Lá trầu hay trầu không (Piper betel.L) là một loại cây gia vị hay cây thuốc, lá trầu có tính chất dược học cao.
Tinh dầu trầu không là một chất lỏng màu vàng nhạt, để lâu bị oxy hóa trở nên màu sẩm dần, có vị ngọt và cay nồng. Trong tinh dầu lá trầu có đến 8 hoạt chất khác nhau đều chứa vòng thơm khiến lá trầu có mùi hương rất đặc trưng gồm Estragol, Chavicol, Chavicol acetate, Eugenol, Chavibetol, Trans-Caryophyllene, Eugenol acetate, 2-(Acetyloxy)-4-allylphenyl acetate.
Năm 1956, Bộ môn ký sinh Trường đại học y dược Hà Nội có nghiên cứu thấy trầu có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi trùng: Tụ cầu, subtilis và trực trùng Coli. Năm 1961, Phòng đông y thực nghiệm thuộc Viện vi trùng học thí nghiệm lại và đã xác định tính chất kháng khuẩn bay hơi của lá trầu. Một số bệnh viện ở nước ta đã sử dụng cao nước trầu thí nghiệm để điều trị bệnh viêm cận răng (paradentose).
Ngoài công dụng dùng để ăn trầu (lá trầu, vôi, cau và vỏ rễ chay), nhân dân nhiều nơi còn dùng lá trầu giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào rồi dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch hạch huyết. Nước pha lá trầu còn được dùng làm thuốc chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt của trẻ em. Cây trầu ít được sử dụng bên trong, chỉ hay dùng ngoài, liều lượng tùy tiện. Có nơi còn giã lá trầu đắp lên ngực chữa ho và hen. Cây trầu được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa viêm chân răng, rửa vết thương nhiễm trùng, vết loét…
Trầu có hoạt tính ức chế các chủng vi khuẩn, các chủng nấm, các nguyên sinh động vật… Nhiều ngiên cứu đã xác nhận lá trầu có tác dụng kháng sinh mạnh. Chất kháng sinh chiết xuất từ lá trầu diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh cho người. Hợp chất betel- phenol và chavicol trong lá trầu, có tác dụng kháng khuẩn rất tốt. Tác dụng diệt khuẩn này đã có nhiều kết quả trong thí nghiệm điều trị bệnh viêm cận răng và kháng khuẩn mạnh với các loại vi trùng như: tụ cầu, subtilis và trực trùng E.coli.. Lá trầu có tác dụng diệt khuẩn mạnh, phổ diệt khuẩn rộng với nhiều loài vi khuẩn gây bệnh thương hàn, phó thương hàn, lỵ, tả, trực khuẩn bạch hầu, vi khuẩn thối rữa.
BÍCH ĐÀO