Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam (28/8/1945-2023): Những thành tựu về công tác thủy lợi của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế

Tác giả: Nguyễn Đính

Hội KHKT Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế

Năm 1996, khi thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Thủy lợi Thừa Thiên Huế chỉ có chưa tới 10 cán bộ kỹ thuật và quản lý nằm trong biên chế của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay đã có hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai tại các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh, tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; trong số đó có gần 100 hội viên tham gia sinh hoạt trong Hội khoa học kỹ thuật Thủy lợi tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, trong đó: hồ Tả Trạch có dung tích 650 triệu m3; 07 hồ chứa loại lớn gồm: Hồ Truồi 55,2 triệu m3, Khe Ngang 15,07 triệu m3, Hòa Mỹ 9,67 triệu m3, Thủy Yên 8,75 triệu m3 Phú Bài 6 triệu m3, Thọ Sơn 5,47 triệu m3, Mỹ Xuyên 4,4 triệu m3 và 14 hồ chứa loại vừa và nhỏ phục vụ đa mục tiêu. Trong đó tiêu biểu là hồ chứa nước Tả Trạch được xếp loại công trình quan trọng đặc biệt với các nhiệm vụ chính: Chống lũ Tiểu mãn, lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho sông Hương; tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt và nước công nghiệp với lưu lượng là Q = 2 m3/s; tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.782 ha đất canh tác; bổ sung nguồn nước ngọt cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản với lưu lượng 25 m3/s; kết hợp phát điện 21 MW. Hồ thủy lợi Tả Trạch cùng các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền đã đóng vai trò rất quan trọng giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt, cấp nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh trong những năm vừa qua. Mùa lũ năm 2022, các hồ chứa đã góp phần giảm đỉnh lũ trên sông Hương tại Kim Long từ 1,1 – 1,2 m, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân và nhà nước.

Về hệ thống công trình tưới tiêu, đã xây dựng được tổng số 766 công trình tưới: 275 đập dâng, 385 trạm bơm để tưới và tưới tiêu kết hợp cho 35.647 ha diện tích canh tác. Hệ thống sông ngòi và các trục thủy đạo được đầu tư nạo vét, kè bờ đã góp phần tăng cường khả năng cấp nước và tiêu thoát lũ cho vùng hạ du, như: nạo vét, kè bờ chỉnh trang các tuyến sông An Cựu – Lợi Nông – Như Ý; Phổ Lợi – Mộc Hàn – Phú Khê; Quảng Vinh – Sịa, An – Sơn – Bổn, Dương – Thanh – Mậu; các sông: Kẻ Vạn, Ngự Hà, An Hoà, Đông Ba, Phát Lát…; các công trình sửa chữa, nâng cấp đập Cửa Lác, đập La Ỷ, hệ thống đê sông Đại Giang, đê Hói Tôm….; các cống thoát lũ, ngăn mặn như: Hà Đồ, Công Trường 1, Truồi 1 và 2, Phú Mỹ 2, An Xuân, Quán Cửa, Cồn Bài, Cầu Long, cống Quan,… Hệ thống đê ven phá đạt chiều dài gần 190 km, gấp hơn 1,5 lần so với năm 1996. Công tác chống sạt lở bờ sông bờ biển đạt nhiều kết quả quan trọng, đã đầu tư xây dựng hơn 80km kè chống xói lở bờ sông, gần 10km kè chống xói lở bờ biển, trong đó có nhiều công trình tiêu biểu như hệ thống kè chống xói lở bờ sông Hương, sông Bồ, sông Truồi, sông Bù Lu – Cầu Hai,…; hệ thống kè chỉnh trị ổn định cửa Thuận An, Tư Hiền, kè Quảng Công, Hải Dương, Hòa Duân, Phú Thuận, Giang Hải, Tư Hiền, các công trình âu thuyền tránh trú bão,…

Hệ thống công trình thủy lợi, đê điều đã phục vụ tốt cho sản xuất, dân sinh. Liên tục nhiều năm qua, nông nghiệp Thừa Thiên Huế liên tục được mùa do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hàng đầu là công tác tưới tiêu được đảm bảo, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai… Đặc biệt là công trình cống đập Thảo Long phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo thoát lũ cho sông Hương, vừa là tuyến cầu giao thông phát triển kinh tế xã hội, vừa tuyến cứu hộ cứu nạn huyết mạch nối thành phố Huế với các phường, xã vùng đầm phá, ven biển.

Song song với việc xây dựng công trình thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt cũng đã được chú trọng đầu tư. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước sạch và các công trình cấp nước tập trung (trong đó nhà máy cấp nước Dã Viên đã chuyển mục đích hoạt động) có tổng công suất hoạt động 195.602m3/ngày-đêm đã cung cấp nước sạch cho 96% dân số toàn tỉnh, 93% dân số vùng nông thôn. Trong đó, các công trình do HueWACO quản lý, vận hành với công suất 193.000m3/ngày-đêm chiếm 98,7%, đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nước sạch cho Nhân dân trên toàn tỉnh. Đến cuối năm 2022, 100% hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 138/141 xã, phường, thị trấn đã tiếp cận nguồn nước sạch đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Bộ Y tế và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đạt tỷ lệ 96% trên dân số toàn tỉnh.

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, lụt, lốc xoáy, sạt lở đất,… thường xuyên xảy ra. Thủy lợi là bộ phận thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, ngành đã tổ chức tốt công tác trực ban, phối hợp tốt với các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an, Đài KTTV tỉnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Thừa Thiên Huế, các địa phương kịp thời thông báo, cảnh báo các diễn biến thiên tai, thời tiết; tham mưu công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương vừa đảm bảo an toàn công trình, giảm lũ hiệu quả cho vùng hạ du, vừa bảo đảm nguồn nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, phát điện, chống hạn cho năm sau. Đội ngũ cán bộ thủy lợi, phòng chống thiên tai thực sự là những chiến sĩ thầm lặng canh giữ bình an, giảm nhẹ thiệt hại cho Nhân dân trong mùa thiên tai, bão lũ.

Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, toàn ngành đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu thủy lợi. Yêu cầu và nhiệm vụ công tác thủy lợi ngày càng lớn, đòi hỏi phải tập trung nỗ lực, nâng cao tính chủ động sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý. Do vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ và các hội viên Hội khoa học kỹ thuật Thủy lợi tỉnh phải đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, khắc phục khó khăn, không quản ngại gian nan thử thách, luôn học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; tiếp nối truyền thống tốt đẹp của ngành, xây dựng ngành Thủy lợi ngày càng phát triển bền vững.

Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của ngành Thủy lợi Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2023), ngành Thủy lợi tỉnh đang triển khai công tác kiểm tra an toàn hồ đập, đê kè, đẩy mạnh duy tu, sửa chữa các công trình bị xuống cấp đảm bảo vận hành an toàn công trình. Rà soát tình hình trượt lở vùng đồi núi, bờ sông bờ biển, chuẩn bị ứng phó thiên tai bão lũ, lũ quét, ngập lụt. Chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục, phát huy truyền thống của ngành, tổ chức phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy những thành quả đã đạt được để tiếp tục giành những thắng lợi mới./.

 

Hình ảnh: internet.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email