Áp dụng quy trình chăn nuôi sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản xuất

Tác giả: Đạt Nguyên

Đó là nội dung Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp Hội Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 18/10 tại thành phố Huế.

Hội thảo nhằm giúp chuyển giao các tiến bộ trong quy trình chăn nuôi sinh học và tuần hoàn đến các hộ gia đình và trang trại chăn nuôi nhỏ để nâng cao hiệu quả sản xuất với sự tham dự của các đại biểu là đại diện của Hội Chăn nuôi Việt Nam Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Chăn nuôi tỉnh, Viện Sinh kế cộng đồng, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế; các doanh nghiệp, hợp tác xã về chăn nuôi, thú y và các đơn vị báo chí, truyền thông trung ương và địa phương.

Hội thảo dưới sự đồng chủ trì của TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam và TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Thừa Thiên Huế.

Phát biểu đề dẫn, TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết “Chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn ở Việt Nam cần phải phát triển theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, đòi hỏi phải có nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn phù hợp, hiệu quả”.

TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin thêm: “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045”. Từ cơ chế, chính sách đã tạo điều kiện cho công tác chăn nuôi, chất lượng giống vật nuôi đã được cải thiện đáng kể. Công nghệ sinh học được ứng dụng tại 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Công nghệ chăn nuôi áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế: Global Gap, ISO 9001, trang trại chăn nuôi hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu”.

Tại Hội thảo đã có 8 tham luận của các nhà quản lý, khoa học xoay quanh nội dung này. Về phía địa phương, TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi Cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chủ tịch Hội chăn nuôi – Thú y tỉnh chia sẻ “Hiện nay trên địa bàn Thừa Thiên Huế có khoảng trên 30 mô hình ứng dụng công nghệ cao liên doanh, liên kết với các công ty. 100% cơ sở chăn nuôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự phối trộn. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 45% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh”.

ThS. Trần Như Đăng Tuyên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tham luận tại Hội thảo

Tham luận của các đại biểu đã chỉ ra những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, đó là, cần phải coi phát triển phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn là hướng đi tất yếu, mang tính chiến lược trong chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng hướng tới phát triển nền nông nghiệp an toàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Vì vậy, phải xây dựng khung pháp lý cũng như cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn. Ban hành và thực hiện khung pháp lý, cơ chế chính sách và những quy định cụ thể, đồng bộ. Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn gắn với phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu phương thức sử dụng, tận dụng cũng như quy trình tái sử dụng, tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất. Tận dụng cơ hội, thời cơ của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 vào phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn.

Đại biểu chụp hình lưu niệm

Ngoài ra, đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp các ý kiến, thảo luận những vấn đề về cơ chế chính sách, những vướng mắc đang gặp phải, đề xuất giải pháp để hạn chế và khắc phục tồn tại để chăn nuôi trang trại nhỏ, hộ gia đình có thể cạnh tranh về giá thành,chất lượng sản phẩm trên thị trường./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email