Tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại Thừa Thiên Huế đang rất phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng lên hàng ngày. Ngày 13/11/2021 theo số liệu công bố của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh, toàn tỉnh đã có 75 ca mắc mới, trong đó có 65 ca cộng đồng và phân bố gần như khắp các địa bàn của thành phố Huế cũng như các huyện thị.
Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh đã liên tục ra các văn bản, các quy định, các hướng dẫn để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định, việc tuân thủ các hướng dẫn, sự tự giác của người dân…đã được giám sát chặt chẽ chưa? Các quy trình thực hiện kiểm soát dịch bệnh như truy vết, cách ly, xét nghiệm, thông báo…đã hợp lý chưa? Về góc độ chuyên môn, có một số bất cập về việc tổ chức truy vết, xét nghiệm mà tôi muốn nếu ra, cụ thể là:
1. Xác định ca mắc mới và địa bàn cần giám sát.
Theo quy định của ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, từ đó nhiều khái niệm về người nhiễm, nguồn lây…song hành với các biện pháp kiểm soát từ tháng 3/2020 đến nay như sau:
Cứ có ca F0 lập tức sẽ có danh sách các F1, cần cách ly tập trung, hay cách ly y tế tại nhà (một số địa phương), có các địa bàn cần phong toả, kiểm soát; sau đó sẽ có danh sách các F2, cần giám sát y tế tại nhà, theo dõi sức khoẻ tại nhà…thời gian cũng đã thay đổi nhiều từ cách ly tập trung 21 ngày, 14 ngày, hiện nay có nơi áp dụng 7 ngày…, giám sát y tế tại nơi lưu trú 7 ngày, kèm theo số lần xét nghiệm…có kết quả âm tính…Nhiều bất cập đã và đang xảy ra trên mọi địa phương, tạo nên nhiều hệ luỵ như trốn cách ly, khai báo không trung thực, cực kỳ khó khăn trong truy vết, phong toả diện rộng, hạn chế đi lại, lưu thông, cần giấy xét nghiệm…
Tất cả những vấn đề này có khó giải quyết không? Làm thế nào để thích ứng an toàn, sống chung với dịch bệnh, nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh nói chung của người dân, có như vậy mới có cơ may kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 được.
– Khi có ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát) hoặc ca F0 (Ca bệnh xác định): cần kiểm soát ngay, không di chuyển, hoặc di chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo 5K với người này. Đồng thời nhanh chóng truy vết (tuy nhiên kết quả có thể bị hạn chế vì thời gian 2-3 ngày hoặc dài hơn trước đó người ta không thể nhớ đầy đủ và cụ thể được. Cho xét nghiệm khẳng định và công bố kết quả chẩn đoán sớm nhất có thể.
– Tiếp theo phải thực hiện đánh giá nguy cơ ngay với những người tiếp xúc và khu vực để có các biện pháp hợp lý sớm nhất. Tránh phong toả rộng không cần thiết, nhưng không được bỏ sót, tránh xét nghiệm quá rộng rãi làm lãng phí và tăng nguy cơ lây nhiễm… Thực tế các ca nhiễm trong cộng đồng và các ca nhiễm đến các cơ sở khám chữa bệnh đều được phát hiện qua phân luồng, sàng lọc, cách ly hoặc khu phong toả khi có yếu tố dịch tễ hay triệu chứng lâm sàng liên quan đến nhiễm trùng hô hấp…Vì vậy, nguy cơ tạo ra các F1, F2…như quy định cũ là rất lớn, tạo áp lực cho cả người dân và cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung và điều trị F0. Vì vậy, nên chăng hãy thực hiện việc kiểm soát dịch tễ bằng phương án tương tự như hướng dẫn của Bộ Y tế đối với nhân viên y tế tại Quyết định 4158/2021/QĐ-BYT? Theo tôi, các ca nhiễm cộng đồng hay các F0 có liên quan khi xác định nguy cơ lây nhiễm cần đánh giá cụ thể cho một cụm dân cư, một đơn vị, một lớp học, một phòng làm việc…Cụ thể, có thể xếp làm 4 nhóm:
+ Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao: tiếp xúc người nhiễm khi cả 2 không đeo khẩu trang, tiếp xúc gần (<2m), có bắt tay hay va chạm, không vệ sinh tay, thời gian tiếp xúc dài >15 phút. Nhóm này cần phải cách ly tập trung và thực hiện việc kiểm tra y tế, xét nghiệm như quy định. Nếu những người của nhóm này đã tiêm đủ liều vacxin COVID-19 thì giảm xuống mức nguy cơ trung bình. (trừ những người có bệnh nền nặng).
+ Nhóm có nguy cơ lây nhiễm trung bình: tiếp xúc gần (<2m) khi 1 trong 2 không đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc ngắn <15 phút, không có bắt tay hoặc va chạm. Nhóm này chỉ cần giám sát y tế tại nhà 1 tuần, xét nghiệm lần 1 bằng test nhanh và lần 2 bằng PCR vào ngày thứ 7 kể từ sau khi tiếp xúc ca nhiễm. Nếu những người của nhóm này đã tiêm đủ liều vacxin COVID-19 thì giảm xuống mức nguy cơ thấp và xử lý như nhóm nguy cơ này.
+ Nhóm có nguy cơ lây nhiễm thấp: không tiếp xúc hoặc khoảng cách tiếp xúc trên 2m, cả hai đều có khẩu trang, thời gian tiếp xúc ngắn <10 phút, không có bắt tay hoặc va chạm. Nhóm này nếu đã tiêm đủ liều vacxin COVID-19 hay ít nhất đã tiêm 1 mũi vacxin trên 14 ngày chỉ cần có xét nghiệm PCR âm tính thì chỉ cần theo dõi sức khoẻ 1-2 ngày là đủ.
+ Nhóm không có nguy cơ lây nhiễm: khoảng cách tiếp xúc trên 2m, cả hai đều có khẩu trang, thời gian tiếp xúc ngắn <10 phút, không có bắt tay hoặc va chạm. Nếu những người của nhóm này đã tiêm đủ liều vacxin COVID-19 hay ít nhất đã tiêm 1 mũi vacxin trên 14 ngày thì hoàn toàn bình thường, không có nguy cơ lây nhiễm.
2. Những việc phải làm đúng
– Việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với nhóm nguy cơ lây nhiễm trung bình cần được thực hiện tại nơi giám sát y tế (tại nhà, nơi lưu trú), không để họ di chuyển hoặc tập trung lấy mẫu tại Trạm y tế phường, xã (hiện nay đang làm với các F2, F3 của các địa bàn). Việc tập trung như vậy làm thay đổi hoàn toàn yếu tố dịch tễ và tăng nguy cơ lây nhiễm rộng cho cộng đồng.
– Giám sát quá trình và điều kiện với nhóm cách ly tại nhà, nơi lưu trú, cần lưu ý chấp hành cách ly đúng theo quy định, tốt nhất cách ly ở phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người bệnh được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng như khuyến cáo của Bộ Y tế (Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các thành viên trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác. Tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; Hằng ngày, thông báo cho các bộ y tế phường, xã, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân; Báo ngay cho các bộ y tế phường, xã, thị trấn được phân công theo dõi khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở; Những người cách ly không được tự ý ra khỏi nhà, nơi lưu trú. Người cách lý phải thu gom khẩu trang, khăn giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng, bỏ vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly; Người đang giám sát y tế tại nhà không ăn cùng với người khác trong gia đình, nơi lưu trú…).
Nhiều hướng dẫn, quy định trước đây trong một thời gian dài đã phát huy hiệu quả khá tốt khi số ca mắc ít, số ca mắc cộng đồng thấp, dịch bệnh chỉ khu trú ở một số ít địa phương hay địa bàn, còn khả năng cách ly tập trung hay đủ năng lực thu dung ca bệnh…Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca cộng đồng nhiều, số ca nặng và tử vong nhiều, đặc biệt khi thông điệp 5K được người dân tự giác chấp hành ở tỷ lệ cao, mức độ bao phủ tiêm chủng vacxin COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao vượt quá 60-70%, thậm chí người trẻ từ 12-17 tuổi cũng đã được tiêm chủng vacxin… thì những quy định cũ bộc lộ nhiều bất cập, có thể không còn phù hợp với thực tế diễn biến bệnh dịch, chúng ta cần mạnh dạn thay đổi và tuân thủ hợp lý, nếu không việc kiểm soát có khi không hiệu quả.
Cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 28/8/2021, Bộ Y tế đã ra một quyết định cực kỳ quan trọng đối với các cơ sở khám chữa bệnh, đó là Quyết định 4158/2021/QĐ-BYT về ban hành “Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-COV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Đây là căn cứ quan trọng yêu cầu cơ sở KBCB xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 theo từng khu vực, từng đối tượng và chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm để quản lý, cách ly kịp thời nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Sau hơn 2 tháng thực hiện, hướng dẫn này đã phát huy tác dụng để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và duy trì nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch nói riêng và công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung.
Trước tình hình bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều biến chủng có khả năng lây nhiễm cao, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 nhập viện ngày càng tăng khiến nhiều bệnh viện và đặc biệt các khu cách ly tập trung trở nên quá tải, nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm trong cộng đồng với SARS-CoV-2 có thể ngày càng cao. Cần thực hiện linh hoạt quá trình đánh giá nguy cơ cho cá nhân trong cộng đồng thì mới có thể sống chung an toàn với COVID-19 để duy trì bình thường mới mọi hoạt động kinh tế xã hội.
1. Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2020 Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Quyết định 4158/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-COV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/07/2021 Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19.