Tác giả: Lê Lan
Sáng ngày 19/12 Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu châu Á – Đại học Aix-Marseille, Viện Đông Á – Đại học Lyon tổ chức Hội thảo Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc.
Tham dự hội thảo về phía đơn vị tổ chức có PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Aix-Marseille; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.
Về phía khách mời có đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo đến từ các trường Đại học Huế, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Văn Lang Thành phố Hồ Chí Minh…
Tại hội thảo, 17 tham luận đã được trình bày bao gồm: Những di vật cung đình Huế được dòng họ Vannier đã kế thừa và bảo quản; Sử liệu nghiên cứu lịch sử Trung Kỳ tại ANOM, Lưu trữ hải ngoại Pháp; Tài liệu lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 có liên quan đến môi trường và bảo vệ rừng; Sưu tập di sản Hán Nôm của người Pháp thời thuộc địa; Tập cổ và Canh tân; Bối cảnh xã hội thời kỳ 1885 – 1945 và sự tác động đến mục tiêu giáo dục trong gia đình Huế; Canh tân giáo dục ở Trung kỳ đầu thế kỷ XX; Phụ nữ lĩnh xướng phong trào phụ nữ ở Trung; Đào tạo nghệ nhân đúc đồng phục vụ cho Huế và chân dung của Ishikawa Kunichiro Minao (1871-1945); Tủ sách của Đào Duy Anh ở miền Trung như một nỗ lực “giáo dục” theo cách của những trí thức tân học; Từ chuyến ngự giá Pháp du của Đức Khải Định (1922) đến sự ra đời của Khải Định Tàng Cổ Viện; Kiến trúc Pháp thuộc tại thành phố Huế; Tiếp xúc, giao lưu văn hóa Đông -Tây ở Nam bộ hồi cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX qua nghiên cứu trường hợp lăng mộ Trương Vĩnh Ký; Yếu tố mỹ thuật phương Tây trong nghệ thuật trang trí lăng Hoàng gia tại Gò Công đầu thế kỷ XX; Tư tưởng Phật giáo triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu XX; An Nam Phật học hội và sự ra đời Định số 18 quy định thiết trí thờ tự ở các chùa Huế trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX; Phong trào Minh tân từ Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 thúc đẩy tư tưởng: yêu nước phải khởi nghiệp & khởi nghiệp phải yêu nước.
Chủ trì hội thảo điều hành thảo luận
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu trao đổi xem xét bối cảnh lịch sử xã hội Huế và Trung bộ thời kỳ Pháp thuộc từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, nhấn mạnh mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt-Pháp, làm nên quá trình Duy Tân để mở mang, canh tân xứ sở trên nhiều phương diện: phát triển hạ tầng, kinh tế- xã hội, văn hóa giáo dục, thiết thực tham chiếu cho vấn đề nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát tiển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.