Hội thảo khoa học “Quá trình xác lập chủ quyền của nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”

     Chiều ngày 18.8.2020 tại Cơ sở Học viện Hành chính Quốc gia tại Huế đã diễn ra hội thảo khoa học Quá trình xác lập chủ quyền của nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử tại Huế. Riêng các đại biểu, các nhà nghiên cứu tại Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tham gia trực tuyến với Huế.

Có 32 tham luận được gửi đến Ban tổ chức và chỉ có 19 tham luận được chọn tham gia hội thảo theo 3 chủ đề:

– Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1945, có 7 tham luận.

– Quá trình thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1945 đến nay, có 7 tham luận.

– Đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, có 5 tham luận.

Trong bài phát biểu của đồng chí Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết “Thời gian qua, với tình cảm, ý thức trách nhiệm của mình, Thừa Thiên Huế cùng với cả nước đã tích cực chỉ đạo, triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu, công bố, trưng bày các tư liệu, hiện vật chứng minh lịch sử và pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đó là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lí, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trong suốt hằng trăm năm”.

Tại buổi hội thảo trực tuyến đã nghe các báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu:

–  PGS.TS Đỗ Bang: Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

– Nguyễn Quang Trung Tiến: Việc công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam qua một số sách Từ điển và Bách khoa toàn thư quốc tế (Pháp, Ý, Đức, Anh) thế kỷ XIX.

– Nguyễn Đình Dũng: Chính quyền Quốc gia Việt Nam và Việt Nam cộng hòa với việc thực thi, bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (1949 – 1975).

– Trần Nguyễn Khánh Phong: Vai trò Nhà nước Việt Nam với chủ quyền ại quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trước và sau Đổi mới.

– Trần Việt Dũng: Giá trị Công hàm số 22/CH-2020 của nước Việt Nam trong “cuộc chiến Công hàm” phản đối những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Và sự trao đổi thông tin ở các điểm Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Các tác giả và đại biểu như Võ Vinh Quang, Trương Minh Dục, Phan Công Tuyên, Trần Hữu Dàng, Trần Việt Dũng, Phan Thiên Định đã thảo luận xung quanh 2 vấn đề:

– Về tiêu chí thụ đắc lãnh thổ quốc tế và tính hợp pháp của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nhà nước Việt Nam trong lịch sử.

– Giải pháp tối ưu của Nhà nước Việt Nam cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và thu hồi các quần đảo bị nước ngoài xâm phạm, chiếm đóng trái phép hiện nay.

Đến nay, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 5 lần hội thảo và đã xuất bản được 7 công trình dạng sách chuyên khảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong đó khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tính liên tục trong suốt chiều dài lịch sử.

KHÁNH PHONG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email