Hội nghị Tiếp cận văn hóa Phật giáo trên đất Huế

     Sáng ngày 19/12, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức Hội nghị “Tiếp cận nghiên cứu văn hóa Phật giáo trên đất Huế”. Hội nghị là bước khởi đầu chuẩn bị cho các hoạt động mang tính khoa học sẽ tổ chức trong thời gian tới.

TS Phan Tiến Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, với lịch sử ra đời sớm ở vùng đất Huế, đặc biệt từ đầu thế kỷ XIV, Phật giáo được các vị vua Trần chú trọng phát triển ở 2 châu Ô, Lý sau này là châu Thuận, châu Hóa gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt, tiếp đó là những đợt di dân từ thời Hồ, Lê về sau.

Vào thời các chúa Nguyễn, những người sùng đạo Phật, là những người Việt đi tiên phong trong công cuộc mở rộng sức lan tỏa và hộ trì nhiệt tình cho Phật pháp du nhập và phát triển ở Đàng Trong. Cũng do điều đó mà nhiều đời chúa Nguyễn đã thọ giới quy với đạo hiệu khác nhau như Minh vương Nguyễn Phúc Chu đạo hiệu cư sĩ Huy Long – Thiên Túng Đạo Nhân, chúa Nguyễn Phúc Trăn – Vân Truyền Đạo Nhân, Nguyễn vương Phúc Khoát – Từ tế Đạo Nhân…

Phật giáo dưới thời Nguyễn phát triển mạnh, chùa chiền càng ngày càng nhiều, hoặc do các thiền sư khai sơn, hoặc do tín đồ xây dựng, trong đó quan lại, nội cung là những người ngoại hộ mạnh nhất để hình thành những chùa được vua “sắc tứ” và triều đình xếp vào hạng chùa công ngoài chùa Thiên Mụ chính các chúa và các vua nhà Nguyễn lập nên, như các chùa Từ Hiếu, Kim Quang, Long Quang…

Phát biểu tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Hải Ấn – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế có nhận định, Huế được mệnh danh là xứ Thiền kinh, là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của đất nước.Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tàng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tốt quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa Huế.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tùng – Trưởng Khoa Kiến trúc, ĐH Khoa học Huế, chùa Huế kế thừa những đường nét truyền thống của chùa Việt ở miền Bắc thời kì trước cộng thêm đặc trưng kiến trúc vùng miền, kiến trúc dân gian và kiến trúc cung điện triều Nguyễn. Cũng giống như những kiến trúc khác trên đất cố đô, hòa cùng tổng thể đô thị, kiến trúc chùa Huế không thể đồ sộ được. Nét đẹp của nó là vẻ đẹp tinh tế, nhẹ nhàng vừa phải quy mô nhỏ nhắn hơn so với chùa miền Bắc.

Nghiên cứu về chủ đề mỹ thuật Phật giáo trên đất Thừa Thiên Huế, PGS.TS Phan Thanh Bình – nguyên Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật Huế có đưa ra ý kiến, “Mỹ thuật Phật giáo ở Huế chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa mỹ thuật như văn hóa mỹ thuật Trung Hoa, bản địa Chămpa và truyền thống mỹ thuật Kinh Bắc. Ngoài ra, còn chịu ảnh hưởng trực tiếp, đậm nét là từ mỹ thuật thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Bên cạnh đó, tính hòa trộn tam giáo (Nho- Phật- Lão) trong mỹ thuật Phật giáo ở Huế là rất sâu sắc, in dấu rõ nét với tính chất tam giáo đồng nguyên….”

Hội nghị hướng đến những hoạt động mang tính khoa học trong thời gian tới để làm rõ những đặc trưng của văn hóa Phật giáo trên đất Huế trên các lĩnh vực: Mỹ thuật Phật giáo, Di sản mộc bản Phật giáo, kiến trúc Phật giáo…

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ THỪA THIÊN HUẾ

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email