Một số giải pháp về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

     Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có đội ngũ trí thức hùng hậu so với cả nước. Đây là một tiềm năng, thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Trong thời gian qua, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn, luôn năng động, sáng tạo. Đội ngũ trí thức có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ các cương vị chủ chốt của hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, các ngành kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ và khoa học xã hội nhân văn. Đội ngũ trí thức là lực lượng quan trọng góp phần to lớn vào những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong quá trình đổi mới.

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06 tháng 8 năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, giữ nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; góp phần quyết định đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội, xây  dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo Chương Trình hành động số 01- CTr/TU, ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 14/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đề ra các chủ trương, giải pháp chủ yếu và yêu cầu tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển tổ chức Liện hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) là tổ chức chính trị – xã hội có vai trò quan trọng  trong hệ thống chính trị địa phương.

Quán triệt sâu sắc các văn bản trên, kế thừa và phát huy những kết quả trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, giành được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Trong xu thế tỉnh Thừa Thiên Huế đang quyết tâm chuyển động theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là “Trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…” thì lực lượng trí thức nói chung và trí thức khoa học công nghệ nói riêng là một trong những lực lượng đông đảo, nòng cốt, nhiều tiềm năng để góp phần quan trọng mang lại những thành tựu của tỉnh nhà. Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phải không ngừng phát huy vai trò năng động, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, yếu kém, vươn lên trở thành nhân tố nòng cốt tập hợp trí thức khoa học, công nghệ tham gia xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh về tư tưởng, tổ chức, giữ vững vai trò nòng cốt trong việc tập hợp trí thức khoa học và công nghệ, góp phần tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà thì phải có các giải pháp chủ yếu như sau:

     – Giải pháp kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ: Xây dựng đội ngũ cán bộ từ Ủy viên ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực, các cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Liên hiệp hội, các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc có năng lực, trách nhiệm và tâm huyết với tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội, đoàn kết, nhất trí để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về công tác hội. Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, kỹ năng viết các đề xuất nhiệm vụ khoa học – công nghệ, các dự án phát triển.

     – Giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động: Liên hiệp hội và các hội thành viên tích cực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, dân chủ, tôn trọng độc lập suy nghĩ sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và cơ chế thích hợp thu hút đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, qui định về thành lập, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng tăng cường và thắt chặt các quan hệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường quản trị nội bộ, đảm bảo công khai minh bạch, dân chủ, kỷ cương. Khuyến khích hỗ trợ xây dựng các mạng lưới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động trong các tổ chức thành viên và tổ chức trực thuộc hệ thống Liên hiệp hội. Thực hiện giao ban định kỳ trong toàn hệ thống để kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin, tạo sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong việc thực hiện nhiệm vụ. Hướng mạnh các hoạt động của toàn hệ thống thuộc Liên hiệp hội về cơ sở để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

     – Giải pháp xây dựng mối quan hệ phối hợp, hợp tác, liên kết: Xây dựng các chương trình liên kết, phối hợp hoạt động giữa các hội thành viên và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc theo phương châm phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức và hợp tác cùng có lợi. Xây dựng các phương án liên kết giữa Liên hiệp hội với Đại học Huế và các sở, ban, ngành, các địa phương của tỉnh để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Liên kết với các tổ chức phi chính phủ quốc tế để xây dựng và thực hiện các dự án phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

     – Giải pháp tăng cường nguồn lực: Tham mưu UBND tỉnh để tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, cơ chế, chính sách tài chính cho Liên hiệp hội và các hội thành viên. Tích cực đề xuất, vận động viện trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế để tăng thêm nguồn lực hoạt động.

     – Giải pháp bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức: Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy Huế, các  Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đoàn đối với toàn bộ hệ thống của Liên hiệp hội. Chú trọng việc tạo nguồn và phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức trẻ.

     – Giải pháp đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đưa công tác kiểm tra vào nề nếp: Củng cố hệ thống kiểm tra từ Liên hiệp hội đến các hội thành viên, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm tra thông qua tập huấn, hội nghị, hội thảo. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế tổ chức và hoạt động, việc tuân thủ pháp luật của các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc.

Nhìn chung, trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã có bước tiến bộ quan trọng cả về xây dựng tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động. Hệ thống tổ chức bao gồm: các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc vừa phát triển về số lượng, vừa phát triển về chất lượng. Văn phòng Liên hiệp hội tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng đã làm khá tốt công tác tham mưu, góp phần làm cho Liên hiệp hội ngày càng vững mạnh. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Liên hiệp hội đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, nâng cao vai trò, vị thế của Liên hiệp hội trong xã hội, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể địa phương ghi nhận, được Đoàn chủ tịch hội đồng trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá là một trong những Liên hiệp hội địa phương hoạt động có hiệu quả, được các tổ chức quốc tế tin tưởng, hợp tác để thực hiện các dự án phát triển.

TS. Bùi Thắng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email