Biện pháp giúp người dân chủ động chăm sóc cho tôm, cá trong mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng làm cho môi trường nuôi trồng thủy sản thay đổi đột ngột khiến cho tôm, cá sinh trưởng, phát triển chậm, khả năng miễn dịch suy giảm. Các loại khí độc phát sinh trong ao nuôi tạo điều kiện cho một số loại dịch bệnh phát sinh và lây lan. Để chủ động phòng ngừa và giảm thiểu các thiệt hại do nắng nóng gây ra, người nuôi trồng thủy sản cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và tạo môi trường ao nuôi thuận lợi để cho cá, tôm phát triển.

Thời gian tới, nắng nóng được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả nuôi trồng thủy sản của người dân sẽ rất cao. Người nuôi thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp cụ thể như sau:

1. Về ao nuôi:

– Chọn địa điểm nuôi thích hợp, có nguồn nước không bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải sinh hoạt và nhà máy công nghiệp, có các yếu tố điều kiện môi trường thuận lợi.

– Ao nuôi phải được cải tạo, xử lý triệt để trước mỗi vụ nuôi, lớp bùn đáy không nên để quá dày.

– Giữ chất lượng nước ao tốt và giảm làm cá bị sốc do môi trường như: hàm lượng oxy thấp, nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp, sự tích tụ các chất thải, độ mặn, pH thay đổi,…

2. Về giống nuôi:

– Cần phải chọn con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch chuẩn xác bởi các cơ quan chức năng.

– Thả nuôi với mật độ hợp lý, tuân thủ lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm, từng vụ cho từng địa phương, vùng nuôi.

– Cần loại bỏ những con giống yếu, kém chất lượng, giống bị bệnh ra khỏi ao nuôi.

3. Quản lý thức ăn:

– Nên sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng đối tượng nuôi; không nên sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối, ẩm mốc hoặc đã hết hạn sử dụng.

– Cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Xác định chính xác khẩu phần thức ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa và thức ăn bị phân giải ngoài môi trường nước ao.

– Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ thức ăn thừa trong ao nuôi và khử trùng dụng cụ, địa điểm cho ăn.

– Thường xuyên bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho tôm, cá. Đặc biệt chú ý bổ sung vitamin C trong khẩu phần ăn hàng ngày theo khuyến cáo của nhà kỹ thuật và nhà sản xuất cho từng đối tượng nuôi.

4. Quản lý các yếu tố môi trường nuôi:

– Độ sâu: luôn luôn đảm bảo mực nước ao nuôi theo yêu cầu của từng đối tượng nuôi, đặc biệt trong mùa nắng nóng mực nước càng sâu môi trường sống càng ổn định. Mực nước lý tưởng nhất là 1,5 m.

– Màu nước: luôn duy trì màu nước có màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non.

– Độ trong: độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, và một số chỉ số môi trường khác biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao. Ngược lại, khi độ trong cao, hàm lượng ôxy thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và ôxy về ban đêm, gây sốc cho tôm, cá. Độ trong nước ao nuôi nên duy trì từ 40 – 60 cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi duy trì độ trong từ 35 – 45 cm.

– Độ mặn: trong ao nuôi, sau các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn có sự phân tầng, do vậy cần thiết phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ để giảm độ mặn trong các ao nuôi thủy sản vào mùa khô, mùa có độ mặn cao.

– pH: duy trì pH nước trong khoảng 7,5 – 8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO3), vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) với tỷ lệ từ 150 – 300 kg/ha. Ngay sau khi trời mưa to, cần bón vôi xuống ao, rắc vôi dọc theo quanh bờ ao nuôi.

– Độ kiềm: sau khi điều chỉnh pH, cần duy trì độ kiềm từ 80 – 120 mg/l. Để duy trì độ kiềm ta dùng các biện pháp sau:

+ Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh trong các ao nuôi thâm canh, chu kỳ nuôi dài để giảm hàm lượng nitơ dư thừa trong nước ao.

+ Ổn định pH nước ao trong giới hạn 7,5 – 8,5 (nước mặn) để kìm hãm sự chuyển đổi giữa các dạng khác nhau của nitơ.

+ Khi cần thiết và điều kiện cho phép, cần thay nhanh nước ao bằng nguồn nước mới để giảm khẩn cấp hàm lượng NH3 trong ao nuôi.

Ngoài việc thay nước định kỳ, có thể tiến hành thay nước cho ao dựa theo bảng Quan trắc môi trường do Chi cục Thủy sản tỉnh ban hành và khuyến cáo. Khi phát hiện tôm, cá chết hàng loạt cần phải báo ngay đến cơ quan chức năng và triển khai các biện pháp dập dịch theo quy định.

Hồ Thành

Kiểm tra lại

Kinh nghiệm chụp ảnh du lịch ngược sáng

Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn có được những bức ảnh đẹp dù …