam mà lại chọn hướng Tây Bắc).
Ảnh khai quật núi Bân
- Khai quật nền móng di tích điện Cần Chánh
Đây là ngôi điện quy mô nhất và quan trọng nhất trong Tử Cấm thành, được xây dựng năm 1804, bị tiêu hủy tháng 2/1947. Qúa trình nghiên cứu nhằm phục hồi điện Cần Chánh đã được khởi động từ năm 1994, đến nay đã tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc tế và nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về công trình đặc biệt này. Dự án trùng tu phục hồi điện Cần Chánh cũng đã được xây dựng, báo cáo, phản biện và đưa vào giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Công tác khai quật nền móng điện Cần Chánh với diện tích 200 m2 gồm 7 hố đào ở cả 4 phía và khu trung tâm, được Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Bảo tàng LSQGVN thực hiện.
Kết quả khai quật đã làm rõ cấu trúc gốc và các biến đổi của kiến trúc ngôi điện qua 143 năm tồn tại, đặc biệt là các thời Gia Long, Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại. Kết quả khai quật còn phát hiện các di vật như đồ gốm, sứ, gạch, ngói… Đây là bổ sung rất quý và kịp thời cho dự án trùng tu công trình.
Khai quật nền móng điện Cần Chánh
- Khai quật nền móng di tích Văn Miếu triều Nguyễn
Văn Miếu triều Nguyễn tại Huế là một trong hai Văn Miếu quốc gia trong thời quân chủ phong kiến. Văn Miếu được xây dựng năm 1808 ở phía tây kinh thành, trên một đồi cao, nhìn ra sông Hương, rộng khoảng 3ha. Sau năm 1945, khu vực Văn Miếu bị chiếm dụng và hủy hoại dần, đến sau năm 1975 thì các công trình kiến trúc chính đều bị xóa sổ.
Công tác khai quật khảo cổ học di tích Văn Miếu với diện tích 140m2 gồm 4 hố đào, do Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp Bảo tàng LSQGVN thực hiện.
Kết quả khai quật đã làm rõ cấu trúc nền móng điện chính (điện Đại Thành), hệ thống bậc cấp, phần mái nối của điện chính (mái lưa), sân gạch trước điện chính…phát hiện các di vật như đá, gạch, ngói, mảnh trang trí, đặc biệt là kỹ thuật xây đắp nền móng rất đặc trưng của thời Nguyễn. Kết quả khai quật đã góp phần bổ sung các thông tin rất quan trọng cho dự án trùng tu phục hồi các công trình ở Văn Miếu thời Nguyễn tại cố đô Huế.
- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, số hóa văn bản Hán Nôm làng xã toàn tỉnh
Trong hơn 10 năm qua, Sở Văn hóa & Thể thao đã chỉ đạo Thư viện Tổng hợp tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu, scan số hóa hơn 500.000 văn bản Hán Nôm làng xã trên địa bàn tỉnh, qua đó có nhiều phát hiện quan trọng (về chủ quyền biển đảo, về lai lịch một số danh tướng, nhân thần, di tích, danh thắng…).
Sở Văn hóa & Thể thao đã chỉ đạo Thư viện Tổng hợp tỉnh tuyển chọn, dịch và in ấn xuất bản một số công trình có giá trị như: Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn (giới thiệu hơn 2.000 đạo sắc phong ở TTH); Sắc phong, Chế phong, Chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Văn thư, đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, và cuối năm 2023 sẽ xuất bản tuyển tập Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
*
Có thể khẳng định, trong năm 2023, hoạt động khảo cổ học tại cố đô Huế tuy không nhiều nhưng chất lượng rất cao, đặc biệt là 03 cuộc khai quật ở di tích núi Bân- đàn Tế Giao của triều Tây Sơn, nền móng di tích điện Cần Chánh và di tích Văn Miếu triều Nguyễn đã đem lại những kết quả quan trọng, không chỉ đưa ra những nhận thức mới về quy mô, kết cấu, sự biến đổi qua thời gian của các công trình mà còn trực tiếp đóng góp cho công tác nghiên cứu, trùng tu các di tích này một cách thiết thực và hiệu quả.