Đẩy mạnh ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong cải tiến hoạt động chính quyền số

Tác giả: Kiều Oanh

CLB Sáng tạo trẻ TT-Huế

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó công nghệ thông tin, chuyển đổi số được xác định là giải pháp đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, trong đó, một trong những vấn đề mà tỉnh quan tâm là tăng cường nghiên cứu khoa học và Công nghệ (KH&CN), đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công trực tuyến góp phần giải quyết, tháo gỡ các “bài toán” phát triển của tỉnh.

Có thể thấy, qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế việc ứng dụng AI rộng rãi trong lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Người dân, doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn thông tin chính thống như bản đồ quy hoạch; các thông tin về chỉ số kinh tế – xã hội, các dịch vụ đô thị thông minh về các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, môi trường; các dịch vụ phản ánh hiện trường, nộp hồ sơ trực tuyến…tất cả đều được tích hợp thông qua ứng dụng di động Hue-S. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Nguồn ảnh: Báo Tổ Quốc)

Hiện, tỉnh đã ra mắt một số nền tảng số quan trọng như: Hue-S (nền tảng ứng dụng đô thị thông minh và chính quyền số); Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế; Ứng dụng hỗ trợ Chuyển đổi số cho Doanh nghiệp; Nền tảng thanh toán số bằng ví điện tử; Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế (Hệ thống Open Data)…

Cùng với dòng chảy chuyển đổi số quốc gia nói chung và chiến lược chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Kế hoạch số 363/KH-SKHCN ngày 29/02/2024 về việc Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2024. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về: (1) Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên địa bàn tỉnh; (2) Thông tin tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; (3) Tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ khoa học liên quan việc đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản về AI, giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ, bắt kịp các tiến bộ trong lĩnh vực AI; (4) Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và chương trình phát triển sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2030 theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. (5) Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực AI thông qua các chuỗi sự kiện về AI; tăng cường tham gia, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa dạng về AI.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, có thể thấy, tầm quan trọng của việc đặt hàng nhiệm vụ KH&CN là giải pháp quan trọng để gắn khoa học đến gần hơn với thực tiễn, do đó cần xác định đúng các vấn đề, bài toán, những vướng mắc, xu hướng phát triển của thế giới…để hướng đến việc đặt hàng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Do đó, để phát triển đa dạng hệ sinh thái AI, thiết nghĩ tỉnh Thừa Thiên Huế cần tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN, trong đó tập trung vào 03 nhóm đối tượng chính: (1) ứng dụng AI phục vụ nhu cầu hàng ngày cho người dân (học tập, giải trí, mua sắm); (2) ứng dụng AI phục vụ cho chính quyền số (ứng dụng xử lý, soạn thảo văn bản hành chính; các mô hình dự báo giao thông, phân tích hành vi giao thông, tối ưu hóa giao thông; quản lý rác thải đô thị; dịch vụ hệ sinh thái đô thị thông minh; ứng dụng AI trong các ngành kinh tế xã hội trọng điểm (Du lịch, Y tế, CNTT, Nông nghiệp công nghệ cao); dịch vụ công trực tuyến; quản lý hành chính, tài nguyên môi trường); (3) ứng dụng AI phục vụ nhu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp (các ứng dụng xác định và dự báo giá trị đất theo thị trường; các ứng dụng về thông tin quy hoạch; các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội tỉnh, thông tin về thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực…

Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ số đã khiến thế giới ngày một “phẳng” hơn. Điều này, đặt ra cho chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần tăng cường “độ mở” và các chính sách của tỉnh đối với các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin – truyền thông về nghiên cứu, ứng dụng AI để thu hút các công nghệ mới, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến Huế để phát triển đa dạng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, đưa những ứng dụng AI sớm trở thành những công cụ hiệu quả trong quản lý, điều hành hệ thống chính quyền, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email