Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế với việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống

Hàng năm, có hàng trăm đề tài, giải pháp tham gia dự thi Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ (Giải thưởng), Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (Hội thi) và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng (Cuộc thi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức. Nhiều đề tài có khả năng áp dụng vào thực tế đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Tuy nhiên, việc áp dụng các đề tài vào thực tế còn hạn chế. Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào đẩy mạnh việc triển khai các đề tài nghiên cứu vào thực tế một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đó cũng chính là trăn trở của Liên hiệp hội trong những năm qua.

Tuyên dương trí thức tiêu biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh năm 2018

Với chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, trí thức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện, phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực kết nối đưa các đề tài, giải pháp KHCN vào cuộc sống.

Không dừng lại ở mức độ chỉ tổ chức trao giải và tôn vinh các nhà khoa học, Liên hiệp hội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng chuyên mục “Tôi sáng tạo” nhằm giới thiệu, quãng bá rộng rãi các đề tài đạt giải Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi đến với người dân, các tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay, đã triển khai được 29 lần phát sóng. Mặt khác, trên Trang thông tin điện tử tổng hợp và Bản tin Khoa học kỹ thuật của Liên hiệp hội cũng thường xuyên giới thiệu, cập nhật, phổ biến các đề tài nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng vào thực tế, các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, các kiến thức mới về tiến bộ khoa học và công nghệ. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy nhiều đề tài đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực.

+ Đề tài Chế tạo hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu của nhóm tác giả Đặng Hoàng San, học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế (giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế; giải Đặc biệt Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc; Huy Chương Đồng triển lãm Quốc tế dành cho các Nhà sáng tạo trẻ năm 2017 tại Nhật Bản) đã được Công ty Năng lượng vĩnh cữu, thành phố Hồ Chí Minh hẹn gặp, đặt vấn đề về việc triển khai ứng dụng vào thực tế.

+ Đề tài Găng tay thông minh dành cho người khiếm thị của tác giả Lê Ngô Duy Phong trường THPT Phú Bài (giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016) tham gia và đạt giải Quán quân Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; lọt vào bán kết Cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp Startup Weel dành cho Doanh nghiệp và cá nhân/nhóm khởi nghiệp toàn quốc.

+ Đề tài Xe buyt cho mọi người của nhóm tác giả Hoàng Đức Tân, Trương Đình Phú, học sinh trường THPT An Lương Đông (giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng năm 2017) đã được Công ty xe buýt Hoàng Đức – Huế đưa vào vận hành thử nghiệm, và được lãnh đạo công ty đánh giá hoạt động ổn định, có hiệu quả, độ sai số thấp.

+ Đề tài Túi sinh học kháng khuẩn có khả năng phân hủy thay thế túi nilon của nhóm tác giả Nguyễn Cẩm Bình Minh, Nguyễn Cẩm Kiều Khanh học sinh trường THPT Chuyên Quốc Học Huế (giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng năm 2017) được Giám đốc Đại học Huế hứa hỗ trợ tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng vào thực tế.

+ Đề tài “Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản chuối tiêu Nam Đông, Thừa Thiên Huế” của TS Nguyễn Văn Toản, Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường đại học Nông lâm Huế tạo ra bước tiến quan trọng trong công nghệ bảo quản rau quả và đang được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành miền Trung và Tây nguyên.

+ Đề tài “Máy ấp trứng gia cầm tự động hoàn toàn phù hợp với nhiều kiểu thời tiết” của Nguyễn Văn Nhân – Thôn Đông An, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Sản phẩm của đề tài đã được thương mại hóa và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Úc,…

+ Đề tài “Quy trình kỹ thuật về hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não” của GS.TS. Bùi Đức Phú và các cộng sự Bệnh viện trung ương Huế khẳng định Việt Nam có thể thực hiện những kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán, hồi sức và phẫu thuật ghép tim lấy từ người cho chết não. Kết quả về qui trình chẩn đoán và hồi sức chết não sẽ được áp dụng cho các đơn vị hồi sức, khoa hồi sức, trung tâm hồi sức và cả đơn vị cấp cứu (115) trên phạm vi toàn quốc.

+ Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” của nhóm tác giả: Trương Công Nam, Lê Văn Sơn – Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế ngoài khả năng làm lợi hàng tỷ đồng, đề tài còn có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường.

+ Đề tài “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên điều trị ung thư đại trực tràng” của PGS.TS. Phạm Như Hiệp và các cộng sự – Bệnh viện Trung ương Huế đã mở ra một hướng phát triển mới trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, đó là phẫu thuật nội soi Single Port và NOTES trong điều trị ung thư đại trực tràng. Với kỹ thuật này, Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện trên toàn quốc sẽ có thêm một phương pháp mới, có hiệu quả, an toàn để lựa chọn trong điều trị.

+ Đề tài: “Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu” đã được Công ty cổ phần Bình Điền Mekong ký kết hợp đồng sản xuất. Hội thảo “Chuyển giao giải pháp ứng dụng Chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất cây trồng bền vững” đang được trang trại trồng tiêu của anh Lộc (Hương Bình) và một số hộ dân trồng tiêu ở Lộc Hòa, Phú Lộc, Hương Long, Tứ hạ ứng dụng.

Từ năm 2014 và liên tục đến nay, Liên hiệp hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh khảo sát nhu cầu của các địa phương sau đó lên kế hoạch tổ chức triển khai phổ biến các mô hình hay, hiệu quả, các kiến thức khoa học kỹ thuật mà địa phương, người nông dân đang cần. Cách làm này đã đem lại hiệu quả cao, thiết thực với nhu cầu thực tế. Tính đến nay đã tổ chức được gần 40 lượt phổ biến kiến thức cho nông dân. Nhiều mô hình đang được người dân áp dụng nhân rộng.

Đặc biệt, trong các năm 2015, 2016 và 2017, hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Liên hiệp hội đã đẩy mạnh triển khai các hội thảo, tâp huấn có tính ứng dụng cao vào thực tế và tư vấn trực tiếp tại hiện trường. Việc làm trên đã góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp nông thôn.

+ Sau khi tổ chức Hội thảo Chuyển giao giải pháp Công nghệ điện hóa – siêu âm xử lý nước hồ nuôi tôm”, một số hộ nuôi tôm ở Vinh Mỹ, Phú Lộc đã mời nhóm tác giả đề tài về tư vấn trực tiếp tại hồ nuôi; Công ty Huế Tronic (đơn vị ký kết với tác giả đề tài triển khai ứng dụng tại Huế) hợp tác chuyển giao công nghệ cho Công ty Trung sơn ở miền Tây Nam bộ và được ứng dụng thành công ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau.

+ Sau Hội thảo Chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò cho vùng gò đồi Thừa Thiên Huế” nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã học tập triển khai. Huyện Nam Đông có thêm 7 xã triển khai với tổng diện tích 35 ha, huyện Phong Điền có thêm 3 xã và 1 thị trấn triển khai với tổng diện tích 4 ha, một số xã thuộc thị xã Hương Thủy đã chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò bán thâm canh.

Có thể nói, với tinh thần trách nhiệm cao và đầy sáng tạo, trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Vị trí của Liên hiệp hội ngày càng được khẳng định. Nhiệm vụ thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các đề tài, giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt được những kết quả khả quan đã khẳng định hướng đi đúng và cần thiết mà Nghị Quyết Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2013 – 2018 đã nêu và được Thường trực Liên hiệp hội tổ chức triển khai một cách hiệu quả.

Hồ Đức Hưng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email