Hiệu quả từ các khu bảo vệ thủy sản ở đầm phá Tam Giang trên địa bàn huyện Quảng Điền

Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích mặt nước phá Tam Giang hơn 3000 ha. Từ những năm 2011 trở về trước, do tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính ồ ạt dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày bị cạn kiệt. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Quảng Điền đã tiến hành quy hoạch khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý mặt nước cho các chi hội nghề cá từ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Đến thời điểm hiện nay, huyện Quảng Điền đã tiến hành giao quyền khai thác và quản lý mặt nước cho 14 chi hội nghề cá ở các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Phước và thị trấn Sịa. Những chi hội nghề cá sau khi thành lập đi vào hoạt động và được giao quyền khai thác quản ly mặt nước đã tiến hành xây dựng quy chế hoạt động, phân định phạm vi khai thác đánh bắt nguồn lợi thủy sản cho từng loại nghề. Từ đó việc tranh chấp lấn chiếm cũng như tình trạng khai thác ồ ạt không còn xảy ra, nguồn lợi thủy sản dần được tái tạo. Đặc biệt hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành 2 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Vũng Mệ xã Quảng Lợi và Cồn Máy bay xã Quảng Ngạn, đã tác động rất lớn đến tái tạo nguồn lời thủy sản phá Tam Giang. Theo bà Trần Thị Thanh Nhã – Phó trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện cho biết “Việc xây dựng các khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang của huyện không chỉ giúp ngư dân có thêm thu nhập từ hoạt động khai thác các nguồn lợi thủy sản, mà còn nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là hướng đi đúng trong chương trình bảo tồn đa dạng sinh học gắn với sinh kế của cộng đồng trong hệ đầm phá Tam Giang rộng hơn 3000ha của huyện”. Sau khi các khu bảo vệ này đi vào hoạt động các chi hội nghề cá đã có những chuyển biến tích cực trong việc làm giàu nguồn lợi thuỷ sản trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ.

Tại Khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ xã Quảng Lợi, có diện tích khoanh vùng bảo vệ 40ha. Khu bảo vệ thủy sản hình thành giao cho cộng đồng bảo vệ quản lý trên cơ sở tài trợ kinh phí của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước thông qua Hội nghề cá tỉnh. Có 387 hộ ngư dân ở đây sống dựa vào đầm phá. Từ sau khi xây dựng mô hình quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là sau khi được sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch trong dự án phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, chính quyền và ngư dân xã Quảng Lợi đã ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động quản lý.

Còn tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Côn máy bay với diện tích 20 ha được giao cho chi hội nghề cá Thủy Tân xã Quảng Ngạn quản lý, 186 hộ ngư dân ở đây đã hoạt động rất nỗ lực, theo giao ước chung, cấm tuyệt đối khai thác dưới mọi hình thức ở khu vực này. Khu bảo vệ ra đời trong thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, khoanh vùng bảo vệ thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.

Theo thống kế của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong vài năm trở lại đây, 1.300 hộ dân chuyên đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang của huyện đã chấp hành nghiêm túc những quy định về đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang. Các chi hội nghề cá được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản tỉnh hướng dẫn về phương pháp bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có thả một lượng lớn cá dìa giống vào môi trường tự nhiên. Việc bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo vệ thủy sản tạo điều kiện các loại thảm thực vật, rong, cỏ… phát triển tốt, đây chính là nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của các loại cá. Kết quả sau mỗi vụ thu hoạch, cộng đồng ngư dân địa phương quanh khu bảo vệ thủy sản đã thu lợi được vài trăm triệu đồng. Ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh xã Quảng Lợi còn đứng ra thành lập đội tự quản để bảo vệ bình yên và môi trường cho phá Tam Giang, xử lý nhiều trường hợp thuyền khai thác hủy diệt thủy sản từ nơi khác đến hoạt động trên phá Tam Giang.

Theo ông Hà Văn Tuấn – Phó chủ tịch UBND huyện, để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm phá, UBND huyện đã chỉ đạo các xã thị trấn vận động bà con nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy chế hoạt động của chi hội nghề cá đề ra. Đối với 2 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện có, hàng năm huyện sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí đề tái tạo nguồn lợi thủy sản, và trong 2015 này sẽ phối hợp với Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản tỉnh soát xét làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thêm khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại xã Quảng An.

Bên cạnh các khu bảo vệ thủy sản, bà con ngư dân cũng đã xây dựng các mô hình chăn nuôi thủy sản sạch, bảo vệ môi trường, như xen ghép tôm sú – cua – cá kình… Điểm nổi bật khi triển khai hệ thống bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang của huyện là đã huy động được sức dân, xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Những nỗ lực của các cấp chính quyền và của ngư dân trong thời gian qua cũng như định hướng trong thời gian tới sẽ góp phần nhằm hồi phục nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sản vùng đầm phá Tam Giang, đặc biệt từng bước làm thay đổi nhận thức người dân để công tác quản lý khai thác thủy sản bền vững dựa vào cộng đồng thật sự phát huy hiệu quả.

Công Cường

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email