Chăm sóc sức khỏe tuổi mãn kinh

Đến gần tuổi 50 người phụ nữ hầu như đã lo chu tất cho gia đình, và mọi người thường nói với nhau ” Chị ấy con cái lớn rồi, thành đạt và đã có gia đình, chị ấy khỏe rồi không còn phải lo lắng gì cả”. Đến lúc đáng ra phải hưởng được chút an nhàn sau bao năm vất vả vì gia đình, vì chồng con nhưng trớ trêu thay đúng vào thời điểm này người phụ nữ phải đối đầu với tuổi tác, tuổi xế chiều với bao rối loạn khó chịu của thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh và những tác hại lâu dài của nó trong suốt những năm còn lại của cuộc đời. Ngày xưa các bà, các mẹ chúng ta chấp nhận điều đó như một quy luật tự nhiên không thể thay đổi được, ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự can thiệp và giúp đỡ của y học trong thời kỳ mãn kinh là rất cần thiết. Điều đó giúp cho người phụ nữ trong độ tuổi này biết được những triệu chứng bất thường của cơ thể để có thể tự điều chỉnh được bản thân, ngăn ngừa và phát hiện sớm một số bệnh dễ xảy ra trong thời kỳ này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống .

 

Mãn kinh là gì? Đó là một giai đoạn sinh lý trong cuộc đời người phụ nữ. Tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng từ 48-50. Mãn kinh có thể tự nhiên hay do nhân tạo (sau phẩu thuật cắt tử cung, hai buồng trứng, sau tia xạ…). Nếu lúc bắt đầu kinh nguyệt là bước ngoặc đầu tiên thì không còn kinh nữa là bước ngoặc thứ hai trong cuộc đời người phụ nữ, chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ sinh sản. Mãn kinh không phải là một bệnh và cũng không phải là vấn đề mà chị em quá lo lắng. Một cách đơn giản mãn kinh là sự thay đổi sinh lý xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động và nồng độ nội tiết chủ yếu là Estrogen và Progesteron được sản xuất từ hai buồng trứng giảm đi.Quá trình tự nhiên này xảy ra từ từ trong vòng nhiều năm nên được gọi là giai đoạn quanh mãn kinh. Sự giảm sút các nội tiết tố nữ gây ra các triệu chứng cơ năng của tiền mãn kinh và mãn kinh.

Trong thời gian này kinh nguyệt có thể bất thường về cả thời gian giữa hai chu kỳ kinh và cả lượng máu mất. Chu kỳ kinh ngắn lại hoặc thưa ra, rong kinh rong huyết hoặc cường kinh. Tuy nhiên có một số trường hợp kinh nguyệt mất đột ngột và bước vào thời kỳ mãn kinh. Bất kỳ một rối loạn kinh nguyệt nào người phụ nữ cần khám phụ khoa để phân biệt với xuất huyết âm đạo bất thường do nguyên nhân thực thể hoặc ác tính.

Những rốí loạn vận mạch đặc trưng của thời kỳ tiền mãn kinh là bốc hỏa kèm theo vã mồ hôi, bực bội, cáu gắt, trầm cảm, đau đầu. Cơn bốc hỏa được mô tả là cảm giác nóng ấm thường bắt đầu từ ngực lan lên cổ, đầu rồi toàn thân kèm theo vã mồ hôi, hồi hộp lo lắng đôi khi ớn lạnh sau đó. Cảm giác này có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút. Cơn bốc hỏa thường xảy ra vào giai đoạn quanh mãn kinh, có thể xảy ra nhiều hay ít, mạnh hay yếu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. So với mãn kinh tự nhiên phụ nữ mãn kinh do phẫu thuật có các triệu chứng vận mạch nhiều hơn.

Các triệu chứng thay đổi tâm lý như cáu gắt, mất ngủ, thay đổi tính tình, lo lắng, hay quên…cũng thường gặp. Đôi khi có một số phụ nữ biểu hiện trạng thái trầm cảm. Đa số phụ nữ có những biểu hiện rối loạn tâm lý như cảm thấy già đi, mất tuổi xuân, hết kinh nguyệt cộng thêm các thay đổi trong xã hội như sắp về hưu, thay đổi trong gia đình như con cái lớn lên ra ở riêng, bản thân ít được quan tâm…

Bên cạnh những rối loạn về tâm lý, rối loạn về hệ tiết niệu sinh dục cũng rất quan trọng. Niêm mạc âm đạo và tiết niệu teo mỏng khô, điều này dễ gây viêm âm đạo, dễ tổn thương khi va chạm. Trong quan hệ tình dục với chồng trong độ tuổi này người phụ nữ cảm thấy khó khăn, đau, giảm ham muốn không còn có sự hòa hợp như thời còn trẻ. Lâu dài có thể dẫn đến tiểu không tự chủ, dễ són tiểu. Cơ thể không còn rắn chắc như trước nữa, đau nhức xương khớp, vòng eo nhỏ nhắn năm nào được thay bằng vòng bụng khá đồ sộ. Hạnh phúc gia đình đôi khi khó giữ được như khi thời trẻ.

Có lẽ hậu quả lâu dài nghiêm trọng nhất của mãn kinh là bệnh loãng xương. Đó là tình trạng đặc trưng bởi sự mất xương một cách đáng kể. Phụ nữ mất xương nhanh hơn nam giới, với tốc độ mất 2-3% khối lượng xương mỗi năm sau mãn kinh, làm cho cấu trúc xương thưa thớt, xương xốp giòn dễ gãy dù một va chạm rất nhỏ. Sự mất xương diễn tiến một cách âm thầm, nặng dần đôi khi không có triệu chứng hoặc đau lưng, đau xương khớp thoáng qua cho đến khi xảy ra gãy xương. Tỷ lệ gãy xương gia tăng nhất là xương cột sống, xương cổ tay, cổ xương đùi. Nếu không có biện pháp phòng và trị liệu thì nguy cơ gãy xương của phụ nữ có thể lên đến 50% ở độ tuổi 70.

Nguy cơ bệnh tim mạch cũng tăng lên khi người phụ nữ có tuổi. Trước khi mãn kinh tỷ lệ xơ vữa động mạch ở phụ nữ rất thấp. Càng sau mãn kinh tần suất bệnh tim mạch của phụ nữ cao xấp xỉ gần bằng nam giới.

Làm thế nào để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc cho lứa tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh? Người phụ nữ mãn kinh cần gì?

* Cần đưc cung cấp những thông tin đầy đủ về tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh

* Cần khám sức khỏe định kỳ hằng năm để sớm phát hiện các rối loạn và bệnh lý để điều trị

* Khi có triệu chứng rối loạn mãn kinh cần được tư vấn, điều trị an toàn hiệu quả.

* Sử dụng Estrogen tại chỗ nếu có triệu chứng rối loạn niệu dục

* Liệu pháp hormon thay thế đối với đối tượng mãn kinh nguy cơ cao theo chỉ định của bác sĩ.

* Duy trì lối sống lành mạnh của người cao tuổi :

+ Giữ cho tinh thần thanh thản, vui tươi, và cảm thấy sống có ích, tránh mọi stress.

+ Tăng cường các hoạt động xã hội, giao lưu với bạn bè, hoạt động thể lực trí óc vừa sức.

+ Thường xuyên tập thể dục rèn luyện, tốt nhất là đi bộ, tránh ngồi lâu tĩnh tại một tư thế hay ít vận động.

* Dinh dưỡng đúng khoa học:

+ Ăn nhiều rau xanh, trái cây

+ Ăn ít chất bột, ít gia vị, không ăn mỡ và da động vật kể cả lòng heo bò vì chứa nhiều cholesteron

+ Ăn nhiều thức ăn nhiều canxi như tôm, cua, nghêu, sò…

+ Uống nhiều sữa ít chất béo giàu canxi

+ Ăn nhẹ vào buổi tối, tránh hiện tượng béo phì

+ Không uống rượu, không hút thuốc

* Tránh dùng corticoides kéo dài vì nguy cơ loãng xương.

ThS. Tôn Nữ Minh Quang

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email