Đặc điểm thành tạo trầm tích Holocen và Đệ tứ khu vực Nam Đông

Trong phạm vi khu vực Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài việc xuất lộ các thành tạo trầm tích lục nguyên hệ tầng Long Đại (O3-S1 lđ), hệ tầng Tân Lâm (D1 tl), còn có các thành tạo trầm tích Holocen nguồn gốc sông (aQ21-2, aQ22-3), sông lũ (apQ21-2) và các thành tạo trầm tích Đệ Tứ không phân chia (aQ, edQ; eQ).

Trên diện tích khu vực nghiên cứu, các trầm tích Kainozoi phân bố chủ yếu dọc các thung lũng sông Thượng Lộ và Tả Trạch dưới dạng các thềm sông như: bãi bồi (aQ22-3), thềm sông (aQ21-2); ít hơn là các sản phẩm bồi tích (aQ) phân bố trong các trũng thấp hoặc các trằm sình diện tích nhỏ nằm xen kẹp giữa các đồi núi thoải cấu tạo bởi các đá của phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn (khu vực thôn 8, thôn 10 và thôn 11 của xã Hương Hòa; thôn Ta Rung của xã Hương Sơn…). Ở khu vực chuyển tiếp giữa địa hình sườn núi với thềm bậc I phổ biến là các thành tạo tàn tích (eQ) và tàn sườn tích (edQ) phát triển trên các đá gốc của hệ tầng Long Đại, hệ tầng Tân Lâm và phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn.

Thống Holocen

Trên bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 và 1:50.000, các thành tạo thống Holocen có diện phân bố khá rộng (chủ yếu khu vực từ thị trấn Phú Bài kéo ra biển). Tuy nhiên, ở khu vực Nam Đông các thành tạo này chỉ phân bố dọc theo thung lũng các con sông (sông Thượng Lộ, sông Tả Trạch, các nhánh sông nhỏ đổ ra sông Tả Trạch…) với diện lộ, bề dày các tầng sản phẩm không đồng nhất và phân bố trên các dạng địa hình khác nhau tạo nên thềm sông (aQ21-2), thềm hiện đại (aQ22-3) (Hình 1).

 

Hình 1. Phân bố các thành tạo Đệ Tứ dọc sông Thượng Lộ.

      Thống Holocen, phụ thống hạ – trung, trầm tích hỗn hợp sông lũ (apQ21-2).

Trầm tích này phân bố dọc theo các thung lũng sông Thượng Lộ, Thượng Nhật và Khe Tre và phần lớn bị phủ bởi các tầng trầm tích có tuổi trẻ hơn và chỉ lộ ra trên bề mặt của lòng sông hiện đại. Mặt cắt lộ ra tốt nhất ở dọc bờ sông Khe Tre, Hương Lộc ở những vị trí mà bờ sông bị xâm thực mạnh. Đặc trưng cho các thành tạo này bao gồm các lớp trầm tích sau (Hình 2):

  • Lớp 1: Cuội sạn tảng, hạt thô không đều, thành phần hỗn tạp. Bề dày tại các điểm lộ từ 1 đến 4m.
  • Lớp 2. Nằm phủ trực tiếp lên lớp cuội sỏi tảng là lớp vật liệu trầm tích hạt mịn hơn có thành phần chủ yếu sét, cát lẫn nhiều cuội sỏi xám nâu, xám vàng.

Hình 2. Ảnh vết lộ tầng cuội sạn tảng nguồn gốc sông lũ apQ21-2

      Thống Holocen, phụ thống hạ – trung, trầm tích sông (aQ21-2)

Trầm tích này phân bố dọc các con sông Thượng Lộ và Thượng Nhật tạo nên thềm sông. Mặt cắt lộ ra tốt nhất tại bờ phải sông Thượng Lộ ở khu vực thôn 1, xã Hương Lộc; bờ trái sông thôn 10, xã Hương Hòa; thôn Hòa An và thôn thành An, xã Hương Phú; khu vực trung tâm thị trấn Khe Tre…

Đặc trưng cho thành tạo này bao gồm các lớp trầm tích sau: Phủ lên trên lớp cuội sạn sỏi là lớp cát bột lẫn ít sét màu vàng sẫm, màu vàng, nâu vàng (Hình 3). Một số nơi như ở thôn Phú Nam của xã Hương Lộc và thôn Thành Công của xã Hương Hòa, lớp cát bột trên cùng (dày khoảng 10 – 20 cm) có màu xám trắng đến trắng, độ chọn lọc rất tốt cả về thành phần khoáng vật và độ hạt. Dày 0,5-1,0 m, có nơi lớn hơn.

  Thống Holocen, phụ thống trung – thượng, trầm tích sông (aQ22-3)

Trầm tích này phân bố dọc thung lũng các sông Thượng Lộ và Tả Trạch… tạo nên thềm sông hiện đại, mặt cắt lộ ra tốt nhất tại bờ phải sông Thượng Lộ, thôn 1, xã Hương Lộc; bờ trái sông thôn 10, xã Hương Hòa; thôn 7, xã Hương Sơn; dọc theo nhánh sông chảy qua xã Hương Phú; hay tại khu vực ngã ba sông chảy về cầu Lê No ở trung tâm thị trấn Khe Tre… Đặc trưng cho thành tạo này bao gồm các lớp trầm tích sau (Hình 4)

Hình 3. Ảnh cát bột lẫn ít sét nguồn gốc sông tuổi Holocen sớm – giữa.

Hình 4. Ảnh vết lộ các thành tạo trầm tích sông hiện đại aQ22-3.

  • Lớp 1: Nằm bên dưới là tầng cát, sét pha lẫn dăm sạn màu xám vàng, vàng loang lổ. Dày trên 3 m.
  • Lớp 2: Phủ lên trên lớp 1 là các sạn sỏi lẫn cát, thành phần hỗn tạp, màu xám, xám vàng đến vàng. Dày khoảng 3,0-4,0 m.
  • Lớp 3: Phủ lên lớp 2 là tầng cuội sạn sỏi, kích thước hạt không đều, thành phần hỗn tạp, độ chọn lọc kém. Tầng sản phẩm này lộ ra trên bề mặt của các sông hiện tại. Chiều dày không đều nhưng phổ biến khoảng 1-2m.

Trầm tích Đệ Tứ không phân chia (eQ, edQ, aQ)

Trầm tích Đệ Tứ không phân chia gồm các loại nguồn gốc khác nhau như tàn tích (eQ), tàn – sườn tích (edQ) và bồi tích (aQ) phát triển trên các đá gốc khác nhau và phân bố ven rìa các thung lung sông suối là nơi chuyển tiếp giữa thềm bậc I với các bề mặt dốc của các đồi, núi… Chúng có dạng kéo dài dọc theo sườn núi, các thung lũng sông suối, đồng bằng với bề rộng khác nhau (có nơi phân bố sát với mép sông) thay đổi từ 50-100 m.

Tùy thuộc vào đặc điểm đá gốc, thành phần của các sản phẩm tàn tích và sườn tích rất đa dạng. Trên các đá của hệ tầng Tân Lâm và hệ tầng Long Đại phát triển các sản phẩm hỗn tạp gồm cát, bột lẫn dăm, sạn, sỏi màu vàng nhạt, xám vàng, độ chọn lọc kém; trong khi tàn tích phong hóa trên các đá granodiorit của phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn thường triệt để hơn, thành phần giàu khoáng vật sét và có màu vàng nghệ (khu vực xã Hương Hòa). Chiều dày các tầng sườn – tàn tích thường không lớn (1-2 m), nhưng chiều dày tầng tàn tích, đặc biệt là trên các đá phức hệ Bến Giẳng – Quế Sơn có thể đạt 3-4 m hoặc hơn.

Ngoài ra, trong khu vực còn xuất hiện các thành tạo bồi tích hiện đại aQ phân bố ở các trũng thấp, các trằm sình được bao quanh bởi các đồi và núi trong vùng kín không có dòng chảy thường xuyên cung cấp. Trầm tích bồi lấp ở đây chủ yếu do dòng chảy bề mặt mang vật liệu hạt mịn ở các thành tạo xung quanh cung cấp, bồi tụ. Các khu vực này được người dân trồng lúa (thôn 10, xã Hương Phú; thôn 11, xã Hương Hòa…) (Hình 5).

 

Hình 5. Ảnh vết lộ các thành tạo bồi tích hiện đại trong các trũng thấp (aQ).

BÙI THẮNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email