Sau gần 4 năm triển khai, với tổng mức đầu tư hơn 2 triệu USD, Dự án Hành lang xanh ngoài việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển bền vững tính đa dạng sinh học của khu vực Hành lang xanh, còn giúp người dân vùng đệm nâng cao đời sống trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các phương thức bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng.
Dự án thiết lập một vành đai bảo vệ toàn bộ khu vực rừng nguyên sinh với diện tích khoảng 134.000 ha nối các khu rừng nằm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Vườn Quốc Gia Bạch Mã (thuộc tỉnh Thừa Thiên -Huế), các khu rừng ở tỉnh Quảng Nam và một số khu rừng cao nguyên tiếp giáp với Khu bảo tồn Sinh học Xe Sap của Lào. Hành lang xanh là một trong những khu rừng ẩm thường xanh, vùng thấp cuối cùng còn lại ở Việt Nam, có giá trị đa dạng sinh học cao, hiện đang là nơi cư ngụ của trên 60 nhóm động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ còn ở Việt Nam như: sao la, voọc ngũ sắc, trĩ sao, gà lôi lam màu trắng… Ông Chiris Dickinson, Cố vấn Dự án cho biết: đến nay, về hệ thực vật đã xác định có 891 loài, thuộc 490 chi của 131 họ thực vật bậc cao có mạch, trong số này có 67 loài đặc hữu địa phương, đặc hữu và gần đặc hữu, 15 loài có thể là mới cho khoa học.
Dựa trên kết quả nghiên cứu ở các vùng khác có các điều kiện tương tự có thể dự đoán tổng số loài thực vật bậc cao có mạch ở vùng nghiên cứu của Dự án Hành lang xanh sau khi kiểm kê đầy đủ sẽ lên đến 1.700- 2.000 loài. Về hệ động vật, đã xác định được 52 loài thú thuộc 21 họ, 7 bộ; có 91 loài ếch nhái và bò sát; 150 loài chim thuộc 32 họ, 12 bộ, trong đó có 7 loài phân bố hẹp, 4 loài bị đe dọa trên qui mô toàn cầu được ghi trong sách đỏ của thế giới và 6 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam… Đặc biệt, các nghiên cứu đã xác định được 15 loài bò sát lưỡng cư, 6 loài chim và nhiều quần thể linh trưởng quan trọng bị đe dọa tuyệt chủng nhất của thế giới như: Voọc chà vá chân nâu, Vượn đen má trắng… Mới đây, các nhà nghiên cứu vừa công bố phát hiện 11 loài động thực vật mới thuộc loại độc nhất ở các khu rừng nhiệt đới thuộc dãy Trường Sơn của Việt Nam: 2 loài bướm, một loài rắn, 5 loài phong lan và 3 loài thực vật.
Dự án Hành lang xanh còn có các hoạt động cộng đồng như mở lớp tập huấn, chương trình giáo dục môi trường nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn tính đa dạng hệ sinh thái, tạo thu nhập theo định hướng phát triển môi trường bền vững… Đến nay, Dự án đã giúp các xã vùng đệm như Thượng Quảng (huyện Nam Đông), Hồng Hạ, A Roàng (huyện A Lưới), Dương Hoà (huyện Hương Thuỷ) trồng mới, phục hồi, khoanh nuôi và bảo vệ hơn 143 ha rừng suy thoái, lai tạo 20 giống loài cây bản địa và một số loài cây thuốc Nam khác; mở hơn 30 lớp tập huấn với nhiều chuyên đề khác nhau cho hơn 1.500 người dân bản địa.
Dự án còn triển khai công tác khuyến nông đến từng hộ gia đình, giúp người dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện đã có hơn 120 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số là người dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu sống trong vùng đệm nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên thông qua nguồn vốn của dự án 661, góp phần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình…/.
Haichau (theo wwf)