Chế độ ăn uống với bệnh nhân Đái tháo đường

Bệnh Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, sự điều trị nhằm đạt mục đích duy trì mức đường huyết ở mức chấp nhận được từ đó hạn chế thấp nhất những biến chứng của bệnh. Có 3 yếu tố quyết định mức đường huyết cho bệnh nhân đó là: Chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng thuốc điều trị.

Chế độ ăn cho bệnh nhân Đái tháo đường là một vấn đề đặc biệt quan trọng, luôn được bệnh nhân và người nhà quan tâm, một nguyên tắc cơ bản đó là: những loại thức ăn có thể làm đường huyết tăng cao, hoặc hàm lượng đường cao, hay nhiều tinh bột và chất béo thì nên hạn chế, những loại thức ăn này đều chuyển thành glucose rất nhanh hoặc không có lợi cho tim mạch của bệnh nhân Đái tháo đường.

4 Lời khuyên cho bệnh nhân đái tháo đường

1. Ăn đúng giờ, đúng lượng, hạn chế ăn vặt

Đúng giờ, đúng lượng là 1 ngày ăn đúng 3 bữa, lượng thức ăn bảo đảm vừa đủ, bảo đảm lượng thức ăn và thời gian ổn định

Trong điều kiện đường huyết được khống chế, có thể ăn thêm 1 số hoa quả, tuy nhiên cách ăn cũng không giống người bình thường khỏe mạnh, không nên ăn ngay lập tức sau bữa ăn mà đợi 2 tiếng sau ăn, lúc ăn nên phân nhỏ lượng trái cây và ăn nhiều lần, ví dụ như 1 quả táo nên phân thành 2-4 lần ăn, mỗi lần ăn 1 lượng nhỏ, không nên ăn hết 1 lần, mục đích là để hạn chế gây dao động nhiều đến đường huyết

2. Ưu tiên ăn khô hơn thức ăn loãng

Người bệnh Đái tháo đường được kiến nghị nên ăn đồ khô ví dụ như cơm, bánh bao… mà không nên ăn những đồ ăn lỏng như cháo, hồ, mì nước… nguyên nhân là do đồ ăn loãng do được nấu lâu hơn, dễ hấp thu hơn do đó dễ gây tăng đường huyết hơn, còn đồ ăn khô do hấp thu chậm hơn nên không gây dao động đường huyết bằng đồ ăn lỏng.

Bên cạnh đó, đồ ăn loãng hấp thu nhanh nên bệnh nhân sẽ nhanh đói, làm cho người bệnh có xu hướng ăn vặt thêm nhiều hơn

3. Ưu tiên ăn đồ cứng hơn đồ mềm

Nguyên lý tương tự như đồ ăn khô và đồ ăn loãng

4. Ưu tiên ăn rau trái “xanh” hơn ăn “ đỏ”

Thường những thực phẩm màu xanh thành phần chứa nhiều chất xơ và ít đường, còn thực phẩm có màu đỏ như cà chua, bí ngô có thể gây tăng đường huyết nhanh hơn.

Một số thức ăn phù hợp khi đang điều trị bằng thuốc hạ đường huyết

– Đối với bệnh nhân đang điều trị với metformin, đây là loại thuốc ưu việt được chọn điều trị đầu tay với bệnh nhân Đái tháo đường týp 2, tuy nhiên việc dùng metformin có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thu Vitamin B12, do đó đối với bệnh nhân đang dùng loại thuốc này, nên ăn thêm 1 số thực phẩm giàu B12 để bổ sung ví dụ như: các loại cá, hải sản, các loại rau củ quả xanh…

– Đối với bệnh nhân sử dụng acarbose, đây là loại thuốc làm giảm hấp thu tinh bột qua đó hạn chế một phần việc tăng đường huyết, do đó bệnh nhân đang sử dụng loại thuốc này nên bổ sung thêm thức ăn giàu Protein để bảo đảm dinh dưỡng

– Đối với bệnh nhân dùng insulin nên mang theo người vài viên kẹo để đề phòng hạ đường huyết

– Bất kể là bệnh nhân Đái tháo đường ở giai đoạn nào, các phản ứng có hại của bệnh đều có mối liên kết mật thiết với tình trạng Oxy hóa, do đó ăn các loại thức ăn có khả năng chống oxy hóa cao rất có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường

ThS.BS. Trần Hữu Thanh Tùng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email