Chính sách “Đóng cửa” và “Mở cửa” của các quốc gia Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX và kinh nghiệm cho Việt Nam

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường hiểu biết, hội nhập khu vực, tiến tới xây dựng cộng đồng ASEAN, thời gian gần đây, nhiều nhà khoa học đã đẩy mạnh nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, nhiều vấn đề của lịch sử Đông Nam Á đã và đang được đào sâu nghiên cứu hoặc được nhìn nhận lại một cách khách quan, khoa học, trong đó có quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với phương Tây. PGS.TS Đặng Văn Chương và các cộng sự tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã thực hiện đề tài: “Chính sách “Đóng cửa” và “Mở cửa” của các quốc gia Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX và kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ… đã từng bước xâm nhập, xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng quyền lực ở Đông Nam Á. Họ đã tiến hành các hoạt động ngoại giao, truyền giáo, kinh tế, phát triển thương mại, giáo dục… Những hoạt động này thường gắn với những yêu sách và đảm bảo quyền lợi của họ trên nhiều lĩnh vực ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình xâm nhập và xâm chiếm đó cũng mang lại cho các nước Đông Nam Á những nét mới về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục… Mặt khác quá trình đó cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các nước Đông Nam Á, nhất là vấn đề độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, hay vấn đề bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đứng trước sự “gõ cửa” và áp lực từ các cường quốc phương Tây, các nước Đông Nam Á đã có thái độ, phương thức ứng xử khác nhau xung quanh hai vấn đề mà buộc họ phải lựa chọn là “mở cửa” hay “đóng cửa” đất nước. Từ thực tiễn tiếp cận và nghiên cứu vấn đề “mở cửa” và “đóng cửa” của một số quốc gia Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng vấn đề này được thể hiện theo hai nhóm nước: nhóm nước theo khuynh hướng “mở cửa” gồm: Philippines, Malaysia, Thái Lan; nhóm nước theo khuynh hướng “đóng cửa” gồm: Việt Nam và các nước còn lại.

Các nội dung chính của đề tài gồm: Bối cảnh quốc tế tác động đến chính sách “đóng cửa” và “mở cửa” của các nước Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX.; Chính sách “đóng cửa” và “mở cửa” của Philippines và Malaysia từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX; Chính sách “mở cửa” và “đóng cửa” của Thái Lan và Việt Nam từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX; Đặc điểm hệ quả của chính sách “mở cửa” và “đóng cửa” ở Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX và kinh nghiêm cho Việt trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Đề tài này là rất mới về hướng nghiên cứu. Dựa trên cơ sở lý thuyết, nguồn tư liệu phong phú và phương pháp nghiên cứu phù hợp, các nhà khoa học đã chỉ ra mốc thới gian đóng cửa, mở cửa ở Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, đưa ra một số khái niệm để chỉ tính chất, mức độ của vấn đề đóng cửa và mở cửa. Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích, lý giải về chính sách, nêu lên các đặc điểm, hệ quả, nhận xét khoa học phù hợp với nội dung đề tài. Kết quả nghiên cứu đã được Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép và xuất bản 1000 bản sách. Công trình là tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên, học sinh, nhà nghiên cứu quan tâm về lịch sử đối ngoại các nước Đông Nam Á trong các thế kỷ XVIII, XIX. Kết quả của đề tài nghiên cứu đã được xây dựng thành chuyên đề giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Kết quả này có khả năng áp dụng cho tất cả các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Giải Pháp

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email