Sửa chữa, trùng tu một ngôi chùa có khi dùng đến cả ngàn khối gỗ; rồi thú chơi nhà rường, nhà cổ đang ngày càng nở rộ ở khắp các miền, chưa kể nhu cầu gỗ cho cửa nẻo, cầu thang, bàn tủ… Gỗ ở đâu để đáp ứng cho xuể đúng là bài toán khó.
“Đề bài” khó
Một lần, trò chuyện với ông Dương Đình Vinh, chủ nhân vườn Ngự Hà, cũng là người nổi tiếng trong giới chế tác nhà rường Huế, ông Vinh cho biết, cái khó nhất cho giới làm nhà rường bây giờ là gỗ. Các loại gỗ tốt dùng cho nhà rường như kiền, mít… đều đang ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. “Các nhà khoa học chạy đâu hết, sao không nghiên cứu tìm xem có giải pháp nào khắc phục để giúp chúng tôi với…” – Ông Vinh bày tỏ.
Cuộc trò chuyện giữa tôi với ông Vinh diễn ra cách đây đã nhiều năm, nhưng nỗi lòng của người nghệ nhân chế tác nhà rường thì cứ mãi lẩn quẩn trong tâm trí tôi. Và hễ có cơ hội là tôi lại mang ra ướm hỏi. Tuy nhiên, “đầu đề” ông Vinh ra xem chừng quá khó, ai cũng lắc đầu. Nhà rường đẹp và quý nhờ vào chất liệu gỗ. Mang bê tông để giả gỗ thì “quá khỏe” rồi, nhưng đâu còn thần thái? Còn gỗ, thường thì cây nào nhanh lên, nhanh cho khai thác thì gỗ lại không tốt, không quý; ngược lại, gỗ tốt, gỗ quý thì lại rất lâu lên. Một cây gỗ tốt tuổi đời có khi phải 5-7 chục hoặc cả trăm năm mới có thể khai thác được.
“Đề khó”, nhưng đình chùa miếu điện, nhà rường nhà rội vẫn không ngừng được tu sửa, làm mới. Và nhu cầu các loại gỗ tốt cũng theo đó mà tăng lên theo tỉ lệ thuận. Các vụ phá rừng, buôn bán, vận chuyển “gỗ trái phép” vẫn liên tục bị phát hiện, mà người ta tin đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Đáp số đầy hy vọng
Tôi có chân trong Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng lần thứ XIII (năm 2020) của tỉnh – cuộc thi được dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng (từ 6-19 tuổi) nhằm khích lệ, tạo điều kiện cho các em tranh tài sáng tạo trên các lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập và phần mềm tin học; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong số 141 đề tài, số lượng được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay của cuộc thi năm nay, đề tài “Hệ thống cường hóa gỗ tự động ở cấp độ tế bào” của 2 em học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế là Ngô Quốc Huy, Nguyễn Tấn Tiến với sự hướng dẫn của giáo viên Phan Tiến Anh đập vào mắt làm tôi chú ý. Bởi lẽ, nội dung đề tài đưa ra là có thể “biến” loại gỗ bình thường trở nên cứng và bền hơn nhiều lần so với gỗ ban đầu. Đặc biệt lại còn làm cho gỗ không bị mối mọt, chống cháy; gỗ càng “xấu”, nghĩa là chất lượng gỗ càng kém, thì hiệu quả cường hóa lại càng cao.
Phương pháp cường hóa, hay còn gọi là phương pháp “ổn định gỗ” thực ra không mới, tuy nhiên, theo các tác giả, phương pháp này hiện vẫn đang còn thực hiện thủ công, quy trình quá phức tạp, tốn nhiều thời gian, rất đắt đỏ nhưng công suất lại thấp. Do vậy chưa được phổ biến và thị trường hết sức nhỏ bé. Sản phẩm chủ yếu chỉ được dùng để gia công các thiết bị nhỏ như cán dao, báng súng…“Hệ thống cường hóa gỗ tự động ở cấp độ tế bào” của các tác giả sẽ khắc phục được những bất cập kể trên.
Cấu tạo tổng quát hệ thống cường hóa gỗ tự động: (1) Buồng nhiệt; (2) Buồng thẩm thấu áp suất chân không; (3) Chất cường hóa
Nguyên lý cường hóa gỗ tự động đi qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1: Gỗ được sấy ở nhiệt độ vừa phải trong buồng nhiệt (buồng sấy) để hơi ẩm và bọt khí thoát ra bên ngoài; Giai đoạn 2: Cho gỗ còn đang nóng vào môi trường chân không. Sự chênh lệch áp suất sẽ khiến lượng hơi ẩm và bọt khí còn sót lại tiếp tục bị kéo ra ngoài đến mức tối đa; Giai đoạn 3: Gỗ tiếp tục được ngâm hoàn toàn trong chất cường hóa dưới áp lực lớn. Chất cường hóa bị áp lực ép mạnh sẽ đi vào bên trong tất cả các khoang trống của gỗ; Giai đoạn 4: Sau khi toàn bộ các khoang trống trong gỗ đã bị lấp đầy chất cường hóa, gỗ sẽ được sấy lại lần 2 để chất cường hóa đông cứng lại. Các tế bào gỗ lúc này liên kết với nhau với lực liên kết mạnh hơn trước hàng chục lần khiến gỗ trở nên cứng hơn, bền hơn và không còn hơi ẩm để cho mối mọt phát triển.
Việc tự động hóa giúp rút ngắn thời gian cường hóa gỗ từ vài ngày xuống chỉ còn vài tiếng đồng hồ nhờ việc tăng cường áp lực nén. Quy trình xử lý cũng được đơn giản hóa, giảm thiểu rủi ro. Chỉ cần đưa gỗ vào, thiết lập thời gian, rồi thu sản phẩm. Năng suất vượt trội và chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo đạt yêu cầu. Kết quả thực nghiệm đã được Khoa Công nghệ Vật liệu Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh công nhận cho thấy, xét về mọi mặt, phương pháp tự động hóa đều vượt trội hơn phương pháp thủ công: Thời gian cường hóa tự động nhanh gấp 2,98 lần; Lượng chất cường hóa “đi” vào gỗ nhiều hơn 3,04 lần; Gỗ cường hóa bằng phương pháp tự động có độ bền cao hơn 2,5 lần so với gỗ ban đầu và hơn 1,8 lần so với gỗ xử lý thủ công;…
Với quy trình đơn giản, năng suất vượt trội, các tác giả tin chắc giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn nhiều lần so với hiện nay nên dễ dàng phổ biến, ứng dụng rộng rãi
Rất cần sự đỡ đầu
Ý tưởng, giải pháp đã có và đã được thực nghiệm. Vấn đề bây giờ là liệu nó có được áp dụng vào thực tiễn để sản xuất theo quy mô công nghiệp, phục vụ đời sống. Trao đổi với TS. Bùi Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh, Phó BTC Cuộc thi, ông Thắng cho hay đúng là từ trước đến nay, việc tìm được mạnh thường quân đỡ đầu để các đề tài từ ý tưởng đi vào thực tiễn vẫn còn hạn hữu. Tuy nhiên, ông Thắng cũng tiết lộ trong ít tuần nữa, một hội thảo nhằm giới thiệu, tìm người tài trợ, đỡ đầu cho các đề tài được triển khai, ứng dụng ra thực tiễn sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Đó quả là thông tin tốt lành, là động thái tích cực giúp các ý tưởng, giải pháp sáng tạo của giới trẻ không nằm im một cách lãng phí trong ngăn kéo sau mỗi mùa thi, mà được tạo cơ hội, được chắp cánh để bước ra với đời sống sinh động, phục vụ đời sống, đồng thời nhân lên niềm cảm hứng thôi thúc các bạn trẻ không ngừng đam mê sáng tạo.
Trở lại với đề tài “Hệ thống cường hóa gỗ tự động ở cấp độ tế bào” của Ngô Quốc Huy, Nguyễn Tấn Tiến, nếu biết rằng, sửa chữa, trùng tu một ngôi chùa cỡ bình bình thôi có khi đã dùng đến cả ngàn khối gỗ; Rồi thú chơi nhà rường, nhà cổ đang ngày càng nở rộ khắp cả 3 miền mà lượng gỗ cần dùng cho mỗi công trình như vậy tùy theo lớn nhỏ mà tiêu tốn vài chục đến vài trăm khối. Chưa kể nhu cầu gỗ cho cửa nẻo, cầu thang, bàn tủ… Những cánh rừng cũng theo vậy mà ngày càng xác xơ, nghèo kiệt. Các loại gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm, giá tăng “phi mã”, nạn lâm tặc xử lý mãi vẫn cứ hoành hành…, thì có lẽ cũng như tôi, bạn sẽ cầu mong cho đề tài sớm nhận được sự ủng hộ, sự đỡ đầu tích cực để nhanh chóng được lan truyền, áp dụng.