Cơ hội, thách thức và giải pháp đột phá cho phát triển khoa học, công nghệ Y dược Việt Nam

Tác giả: GS.TS.BS. Nguyễn Vũ Quốc Huy

Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế

 

Ngày nay, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới, đổi mới và sáng tạo là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển đi lên của đất nước, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong những năm gần đây, nền y tế của Việt Nam đã từng bước tiếp cận và trong một vài lĩnh vực đã đạt được các thành quả quan trọng, tiệm cận nền y học và công nghệ thế giới, trong đó có thể kể đến (1) hệ thống y tế hiện nay theo Luật Khám chữa bệnh 2023 với 3 cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu, hiện diện rộng khắp tại tất cả các vùng miền địa lý của đất nước; (2) hệ thống y tế công lập tuyến cao và các cơ sở y tế tư nhân với nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao theo nhu cầu xã hội; (3) các chương trình y tế được triển khai từ nhiều chục năm qua, giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, điển hình có thể kể đến như chương trình kế hoạch hóa gia đình, chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh và nhiều chương trình đầy ý nghĩa khác; (4) sự quan tâm và nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn xã hội để tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế của người dân một cách ngoạn mục trong 3 thập kỷ qua, gần đạt đến mục đích bảo hiểm y tế toàn dân.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển mạnh mẽ, yêu cầu đổi mới và sáng tạo trong giáo dục đại học trở nên cấp thiết, nhất là ở lĩnh vực khoa học sức khỏe, nơi mà những tiến bộ có thể mang lại những thay đổi to lớn cho cả nền y tế và kinh tế quốc gia. Đặc biệt, đối với khối ngành khoa học sức khỏe, việc kết hợp một cách hữu cơ giữa giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, bằng cách gắn liền với các lĩnh vực khác của nền kinh tế như du lịch – nghỉ dưỡng. Hiện nay, với chi phí chấp nhận được và một số kỹ thuật, công nghệ tiệm cận mức thế giới, ngành Y Dược là một lợi thế so sánh của Việt Nam, chúng ta cần chuyển hóa lợi thế này để trở thành một trong những “lợi thế cạnh tranh quốc gia”.

Đến nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển khoa học và công nghệ y dược. Đặc điểm dân số của đất nước đang trong thời kỳ “dân số vàng”, cộng với mức sống ngày càng tăng rõ rệt nhờ mức độ tăng trưởng kinh tế – xã hội được giữ ổn định trong nhiều năm qua làm cho sự quan tâm dành cho sức khỏe cá nhân nói riêng, gia đình và xã hội nói chung ngày càng tăng cao, tạo ra nhu cầu lớn về nâng cao mức độ và chất lượng các dịch vụ y tế cần được cung cấp cho xã hội, trong đó lĩnh vực khoa học, công nghệ y dược đã, đang và sẽ chắc chắn đóng một vai trò then chốt. Việt Nam chúng ta cũng đang tích cực hội nhập quốc tế, mở cửa hợp tác với nhiều quốc gia phát triển, qua đó có thể tiếp thu một cách rộng rãi và nhanh chóng các công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm quản lý từ các hệ thống y tế thành công trên thế giới.

Bên cạnh đó, như mô hình dân số và phát triển của một số quốc gia phát triển trong khoảng nửa thế kỷ qua đã chứng minh, Việt Nam cũng sẽ sớm đối diện với các thách thức mà nhiều quốc gia đang gặp phải và cố gắng giải quyết, đặt biệt đến từ xu hướng già hóa dân số và sự phát triển kém bền vững về mặt dân số. Dự kiến chỉ trong vòng 15 -20 năm đến dân số Việt Nam sẽ dịch chuyển tháp tuổi sang xu hướng dân số già, đi kèm với sự dịch chuyển đáng kể của mô hình bệnh tật và việc gia tăng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bệnh tật của phân khúc người cao tuổi. Việc nhanh chóng tiếp cận và làm chủ, tiến đến tham gia vào tiến trình phát minh các công nghệ mới đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc trong tiến trình hội nhập quốc tế, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Trong nền giáo dục quốc dân, giáo dục đại học đóng một vai trò then chốt trong việc đào tạo cho xã hội một nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên sâu, đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của xã hội. Trong giai đoạn mới, để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao và chuyên sâu này trong lĩnh vực chăm sóc y tế, phát huy được các cơ hội và đối diện, giải quyết được các thách thức đã, đang và sẽ được đặt ra, một khâu then chốt trong việc làm chủ và phát huy các công nghệ mới nói chung và trong lĩnh vực khoa học sức khỏe nói riêng, đó là khâu nhân lực.

Cho đến năm 2024, về cơ bản Việt Nam chúng ta đã đạt được chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân, nhưng chất lượng đào tạo chưa đồng đều và chưa đạt đến mức kiểm định chất lượng quốc tế, cũng như trong thực tế chưa thể liên thông công nhận trong khối ASEAN mặc dù đã có khung pháp lý. Từ năm 2016 đến nay, có khoảng 10 trường đại học đào tạo y dược đã bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để chương trình đào tạo 2 ngành xương sống của khối Khoa học sức khỏe (Bác sĩ Y khoa và Bác sĩ Răng Hàm Mặt) theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW từ năm 2013, theo hướng tích hợp, dựa trên năng lực, hướng đến việc kiểm định và được công nhận theo chuẩn quốc tế do Liên đoàn Giáo dục Y khoa thế giới (WFME) ban hành trong những năm sắp đến. Trong bối cảnh ngành Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, công cuộc đổi mới, cái cách này cần được triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống đào tạo nhân lực y tế và cần được đón nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ cả về mặt chính sách lẫn đầu tư ngân sách để sớm “bứt phá” và đạt đến ngưỡng tới hạn tích cực trong toàn hệ thống đào tạo khoa học sức khỏe của Việt Nam.

Trong khoa học sức khỏe, việc gắn kết đào tạo, trong đó đào tạo thực hành ở bậc đại học và sau đại học một cách chặt chẽ với nghiên cứu khoa học có một vị trí quyết định, mang ý nghĩa sống còn, khi mà các kiến thức và thực hành chuyên môn cần được cập nhật liên tục để đối phó với những thách thức mới như dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Việc tích hợp sâu rộng nghiên cứu vào chương trình học khuyến khích người học cũng tự tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các phương pháp mới, trong đó đầu tư cho phát triển nghiên cứu y sinh học và sinh dược học – các lĩnh vực nghiên cứu “cơ bản” của y học mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ dừng lại ở các giải pháp đào tạo – phát triển công nghệ trong nước, chúng ta cũng cần đẩy nhanh, đẩy mạnh việc cử cán bộ đủ năng lực đi đào tạo và tiếp cận công nghệ y dược ở cấp độ sau đại học và chuyên sâu ở các quốc gia tiên tiến, để sớm nắm bắt, tiến đến làm chủ các công nghệ “lõi”, công nghệ “nguồn”, từ đó đưa về phát triển các lĩnh vực tương ứng ở trong nước. Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Ireland dựa trên công nghệ lõi, công nghệ số, công nghệ sinh học, với xuất phát điểm từ các chủ trương đúng đắn như chú trọng đầu tư vào giáo dục và đào tạo, phát triển đổi mới sáng tạo và xây dựng nền kinh tế số là một mô hình quốc tế hay mà chúng ta có thể học hỏi.

Một số mô hình tích hợp hệ thống đào tạo khoa học sức khỏe với hệ thống nghiên cứu – đổi mới – sáng tạo và hệ thống dịch vụ y tế, từ chẩn đoán, điều trị cho đến điều dưỡng, phục hồi chức năng sau điều trị và một lĩnh vực đặc thù của nhiều quốc gia phát triển là điều dưỡng – chăm sóc người cao tuổi ở các quốc gia có dân số già hoặc phục vụ cho phân khúc dân số lớn tuổi như ở Thụy Sĩ, Nhật Bản và gần đây là Hàn Quốc đã chứng minh tính hiệu quả về cả về mặt y dược học, y tế lẫn kinh tế. Việc tích hợp các lĩnh vực nêu trên cũng cho phép thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực kinh tế y tế, lồng ghép một cách hợp lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh với hoạt động du lịch, trải nghiệm tại rấ nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam, mà Thành phố Huế trực thuộc Trung ương là một địa chỉ như vậy.

Trong xu thế hiện nay, chuyển đổi số một cách đồng bộ và mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế sẽ giúp cải thiện nhiệm vụ quản lý thông tin, giúp cả hệ thống y tế và từng cơ sở y tế dễ dàng chia sẻ và ứng dụng các phát kiến mới cả trong công tác quản lý lẫn công tác chuyên môn. Từ góc độ đào tạo, việc bổ sung vào các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng – đào tạo liên tục trong khối ngành khoa học sức khỏe một chủ đề với khối lượng hợp lý về “Năng lực y tế số / sức khỏe số” (Digital Health Competencies) là rất cần thiết.

Trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương ban hành, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số ý kiến theo hướng đổi mới mạnh mẽ như sau:

  1. Tăng cường đầu tư cho đổi mới đào tạo và nghiên cứu khối ngành khoa học sức khỏe; xem xét việc kết hợp một số bệnh viện lớn với trường đại học để phát triển mạnh mô hình Trường – Viện (theo dạng đại học – bệnh viện đại học), kết hợp đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, việc này sẽ tạo ra lợi ích đa chiều cho tất cả các lĩnh vực liên quan.
  2. Hoàn thiện cơ chế hợp tác công – tư thật thông thoáng, để phát huy tính chủ động của các đơn vị công lập, và để khu vực tư nhân cùng đầu tư vào bệnh viện đại học, viện nghiên cứu trong trường đại học, đầu tư vào ươm tạo, thương mại hóa các dự án, sản phẩm, công nghệ y dược.
  3. Xây dựng cơ chế “đồng biên chế” cho giảng viên đại học khối ngành khoa học sức khỏe, đồng thời là bác sĩ, dược sĩ ở các bệnh viện, nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu y dược học … và thang bảng lương tương xứng với quá trình đào tạo, khung năng lực và trình độ của nhân lực khối ngành khoa học sức khỏe.

Bằng cách kết hợp giữa giáo dục chất lượng cao và nghiên cứu khoa học thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học khoa học sức khỏe không chỉ đào tạo nên những chuyên gia y tế giỏi mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hiệu quả của các khoản đầu tư quốc gia cho lĩnh vực đặc thù này.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email