Dưới tác động của biến đổi khí hậu, quá trình nhiễm phèn đang tăng nhanh cả về mức độ lẫn diện tích. Đây là một trở ngại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Giải pháp sử dụng các giống lúa mới và sử dụng phân bón, than sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất lúa tại các vùng đất phèn ở miền Trung. Một số nghiên cứu về giống lúa chịu mặn đã và đang được thực hiện.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về giống lúa chịu phèn cũng như biện pháp sử dụng phân bón trên đất phèn còn chưa nhiều. Để đánh giá chính xác khả năng thích ứng của các giống lúa chịu phèn ở các vùng đất nhiễm phèn trên các vùng sinh thái khác nhau, cũng như sử dụng phân bón và than sinh học, trên cơ sở đó xây dựng mô hình sản xuất lúa chịu phèn đạt hiệu quả cao là rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Trước thực tế đó, PGS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, TS. Nguyễn Quang Cơ và các cộng sự tại Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế đã thực hiện đề tài: “Nâng cao năng suất lúa trên đất phèn để thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Các nội dung chính của đề tài gồm: Nghiên cứu, tuyển chọn một số giống lúa chịu phèn năng suất cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến năng suất lúa trên đất phèn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đề tài đã thử nghiệm các giống lúa chịu phèn mới, giúp chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên vùng đất phèn, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất phèn và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đề tài cũng thử nghiệm kết hợp phân bón hóa học và than sinh học cho cây lúa trên đất phèn, giúp tăng năng suất, tăng khả năng chịu phèn và nâng cao thu nhập cho ngươig dân. Kết quả của đề tài còn giúp người dân tận dụng diện tích đất phèn bị bỏ hoang trong vụ hè thu, tăng hệ số sử dụng đất trồng lúa. Đề tài thể hiện tính sáng tạo trong việc sử dụng các giải pháp về giống cây trồng mới và phân bón, tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, phù hợp với điều kiện của người nông dân nghèo để sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất phèn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân tại vùng đất phèn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết quả cụ thể, đề tài đã sử dụng giống lúa K4-AS-996 có tổng thu 29.400.000 đ/ha đến 35.580.000 đ/ha, tùy thuộc vào vụ trồng, lợi nhuận từ 11.180.000 đ/ha đến 17.360.000 đ/ha, tăng so với giống lúa đối chứng Khang dân từ 85-101%. Giống lúa OM 5451 có tổng thu 27.360.000 đ/ha đến 32.040.000 đ/ha, tùy thuộc vào vụ trồng, lợi nhuận đạt từ 9.140.000 đ/ha đến 13.820.000 đ/ha, tăng so với giống lúa đối chứng Khang dân từ 47-80%. Ngoài ra, giải pháp kỹ thuật sử dụng phân bón hóa học kết hợp than sinh học còn giúp giảm chi phí đáng kể cho người nông dân. Qua tính toán hiệu quả kinh tế của các giải pháp cho thấy tác động của các biện pháp kỹ thuật như giống mới, liều lượng phân bón làm tăng hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống địa phương và biện pháp kỹ thuật mà địa phương đang sử dụng. Đề tài đã thử nghiệm được giống lúa mới phù hợp trên đất phèn, với biện pháp kỹ thuật phân bón cho giống lúa phổ biến đang trồng tại địa phương. Các kỹ thuật đơn giản, tiến bộ hơn so với các biện pháp kỹ thuật trước, do đó, người dân đánh giá hoàn toàn phù hợp với hộ nghèo và đa số có thể áp dụng được.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đề tài giúp giảm lượng phân bón hóa học, tận dụng được nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kết quả của đề tài còn giúp người dân sản xuất lúa 02 vụ trên đất phèn thay vì 01 vụ như trước đây, vì vậy tăng độ che phủ cho đất. Theo đánh giá, hầu hết các giống lúa thử nghiệm có khả năng chịu phèn. Trong xu hướng biến đổi khí hậu, đất bị nhiễm phèn do khô hạn trong vụ hè thu thì việc bổ sung giống lúa chịu phèn được xem là rất có ý nghĩa.
Kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học đã mở ra hướng mới trong việc sử dụng có hiệu quả chân đất phèn, bổ sung giống cây trồng mới có khả năng chịu phèn, tăng thu nhập từ sản xuất lúa cho nông dân, tạo thêm việc làm ở nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với người dân, đặc biệt là dân nghèo ở vùng đất nhiễm phèn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề tài tài có thể nhân rộng tại các vùng đất nhiễm phèn của tỉnh Thừa Thiên Huế và miền Trung Việt Nam.
Giải Pháp