Tác giả: TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới – WHO (2023), trên toàn cầu có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm A hoặc B hằng năm. Phân tích tổng hợp trên 157 nghiên cứu đánh giá gánh nặng do cúm toàn cầu (bao gồm cả Việt Nam) cho thấy trẻ dưới 6 tháng tuổi, tỷ lệ nhập viện do cúm khoảng 23%; tỷ lệ tử vong trong bệnh viện khoảng 36%. Khoảng 70% trẻ nhập viện do cúm không có yếu tố nguy cơ.
Chính vì vậy, tiêm phòng cúm hằng năm là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm và lây lan cho người khác. Theo WHO, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã có các khuyến cáo nghị cho mùa cúm mùa năm 2023 – 2024.
Định nghĩa bệnh cúm mùa
Bệnh cúm mùa thường do vi rút cúm loại A hoặc B gây ra. Các triệu chứng bao gồm sốt đột ngột, ho khan, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Hầu hết mọi người sẽ hết trong vòng 1 tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong ở những nhóm có nguy cơ cao.
Thời gian tiêm phòng cúm
Tốt nhất nên tiêm phòng trước khi bệnh cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP) khuyến nghị tháng 9 – 10 thường là thời điểm tốt để tiêm phòng vì mùa cúm ở Hoa Kỳ thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5. Lý tưởng nhất là mọi người nên tiêm phòng vào cuối tháng.
Tại Việt Nam, thông thường, dịch cúm mùa thường xảy ra vào mùa thu – đông. Vì thế, việc tiêm phòng cúm nên thực hiện vào đầu mùa thu, trước khi mùa cúm chính thức bắt đầu.
Lứa tuổi tiêm ngừa cúm
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế (2023) khuyến cáo các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cần được tiêm cúm gồm: người chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi; trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi; người trên 65 tuổi; cán bộ y tế; người có bệnh mạn tính; phụ nữ mang thai và dự định mang thai; người trong gia đình có tiếp xúc trực tiếp với những người trong nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, bất kỳ lứa tuổi nào từ 6 tháng trở lên đều có thể tiêm vắc xin cúm hàng năm.
Theo khuyến cáo của WHO, phụ nữ mang thai cần được ưu tiên tiêm chủng cao nhất. Ngoài ra, các nhóm khác có nguy cơ nên được tiêm phòng, ví dụ như trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi, người già, người mắc bệnh mạn tính cụ thể như: hen, đái tháo đường, bệnh tim, bệnh thận, bệnh thần kinh và thần kinh cơ, hệ thống miễn dịch suy yếu và nhân viên y tế.
Các khuyến cáo của CDC về tiêm phòng cúm mùa
Đối với những người từ 65 tuổi trở lên, có 3 loại vắc xin cúm được khuyến cáo ưu tiên hơn các loại vắc xin cúm khác: vắc xin cúm bất hoạt hóa trị bốn – Fluzone, vắc xin cúm tái tổ hợp hóa trị bốn – FluBlok, vắc xin cúm bất hoạt bổ trợ hóa trị bốn – Fluad. Tuy nhiên, khi người già trên 65 tuổi thì liều vắc xin dự phòng có lượng kháng nguyên cao hơn nhằm giúp có phản ứng miễn dịch tốt hơn đối với việc tiêm vắc xin, do đó bảo vệ chống lại bệnh cúm tốt hơn.
Trẻ em dưới 9 tuổi tiêm vắc xin cúm lần đầu tiên, cần tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần để có đáp ứng miễn dịch đầy đủ. Những người đã được ghép tế bào gốc tạo máu hoặc ghép tạng rắn và đang tiêm vắc xin cúm lần đầu tiên sau khi cấy ghép.
Thời điểm tiêm vắc xin cúm mùa
Thời điểm tốt nhất trong ngày để tiêm phòng cúm có thể là vào buổi sáng. Nghiên cứu cho thấy người tiêm sẽ tạo ra nhiều kháng thể hơn sau khi tiêm phòng cúm vào buổi sáng so với sau khi tiêm phòng vào buổi chiều. Vắc xin cúm được tiêm hằng năm, trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi đã tiêm ít hơn 2 liều vắc xin cúm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm phòng cúm nên tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Hai tuần sau khi tiêm chủng, các kháng thể bảo vệ chống lại bệnh cúm mới phát triển trong cơ thể. Vì vậy hãy lập kế hoạch tiêm chủng sớm trước khi mùa cúm bắt đầu.
Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vắc xin cúm hằng năm. Tiêm phòng cúm không ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tật, nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người đã tiêm phòng trong một số nghiên cứu. Hiệu quả của vắc xin cúm có thể phụ thuộc một phần vào sự phù hợp giữa vi rút vắc xin và vi rút lưu hành. Ước tính sơ bộ cho thấy trong mùa cúm trước, những người được tiêm phòng cúm ít có khả năng phải nhập viện hơn khoảng 40% đến 70% vì bệnh cúm hoặc các biến chứng liên quan.
Khuyến cáo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế (2023), Việt Nam đang trong giai đoạn vào mùa đông – xuân, thời tiết chuyển mùa, thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện 5 biện pháp phòng bệnh cá nhân, gồm:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở,… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.