Hãy cảnh giác với các loại ký sinh trùng gây bệnh cho người

Ký sinh trùng là một loại sinh vật sống ký sinh. Để tồn tại mỗi loại ký sinh trùng thường ký sinh ở một ký chủ đặc hiệu để tồn tại, phát triển và gây bệnh cho ký chủ (chủ yếu là người) khi có những điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn loại giun đũa người (Ascaris lumbricoides) chỉ ký sinh ở người và gây bệnh cho người. Giun đũa chó (Toxocara caniss) ký sinh ở chó và gây bệnh cho chó như: ngứa, viêm da, rụng lông kéo dài hàng tháng, hàng năm… con người không để ý mặc dầu mọi người rất yêu quí những loại vật nuôi này.

 

Nói chung các loại ký sinh trùng khi ký sinh ở vật chủ thích hợp có thể tồn tại cùng với vật chủ không gây nên triệu chứng bệnh lý và được gọi là “người lành mang ký sinh trùng lạnh”. Khi cơ thể vật chủ có sự thay đổi như: Yếu tố cơ địa, giảm sức đề kháng, chế độ ăn uống không phù hợp, thay đổi chế độ ăn… lúc này ký sinh trùng sẽ có cơ hội gây bệnh cho vật chủ và để lại những biến chứng nguy hiểm cho con người nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng thuốc đặc hiệu.

* Một số loại ký sinh trùng ở động vật như:

– Giun đũa chó (Toxocacara – canis); sán lá phổi (Paragoninmus); Ký sinh trùng ghẻ chó sang người (Demodex) các loại ký sinh này thường ký sinh ở các loại động vật và một số loài sinh vật như: Chó, mèo và các loài giáp xác tôm cua…

Khi có điều kiện thuận lợi các loại ký sinh trùng xâm nhập vào người và ký sinh ở người gọi là “Hiện tượng lạc chủ”. Nhưng các loại ký sinh trùng này không phát triển thành một vòng đời hoàn chỉnh mà thường dừng lại ở các vị trí thích hợp để tồn tại chẳng hạn:

Ấu trùng giun đũa chó: Khi vào người theo đường máu và dừng lại ở ngoài da chủ yếu ở các chi tạo thành những nốt viêm bờ rõ bên trong các tế bào bị thoái hoá và nếu sinh thiết, XN có rất nhiều bạch cầu Limpho và đôi khi dừng lại ở não, ở gan tạo thành những kén (Kiste) ở đó gây những triệu chứng cho người bệnh và những trường hợp bệnh lý này chúng ta có thể nhầm lẫn với những triệu chứng các bệnh cảnh khác như: ung thư não, ung thư gan…

Loại ghẻ chó (Demodex) loại ghẻ này thường ký sinh ở chó nhưng khi lạc chủ sang người nó thường ký sinh ở những nơi thích hợp như ở lông mi mắt, lông mu ở bộ phận sinh dục thường gặp lứa tuổi trẻ ở nữ giới (đối tượng này có thể thường gần gũi với các vật nuôi trong gia đình, ít gặp ở nam giới và chúng tôi chưa gặp trường hợp nào ở trẻ em).

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số trường hợp ký sinh trùng gây bệnh cho người thường gặp ở cộng đồng đã được điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học y Dược Huế.

Phát hiện và cứu sống bệnh nhân bị bệnh ấu trùng giun đũa chó gây u não.

Khác với hôm mới vào Bệnh viện, bệnh nhân Đỗ Quốc T. 19 tuổi, bây giờ đã trở thành một chàng trai khoẻ mạnh. Giọng Bắc Ninh nhẹ nhàng, cậu xởi lởi: “Trước khi vào Huế, em cứ tưởng mình bị ung thư, coi như đã đeo cái án tử hình rồi. Vậy mà không ngờ em không những không bị bệnh hiểm nghèo, mà còn được chữa khỏi hẳn bệnh nữa. ”.

Quê ở Ninh Xá – Bắc Ninh, nhập viện trong tình trạng thường xuyên bị nhức đầu, giảm trí nhớ, hai mắt đều bị mờ, song thị, mi mắt bên trái bị sụp, liệt nhẹ 1/2 người phải. Trước đó bệnh nhân đã đến khám một số cơ sở y tế ở Hà Nội, kết quả cho thấy: có khối u kích thước 30,2×20,4mm, khối u choán chỗ vùng hạ đồi và não thất bên phía trái (không xác định được bản chất) chèn ép trung não, gây não úng thuỷ. Nghi bị ung thư nên bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Gamma – bệnh viện Trường ĐHYD Huế để điều trị.

Tại trung tâm Gamma Huế, sau hội chẩn, BN được điều trị theo hướng nhiễm KST lạc sang người theo phương pháp nội khoa.

Sau 3 đợt điều trị bệnh đã được cải thiện tốt. Điều quan trọng là bệnh nhân đã sinh hoạt, học tập trở lại bình thường. Đây là trường hợp bệnh lý KST rất hiếm gặp ở người. Bởi vì giun đũa chó thường ký sinh ở chó là chủ yếu. Trong trường hợp KST ở chó lạc sang người ấu trùng (trứng) chủ yếu xâm nhập theo đường tiêu hoá như thức ăn, nước uống sau đó xuống ruột xuyên qua thành ruột theo đường máu đến cư ngụ ở gan gây những u (Kite) ở gan. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bằng thuốc đặc hiệu KST sẽ dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

Cứu sống một bệnh nhân bị ấu trùng sán dây lợn chui lên não

Ấu trùng sán dây chui lên não người là trường hợp hiếm gặp, diễn biến lâm sàng phức tạp với các triệu chứng có liên quan đến nhiều bệnh khác nên các cơ sở y tế thường không quan tâm, khó tìm ra bệnh để điều trị. Lâu ngày sán sẽ phá hỏng bộ não và có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế vừa cứu sống bệnh nhân bị bệnh trên.

Nhìn bệnh nhân Nguyễn Đức Th. tươi tắn, hồng hào với gương mặt luôn nở nụ cười thân thiện, không ai nghĩ rằng cách đây hơn 10 ngày, ngày 04/10/2009 ông Th. vào bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế trong tình trạng hôn mê, bị liệt nửa người bên trái, miệng méo và phải sống đời sống thực vật. Ông Th. quê ở xã Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tự nhiên bị đau đầu và liệt một bên người, ông được bệnh viện đa khoa Hà Lan, Quảng Trị, chuyển vào với chẩn đoán áp xe não. Sau khi chụp CT não, làm các xét nghiệm và phát hiện KST (sán) ở não. Bệnh nhân đã được điều trị nội khoa theo hướng KST và chỉ sau 11 ngày điều trị Th. đã khỏi bệnh, hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống bình thường, không còn bị liệt một bên người và chủ động trong mọi sinh hoạt. Nguyên nhân bị sán chui lên não theo PGS-TS Trương Quang Ánh là do ăn thịt bò, thịt lợn nấu chưa chín và có thể gặp ở bệnh nhân trong cộng đồng thường nuôi lợn thả rông. Bệnh thường gặp ở các vùng có đồng bào dân tộc sinh sống.

Bệnh sán lá Phổi (Paragonimus)

Bệnh sán lá phổi do loài sán lá thuộc giống Paragonimus gây nên. Trên thế giới có khoảng 40 loài sán lá phổi; trong đó, trên 10 loài gây bệnh cho người. Ở Việt Nam, chủ yếu do loài Paragonimus. Bệnh thường gặp rải rác ở các vùng miền núi: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn; với tỷ lệ thấp 0,3% – 2,1% trong dân chúng. Lần đầu tiên Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế phát hiện ca nhiễm sán lá phổi tại Huế và khu vực miền Trung. Bệnh nhân Trần Thị S, 25 tuổi làm nghề buôn bán ở Sêlen, tỉnh Chămpasăc, Lào vào bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế điều trị về căn bệnh này trong tình trạng ho ra máu màu đỏ thẫm kéo dài nhiều tháng.

Trước khi nhập viện 5 tháng, bệnh nhân khạc ra máu đột ngột, máu bầm tím, cơ thể người mệt mỏi, sốt nhẹ, đau tức ngực trái. Bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện ở Thái Lan 2 đợt nhưng không tìm ra nguyên nhân gây bệnh nên điều trị không đạt kết quả, bệnh không thuyên giảm. Bệnh nhân cho biết món ăn sở trường là mắm cua, mắm cáy ăn cua nướng và thường uống nước khe suối thường xuyên.

Sau hai đợt điều trị thể trạng bệnh nhân tốt, lên cân, ăn ngủ được, sinh hoạt bình thường, không còn ho ra máu và đau ngực, phim Xquang hai phế trường phổi sáng bình thường; không tìm thấy ký sinh trùng trong đàm và phân.

Bệnh nhân nhiễm sán lá phổi có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng có thể nhầm với nhiều bệnh lý khác như nấm phổi, lao phổi… điều trị không kết quả, nếu không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ và tốn kém kinh tế cho người bệnh. Đây là bệnh ít gặp, nên các thầy thuốc không nghĩ đến.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn

Trong năm 2005 và 2008 tại bệnh viện (BV) của trường đã phát hiện được 3 bệnh nhân bị ấu trùng sán lợn (ÂTSL) (Cysticercosis) ký sinh ở mắt và não.

Bệnh ÂTSL là do những ấu trùng của sán dây lợn (Taenia solium) ký sinh ở trong bắp cơ, trong mắt, trong não người gây nên. Người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn, trứng vào dạ dày và ruột nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hoá và máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ vân, ở mắt, ở não… những người bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột, khi đốt già rụng, do hoạt động của nhu động ruột đốt sán trào ngược lên dạ dày. Trong trường hợp này xem như bệnh nhân ăn phải trứng có ấu trùng sán dây lợn với số lượng vô cùng lớn từ đốt sán và số nang sán ở trong người cũng rất nhiều. Bệnh xảy ra ở những người thường có tập quán ăn rau sống hoặc đã bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành và bệnh nhân bố rải rác ở ít nhất 49 tỉnh, thành phố trong cả nước với tỷ lệ nhiễm khoảng 5- 7 %.

Qua 3 trường hợp bệnh nhân bị bệnh ÂTSL ký sinh tại mắt và não được phát hiện, chẩn đoán và điều trị thành công tại BV Trường Đại Học Y Dược Huế. Đây là một loại bệnh ít gặp, diễn biến lâm sàng phức tạp với các triệu chứng có liên quan đến nhiều bệnh khác nên các cơ sở y tế thường không quan tâm. Vì vậy khuyến nghị các cơ sở điều trị cần chú ý đến các yếu tố dịch tễ, tiền sử, bệnh sử, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng cần biết, đầy đủ của bệnh nhân để có thể chẩn đoán bệnh một cách chính xác và chỉ định điều trị thích hợp, giúp người bệnh phục hồi lại sức khoẻ một cách nhanh chóng, sinh hoạt bình thường trở lại.

Các loại ghẻ thường ký sinh ở chó lạc chủ sang người

Năm 2009, Khoa KST Bệnh viện Trường ĐHYD Huế đã phát hiện 06 trường hợp do loài ghẻ Demodex ký sinh ở bờ mi mắt của người và đã điều trị thành công bằng thuốc đặc trị về KST.

Demodex là loại KST rất nhỏ, thuộc ngành Arthropoda (Động vật chân đốt) họ ghẻ Demodicoidae. Ghẻ Demodex ký sinh lạc chủ sang người gồm 2 loại:

+ Demodex foliliculorum: loại ký sinh trùng này thường ký sinh ở mang lông mi, lông mày. Đôi khi ký sinh ở lông mu bộ phận sinh dục của người.

+ Loài Demodex brivis ký sinh ở tuyến bã nhờn, kích thước loại này nhỏ hơn loại ghẻ Demodex foliliculorum.

Cái ghẻ Demodex thường sống thành đôi, kích thước nhỏ khoảng 0,300mm. Vì Vậy chúng ta không thể quan sát bằng mắt thường được mà phải quan sát bằng kính hiển vi quang học. Cơ thể loại ghẻ này được cấu tạo phù hợp theo chức năng ký sinh và thực hiện đúng sự ký sinh để sinh tồn .

Bệnh có thể gặp ở cộng đồng với tỷ lệ không nhỏ, thường gặp ở gia đình nuôi chó và gặp ở những người hay gần gũi, tiếp xúc với chó. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh nhưng gây nhiều phiền phức cho bệnh nhân trong sinh hoạt thường nhật.

Nhân một số trường hợp bệnh lý trên. Mong rằng các cơ sở y tế cần quan tâm đến lĩnh vực này để xác định chẩn đoán, can thiệp điều trị kịp thời bằng thuốc đặc hiệu cho bệnh nhân. Hy vọng sẽ mang lại kết quả khả quan cho người bệnh.

PGS.TS Trương Quang Ánh

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email