Công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống – Cần được đẩy mạnh

Trong những năm qua, mặc dù lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng đến nay vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Do đó, việc đẩy mạnh công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống là việc làm rất cần thiết.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển của khoa học và công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để hoạt động khoa học và công nghệ phát triển hơn nữa cần phải có những chính sách cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống, sản xuất.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ được áp dụng vào cuộc sống như Đề tài “Nghiên cứu đánh giá các điều kiện và đề xuất mô hình phát triển Khoa học và Công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Kết quả của đề tài được sử dụng trực tiếp cho việc xây dựng Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước”. Với mục tiêu có được hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị kỹ thuật, đặc trưng của sản phẩm gốm truyền thống, đề tài “Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích” đã thiết kế 150 mẫu sản phẩm gốm, chia thành năm nhóm sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu các giá trị của nghề gốm cổ ở làng Phước Tích. Đây là một công trình nghiên cứu có tính hệ thống về mỹ thuật học, ngôn ngữ tạo hình của gốm dân gian, từ đó làm cơ sở tạo hình, thiết kế, chế tác trang trí mẫu mã mới trong tổng quan nghề gốm truyền thống Huế nói chung và gốm Phước Tích nói riêng.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin bắt đầu có các sản phẩm phần cứng, các phần mềm đóng gói, các giải pháp công nghệ thông tin được thị trường trong nước chấp nhận, có các sản phẩm đạt giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia, như: Trí tuệ Việt Nam, VIFOTEC, Danh hiệu Sao Khuê… Sự thành công của dự án GISHue đã cung cấp cho tỉnh bộ cơ sở dữ liệu khá đầy đủ về các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế – xã hội, tạo nền tảng cho việc hình thành và phát triển các lớp cơ sở dữ liệu chuyên ngành sau này. Nhờ vào việc nghiên cứu ứng dụng cong nghệ thông tin, Văn phòng UBND tỉnh đã có một mô hình quản lý toàn diện, đảm bảo tính khoa học giúp công khai, minh bạch hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo cơ quan và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.

Về phát triển công nghệ sinh học, các nhà khoa học đã nuôi cấy thành công 6 loại nấm linh chi quý của Thừa Thiên Huế (lục bảo linh chi); tách chiết Alginat từ trong rong mơ làm chế phẩm kích thích sinh truởng, phân lập các vi sinh vật hữu ích; chiết xuất Glucomannan từ củ Nưa để sử dụng trong lĩnh vực y dược… Đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào một số giống hoa, nghiên cứu công nghệ vi ghép tạo cây sạch bệnh, lưu giữ nguồn gen quý các loại cây ăn quả đặc sản như bưởi thanh trà…

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng cũng đã và đang gắng sức phấn đấu đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tại nông thôn, miền núi, phần lớn nông dân ở vùng sâu, vùng xa còn ít hiểu biết và thiếu thông tin về các giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến, cũng như nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ nhằm tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng còn hạn chế và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ trong lĩnh vực sản xuất đang còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là vấn đề đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Các đơn vị khoa học và công nghệ chưa thật sự quan tâm đến hiệu quả đóng góp cho sản xuất. Bên cạnh đó chúng ta còn thiếu nhiều cán bộ khoa học chuyên sâu trong từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao. Hệ thống cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi… Để đẩy mạnh công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu, sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống thì cần phải có các giải pháp như:

Cần phải coi đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư rủi ro, khác với những loại đầu tư thông thường đã được quy định trong Luật đầu tư. Kinh phí đầu tư, thời gian đầu tư cho việc giải quyết một nhiệm vụ khoa học công nghệ phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu và khối lượng công việc cần nghiên cứu giải quyết. Không ai có thể dự toán một cách chính xác là cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian để giải quyết được một nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể, đặc biệt là những vấn đề mới, có tính khoa học công nghệ cao.

Cần có các chính sách giúp doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn lực của mình đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ. Việc phát triển khoa học và công nghệ là một quá trình lâu dài, do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ phù hợp trên cơ sở các nguồn lực sẵn có của mình và sự hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức quốc tế và từ các doanh nghiệp bạn. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn tạo điều kiện cho sự kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, việc xây dựng thử nghiệm các Viện nghiên cứu liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp và đánh giá các viện này sẽ là cơ sở phát triển mô hình hợp tác này.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế đầu tư tài chính nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Các cấp, các ngành và Sở Khoa học và Công nghệ nên chủ trì, lựa chọn kỹ các đề tài sát thực tế, có tính khả thi cao; kiên quyết dừng đầu tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu không có tính khả thi, hiệu quả thấp. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng khoa học công nghệ; đề xuất chuyển giao các kết quả nghiên cứu thành công vào thực tế.

Bùi Thắng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email