Tác giả: Đặng Thanh Phú
Ngày 20/12, Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương”.
Tham dự buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Khoa Điềm – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; đại diện lãnh đạo của Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, giảng viên Khoa Kiến trúc – Đại học Khoa học, Đại học Huế và các thành viên hội khoa học lịch sử tỉnh, các học giả, chuyên gia.
Ông Nguyễn Khoa Điềm – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương phát biểu tại buổi tọa đàm
Theo báo cáo đề dẫn và tổng thuật tọa đàm khoa học, để hiểu rõ hơn những cơ hội về đô thị Huế phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phát biểu tại buổi tọa đàm
Báo cáo đề dẫn và tổng thuật tọa đàm khoa học đã tổng hợp một số kết quả nghiên cứu tập trung vào các chủ đề như: Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản cố đô và giá trị cảnh quan, nhân văn; Huế, thành phố trực thuộc Trung ương – đô thị đặc thù của Việt Nam; Một số thách thức đối với thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tư cách là một đô thị di sản; Giá trị cảnh quan văn hóa – đô thị lịch sử ở Huế và những vấn đề đặt ra; Quản lý đô thị di sản Huế: cơ hội và thách thức; Hệ thống thủy đạo ở Huế: Tiềm năng, thực trạng khai thác và định hướng phát triển du lịch đường thủy; Quy hoạch đô thị di sản Huế trong tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Tọa đàm khoa học lần này là một hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, xuất phát từ nhận thức được ý nghĩa và nhiệm vụ khoa học của đơn vị trong thời điểm chuyển giao lịch sử Huế để qua đó tìm kiếm được các giải pháp thiết thực, hiệu quả cho một vấn đề quan trọng, bức thiết đang đặt ra chỉ trước 10 ngày khi Nghị quyết Quốc hội bắt đầu có hiệu lực. Chính nhờ vậy, Tọa đàm khoa học lần này do Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức có giá trị khoa học lẫn thực tiễn cao, rất đáng quan tâm./.
Views: 0