Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế điểm sáng không ngừng lan tỏa

Qua 8 lần triển khai, đã có 411 giải pháp kỹ thuật đăng ký tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có 280 giải pháp được trao giải, số lượng cá nhân, đơn vị tham gia không ngừng gia tăng, các giải pháp đạt giải ở tỉnh và toàn quốc ngày càng nhiều. Tiếp nối những thành công, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII, năm 2017 tiếp tục gặt hái những thành quả rất đáng trân trọng, được xem như là mốc son sau 8 lần tổ chức, đã thu hút được 104 đề tài đăng ký tham gia trên 06 lĩnh vực dự thi, đây là năm có số lượng đề tài đăng ký tham gia tăng cao, tăng hơn 50% so với hội thi lần thứ VII, năm 2015 và cao rất nhiều so với các lần trước. Ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 53 giải pháp sáng tạo xuất sắc lần này.

Trong những năm qua, phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật được lan tỏa ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, được các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hưởng ứng tích cực và đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Hội thi) được tổ chức 2 năm một lần (vào các năm lẻ) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo khoa học kỹ thuật của toàn dân, đẩy mạnh áp dụng có hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; đồng thời ghi nhận và tôn vinh kịp thời thành quả nghiên cứu, sáng tạo, sự đóng góp của các nhà sáng tạo khoa học kỹ thuật có các giải pháp kỹ thuật, các sáng kiến hữu ích đã được áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao trên địa bàn tỉnh.

Qua 8 lần triển khai, đã có 411 giải pháp kỹ thuật đăng ký tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có 280 giải pháp được trao giải, số lượng cá nhân, đơn vị tham gia không ngừng gia tăng, các giải pháp đạt giải ở tỉnh và toàn quốc ngày càng nhiều.

Với kết quả đạt được của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2017 được xem như là mốc son sau 8 lần tổ chức, đã thu hút được 104 đề tài đăng ký tham gia trên 06 lĩnh vực dự thi, đây là năm có số lượng đề tài đăng ký tham gia tăng cao, tăng hơn 50% so với hội thi lần thứ VII, năm 2015 và cao rất nhiều so với các lần trước. Kết quả cụ thể đó là: Lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông có 14 giải pháp; lLĩnh vực ghép Cơ khí và tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải + Vật liệu, hóa chất, năng lượng có 17 giải pháp; Lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường có 19 giải pháp; lĩnh vực: Y dược có 17 giải pháp; lĩnh vực Giáo dục đào tạo có 19 giải pháp và lĩnh vực khác có 18 giải pháp tham gia dự thi.

Các đề tài, giải pháp sáng tạo dự thi được đầu tư rất công phu, chất lượng và đã gây được tiếng vang lớn trong thực tiễn. Trong đó, có những đề tài có tầm quốc gia, quốc tế và đã được ứng dụng vào thực tiễn, đối tượng tham gia cũng đa dạng từ người lao động bình thường như: bảo vệ, thợ cơ khí, công nhân viên chứ đến những nhà khoa học đầu ngành, có thể kể đến đó là: Đề tài “OMR – Chấm bài trắc nghiệm bằng quang học” của tác giả Nguyễn Linh – Trường THPT Nguyễn Huệ; đề tài “Nghiên cứu bể lắng thảm bùn thông minh chất lượng cao” của nhóm tác giả: Trương Công Nam, Trần Văn Thọ, Mai Xuân Tấn – Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế; đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị túi phình mạch não tại Bệnh viện Trung ương Huế” của tác giả Tôn Thất Trí Dũng và các cộng sự ở Bệnh viên Trung ương Huế; đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm sinh học để phòng và điều trị cầu trùng ở Gà” của nhóm tác giả: Đinh Thị Bích Lân, Phùng Thăng Long, Lê Quốc Việt, Đặng Thanh Long, Lê Đức Thạo, Huỳnh Văn Chương, Hoàng Tấn Quảng – Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế; đề tài “Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học y sinh học thông qua hợp tác quốc tế: Mô hình thành công của Trường Đại học Y Dược Huế” của nhóm tác giả: Cao Ngọc Thành, Pietro Cappuccinelli, Võ Tam, Nguyễn Vũ Quốc Huy, Lê Văn An – Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế; đề tài “Chính sách “Mở cửa” và “Đóng cửa” của các quốc gia Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX và kinh nghiệm cho Việt Nam” của nhóm tác giả: Đặng Văn Chương, Trần Đình Hùng, Trần Thị Quế Châu, Lê Thị Qúi Đức – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Ban tổ chức đánh giá kết quả Hội thi lần thứ VII, năm 2017

Theo Ban Tổ chức hội thi cho biết: Thành công hội thi lần này đó là số lượng tham gia đông đảo và đa dạng thành phần tham gia; nội dung chất lượng đề tài phong phú ở nhiều lĩnh vực; giàu tính sáng tạo và lần đầu tiên có tác giả quốc tịch người nước ngoài tham gia và đạt giải cao. Hội thi lần này đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị, danh nghiệp trên địa bàn tham gia. Trong đó nhiều đơn vị đã tích cực triển khai và thu hút nhiều giải pháp tham gia như Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế (15 đề tài), Bệnh viện Trung ương Huế (08 đề tài), Trường Đại học Y Dược Huế (08 đề tài), Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế (08 đề tài), Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Huế (06 đề tài), Trường Cao đẳng Công nghiệp Thừa Thiên Huế (05 đề tài)…. phần lớn các giải pháp kỹ thuật tham gia dự thi năm nay đều có tính sáng tạo cao, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, có khả năng áp dụng vào thực tiễn tại các cơ quan đơn vị góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Ban tổ chức Hội thi đã quyết định trao giải 6 giải nhất, 12 giải nhì, 12 giải ba, 23 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả của 53 giải pháp sáng tạo xuất sắc. Bên canh đó, Ban tổ chức còn khen thưởng 07 tập thể và 02 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Hội thi thành công lần này.

Hội thi thực sự đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của đội ngũ những người lao động và trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần động viên, thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để cống hiến cho đời, những giải pháp đoạt giải đều có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của từng ngành và toàn tỉnh, góp phần khẳng định Thừa Thiên Huế thực sự là một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.

Hồ Thành

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email