Cơ chế phục hồi vận động bằng xoa bóp – vận động hay điện châm được dựa trên cơ sở sự hình thành một cung phản xạ

Hệ thần kinh điều khiển toàn bộ cơ thể thông qua một quá trình đặc biệt đó là phản xạ; Theo Paplop và Xetchenop quan niệm: Phản xạ là sự đáp ứng của cơ thể đối với mọi kích thích bằng con đường thần kinh. Nhờ có hoạt động phản xạ, cơ thể mới tiến hành sự điều tiết nội bộ, thích ứng với mọi hoàn cảnh. Các phương pháp phục hồi chức năng bệnh nhân di chứng nhồi máu bằng vật lý trị liệu, xoa bóp hoặc điện châm…được giải thích trên cơ sở khoa học của sinh lý học bằng sự hình thành một cung phản xạ.

 

Một cung phản xạ gồm 5 bộ phận:

1- Bộ phận nhận cảm là các cơ quan cảm thụ nằm ở da, bề mặt khớp, thành mạch, bề mặt các tạng, các cơ quan trong cơ thể.

2- Đường thần kinh truyền vào: Dây thần kinh cảm giác.

3- Khu trung ương thần kinh: Tuỷ sống và não.

4- Đường thần kinh truyền ra: Dây thần kinh vận động.

5- Bộ phận đáp ứng: Cơ vân, khớp

Xoa bóp hoặc điện châm là một loại kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào các cơ quan cảm thụ ở da, cơ, khớp… Luồng xung động của kích thích được truyền tới tuỷ sống lên não xuống nơron vận động a của sừng trước tuỷ sống, xung động chuyển tới cơ quan đáp ứng hình thành một cung phản xạ.

Một số công trình nghiên cứu phục hồi chức năng hệ vận động của các tác giả khác đã chứng minh rằng:

Các nghiên cứu của Dương Xuân Đạm, Nguyễn Văn Triệu, Putman K và cộng sự nhận thấy: TBMMN có thể gây nên nhiều biến chứng như loét điểm tỳ, bán trật khớp vai, chấn thương do ngã…dẫn tới tàn tật thứ phát mà phục hồi chức năng có khả năng phòng ngừa. Nhiều nghiên cứu gần đây chứng minh việc ứng dụng sớm phục hồi chức năng đối với TBMMN đạt được hiệu quả càng cao

Nghiên cứu của Vũ Thường Sơn cho thấy: Phần lớn bệnh nhân di chứng nhồi máu não, liệt vận động đến điều trị bàng điện mãng châm trong thời gian ba tháng đầu có tiến triển tốt hơn những bệnh nhân đến sau, thời gian đến càng chậm thì kết quả phục hồi càng chậm. Phục hồi vận động trong thời gian đầu, sự cải thiện ở những nhóm cơ lớn sớm hơn sự cải thiện vận động ở nhóm cơ nhỏ chi phối động tác tinh tế. Cũng trong nghiên cứu này Tác giả đã cho biết về kết quả nghiên cứu của Dartugues.JF nghiên cứu 128 bệnh nhân thiếu máu não cục bộ động mạch Sylviens: Những chỉ tiêu Orgogozo biến đổi trong 1 tháng đầu là 61%, sau 6 tháng chỉ có 25%.

Tác giả Thorngen M., Westling B: Nghiên cứu phục hồi 258 bệnh nhân bị TBMMN cho rằng kết quả thu được phần lớn trong 3- 4 tháng đầu thì 80% bệnh nhân có thể đi lại được.

Dam M., Tonin.P. Cason S Phục hồi vận động cho 51 bệnh nhân TBMMN, liệu trình được tiến hành trong 2 năm, thì chỉ có 7,4% bệnh nhân có khả năng đi không cần sự trợ giúp.

Wade. DT, Wood. VA thu được kết quả phục hồi vận động cho 153 bệnh nhân TBMMN nhận thấy: sau 3 tháng, 60 bệnh nhân có khả năng đi lại được bình thường, 78 bệnh nhân có khả năng đi chậm, 15 bệnh nhân không có khả năng đi được, phải cần sự trợ giúp trung bình và hoàn toàn.

Trần Văn Chương và Tôn Chi Nhân nhận thấy: Phần lớn nếu phục hồi muộn, khi đã có sai khớp vai, các cơ bị giãn và teo nên việc phục hồi khó khăn và phải lâu dài, cần phải có chương trình tập luyện có trợ giúp của gia đình người bệnh phối hợp với phục hồi chức năng tại cộng đồng, sẽ gây tốn kém nhiều về mặt chi phí y tế cho gia đình và xã hội.

Nhiều tác giả trong và ngoài nước đều cho rằng: phục hồi chức năng vận động sớm cho những bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp sẽ đạt được hiệu quả điều trị tối đa, nhằm phòng ngừa được các thương tật thứ phát, phòng chống được các biến dạng như teo cơ và cứng khớp (nếu bệnh nhân phục hồi muộn).

Qua so sánh nghiên cứu của tôi với các tác giả khác, tôi nhận thấy: bệnh nhân bị di chứng liệt vận động sau giai đoạn cấp được phục hồi sớm thì kết quả sẽ tốt hơn phục hồi muộn, góp phần vào việc giúp bệnh nhân nhồi máu não sớm hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, điều này phù hợp với nguyên tắc phục hồi chức năng.

TS.Vương Thị Kim Chi

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email