QUYỀN LỰC TRONG TƯƠNG TÁC LỚP HỌC TIẾNG ANH TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM DƯỚI GÓC ĐỘ LÝ THUYẾT PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN PHÊ PHÁN

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2024

Ngày nộp đề tài: 23/10/2024

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: TS. Đỗ Thị Xuân Dung; PGS.TS. Trần Văn Phước; ThS. Nguyễn Thị Ái Hữu; ThS. Mai Văn Kết; TS. Lê Lâm Thi; ThS. Trần Thị Huyền Gấm; ThS. Trần Thị Thuỳ Trang

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Đại học Huế

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 03 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế

Tính mới của giải pháp

Trên cơ sở nhận diện các yếu tố quyền lực trong diễn ngôn giáo viên hay diễn ngôn lớp học dựa trên một bối cảnh cụ thể là các lớp học tiếng Anh bậc đại học của các trường đại học tiêu biểu thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam trên cả nước, đề tài đã chỉ rõ các phương diện sử dụng quyền lực cũng như các chiến lược diễn ngôn mà giáo viên đã sử dụng nhằm mục đích thực thi các quyền lực được quy định bởi các thể chế chính trị-xã hội về vai trò và nhiệm vụ của người giáo viên trong lớp học, đặc biệt là lớp học ngôn ngữ. Việc sử dụng khung phân tích các biểu hiện quyền lực với các kiểu loại quyền lực cụ thể cho phép nhóm nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc sử dụng ngôn ngữ và các tập quán xã hội cũng như ảnh hưởng của văn hóa lên cách sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Từ đó có thể rút ra các hàm ý ứng dụng cho việc dạy tiếng Anh trong môi trường tiếng Anh được sử dụng như là một ngoại ngữ tại Việt Nam. Đây là một trong những điểm mới của đề tài.

Tính sáng tạo

Công trình nghiên cứu “quyền lực trong tương tác lớp học trong giáo dục đại học ở Việt Nam” có thể được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về vấn đề quyền lực diễn ngôn trong bối cảnh diễn ngôn xã hội, khảo cứu các nội hàm sâu của diễn ngôn giáo viên hay diễn ngôn lớp học. Trên cơ sở bối cảnh cụ thể là các lớp học ngoại ngữ (tiếng Anh) ở bậc đại học tại các trường đại học ngoại ngữ trên cả nước (Hà nội, Huế, Đà nẵng, thành phố Hồ Chí Minh), nghiên cứu đã khảo sát những biểu hiện của quyền lực giáo viên trong phát ngôn trong mối quan hệ tương tác lớp học với sinh viên để đánh giá các tác động của diễn ngôn lớp học/ diễn ngôn giáo viên đối với hành vi và thái độ học tập của sinh viên. Bằng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, nghiên cứu đã chỉ ra các kiểu loại quyền lực mà giáo viên sử dụng và được khuyến nghị sử dụng trong lớp học, nhận thức và nhận diện của giáo viên về vấn đề sử dụng quyền lực trong lớp học, các tác động đến thái độ và hành vi học tập của sinh viên, biện pháp chọn lựa hoặc điều chỉnh các chiến lược diễn ngôn để có thể giảng bài và quản lý lớp học đạt hiệu quả tối ưu nhất. Các sản phẩm nghiên cứu cụ thể của công trình bao gồm 03 bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế (thuộc danh mục SCOPUS và ACI) và 04 bài trong nước (thuộc Danh mục tính điểm của Hội đồng giáo sư nhà nước) làm tài liệu tham khảo, đào tạo 02 học viên cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, đóng góp vào công tác đào tạo Sau đại học cho Đại học Huế; chuyển giao 02 sản phẩm ứng dụng làm tài liệu tham khảo cho giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên đó là sổ tay diễn ngôn lớp học và bộ sưu tập các mẫu diễn ngôn lớp học gợi ý sử dụng tại các giai đoạn cụ thể của bài giảng và trong quản lý lớp học.

Hiệu quả kinh tế xã hội

Công trình nghiên cứu đã trực tiếp và gián tiếp đóng góp vào nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, cụ thể là trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo. + Giáo viên/ Giảng viên tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể tiếp thu các gợi ý từ kết quả nghiên cứu (cụ thể là bản kiến nghị, sổ tay Diễn ngôn giáo viên, Bộ sưu tập diễn ngôn lớp học…) để lựa chọn và hoàn thiện các kỹ năng diễn ngôn của mình trong lớp học, thực thi quyền lực diễn ngôn một cách khéo léo và tối ưu nhất để có thể điều khiển lớp học đạt mục tiêu và hiệu quả cao nhất, qua đó tác động đến hành vi học tập của sinh viên, nâng cao năng lực ngôn ngữ của người học, góp phần vào lộ trình nâng cao năng lực ngoại ngữ thuộc Đề án quốc gia “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”… mà không phải tốn thêm các chi phí đầu tư khác như bổ sung công nghệ, tăng thêm giáo trình, bồi dưỡng đổi mới phương pháp cho giáo viên… + Học viên cao học được đào tạo từ kết quả của đề tài đã có các nghiên cứu chuyên sâu về thực hành diễn ngôn lớp học của giáo viên, được tiếp thu các kiến thức và kĩ năng nghiên cứu về diễn ngôn lớp học cũng như các ứng dụng cho nghề nghiệp tương lai của bản thân; đồng thời việc đào tạo học viên cao học thành công góp phần vào nâng cao vị thế và hiệu quả của công tác đào tạo sau đại học cho nhà trường. + Các bài báo công bố trên các Tạp chí uy tín trong nước và quốc tế (từ 2021-2023) đã góp phần đóng góp tri thức mới cho quốc gia, nhân loại về lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng, đặc biệt từ nền tảng của lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán, một lý thuyết có thể phục vụ cho nghiên cứu liên ngành như ngôn ngữ học và văn hóa, ngôn ngữ học và giáo dục học, chính trị-xã hội, thực thi quyền lực… Kết quả công bố quốc tế trên các Tạp chí quốc tế uy tín còn là đóng góp của nhà khoa học vào kết quả công bố quốc tế của cơ sở đào tạo -nơi công tác, góp phần gia tăng các chỉ số xếp hạng đại học cho Đại học Huế
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email