Hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra”

Tác giả: Khánh Phong

Sáng ngày 11/12, tại thành phố Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra”, đến dự hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ thành phố Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

Ban tổ chức hội thảo nhận được 20 tham luận gửi đến và chọn được 17 tham luận để in kỷ yếu phục vụ hội thảo, nội dung được chia làm 2 phần:

– Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người tài trong lịch sử, có 8 tham luận.

– Vấn đề đặt ra hiện nay, có 9 tham luận.

Trong tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nhân tài có một vị trí đặc biệt quan trọng. Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (năm 1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn từng tổng kết “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng Thánh đế Minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”. Do vậy, chính sách trọng dụng nhân tài trở thành một nhiệm vụ xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử và Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lâu đời về đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm và trọng dụng người tài.

Dưới triều Nguyễn, từ vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đến vua Tự Đức rất quan tâm đến đào tạo tuyển chọn, nhân tài. Riêng dưới thời vua Minh Mạng việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài ngày càng được chấn chỉnh, mở mang và đi vào nề nếp, quy củ. Tất cả đều nhằm mục đích tuyển chọn thêm người tài bổ sung cho bộ máy quản lý đất nước.

Có 3 tham luận được trình bày tại hội thảo gồm:

– TS Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng: Tìm hiểu cách thức các vua Nguyễn sử dụng nhân tài xứ Quảng.

– PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế: Vài nét về chính sách giáo dục đào tạo người tài của triều Nguyễn và một số vấn đề đặt ra hiện nay.

– Võ Trần Ngọc Minh, Đại học Huế: Đại học Huế với việc bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng người tài giai đoạn 1994 – 2024.

TS Lưu Anh Rô phát biểu tham luận

Hội thảo cũng đã trao đổi nhiều thông tin về đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Huế nói riêng và cả nước nói chung qua ý kiến của các nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, Lưu Anh Rô, Phan Công Tuyên, Phạm Ngọc Bảo Liêm, Hồ Châu, Trần Đình Hằng, Phan Tiến Dũng, Nguyễn Đức Cương. Các nhà nghiên cứu cũng đã thảo luận và làm rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng khác. Cụ thể như vai trò, đóng góp của người tài trong sự phát triển của đất nước; kinh nghiệm công tác đào tạo, sử dụng, trọng dụng người tài trong lịch sử vận dụng vào công tác cán bộ hiện nay; các chính sách thu hút người tài trong giai đoạn hiện nay.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email