Trong cuộc sống chúng ta, sách chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Mỗi cuốn sách hay chứa đựng biết bao điều bổ ích. Với trẻ em, ngoài nhu cầu giải trí, sách còn góp phần trong việc hình thành phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách. Vậy nên, vấn đề sách cho trẻ em luôn được mọi người và xã hội quan tâm.
Sách thiếu nhi: điều đáng mừng và¦sự bất cập
Quan sát các nhà sách lớn trong thành phố, thư viện trường học, các cửa hàng, cửa hiệu cho thuê sách hiện nay, chúng tôi nhận thấy số lượng sách dành cho trẻ em tương đối lớn và nhu cầu đọc của các em khá cao. Ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn đã xuất hiện một số nhà sách tự chọn thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày mà phần lớn là thanh thiếu nhi vào xem và mua sách (giá giảm 10%). Thư viện các trường học ở nhiều nơi đã có thêm nhiều đầu sách cung cấp sách cho các em xem trong giờ chơi và mượn về ¦ Đó quả là một điều đáng mừng, vì các em vẫn chọn sách là người bạn đồng hành giữa nhiều trò chơi hấp dẫn khác. Theo dõi danh mục sách các em chọn mua, thuê và hay xem, chúng tôi ghi nhận một số tựa sách như: Thần đồng đất Việt, Cô Tiên xanh, Đôrêmon, Siêu quậy Teppi, Thám tử Conan, Hội mắt nai, Đường dẫn đến khung thành, Inu-yasha, Truyền nhân Atula, Thủy thủ mặt trăng¦Tất cả đều là truyện tranh, chủ yếu là truyện tranh Nhật Bản.
Để hiểu rõ hơn thị hiếu sách của các em học sinh hiện nay, chúng tôi tiến hành cuộc thăm dò ý kiến đối với một số đối tượng đọc sách chủ yếu trong độ tuổi thiếu nhi. Kết quả thăm dò cho thấy học sinh cấp 1 (bậc tiểu học) chủ yếu chỉ đọc truyện tranh, một số nhỏ khác còn đọc thêm truyện cổ tích (khổ loại nhỏ). Còn học sinh (bậc THCS, ngoài niềm đam mê với truyện tranh còn đọc thêm truyện ngắn, các loại sách khác. Nguyên nhân nào khiến các em nhỏ chỉ quan tâm đến truyện tranh? Thờ ơ với các loại truyện, sách khác?
Trao đổi các vấn đề này với các em học sinh, một số phụ huynh, chúng tôi được biết các em thích đọc truyện tranh do 3 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, do hạn chế về thời gian, ngoài giờ học chính khóa (mất một buổi) học THCS ít nhất bận đi học thêm 3 môn nên không còn giờ rảnh đọc truyện chữ. Thứ hai, do yếu tố vui nhộn, hấp dẫn, trước hết là qua hình ảnh, lời thoại dí dỏm, nhẹ nhàng. Thứ ba, trên thực tế hiện nay không có nhiều truyện chữ hay để đọc. Bên cạnh đó, các em còn phải chịu một số áp lực do cha mẹ và cả thầy cô giáo đặt ra như phải học thêm ngoại ngữ, vi tính, nhạc, họa, phải đạt danh hiệu học sinh giỏi¦ và để đạt được một tiêu chuẩn tối thiểu, thì các em đã phải vận dụng hết cỡ thời gian, công sức. Tuy nhiên, những điều kể trên cũng đang đề cập tới những vùng mà trẻ em có nhiều điều kiện tiếp xúc với sách báo và các luồng thông tin khác. Còn trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng ven thành phố có cuộc sống còn khó khăn thì¦Nhiều giáo viên dạy học ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhận xét rằng, các em thuộc các vùng, miền này hầu như không có thói quen đọc sách. Điều này hẳn cũng có nhiều lí do. Thứ nhất là, các em hiếm thời gian (phần lớn thời gian ở nhà các em phải dành cho công việc đồng áng, nội trợ, giúp mẹ đi chợ, thức đêm trông coi nò sáo¦). Thứ hai là, các em không có tiền để mua sách, các địa điểm sách có thể đọc cọp được thì làm gì có. Thứ ba là, hệ thống thư viện ở hầu hết các trường học đều là nơi cất giữ sách báo chứ không phải là nơi cho mượn, đọc sách báo. Nhiều trường có số lượng học sinh trên ngàn em, nhưng cả một năm học, số học sinh mượn được sách báo chỉ đếm chưa hết đầu bàn tay. Thế là nguồn sách duy nhất là tờ báo Thiếu niên tiền phong, mỗi tháng 2 tờ/lớp (do các em đóng tiền mua). Hiện nay, sách thiếu nhi được in ra tương đối nhiều, nhưng vùng nông thôn và các trường học (nhất là ở thôn quê) hầu như vắng bóng¦
Thế giới truyện tranh: Lợi và hại
Có thể khẳng định rằng, sách thiếu nhi hiện nay có nhiều mảng sách rất tốt cả về nội dung lẫn hình thức. Tủ sách Người tốt việc tốt, Tác phẩm chọn lọc của Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra rất nhiều đầu sách như Mái trường thân yêu (Lê Khắc Hoan), Đám cưới chuột (Tô Hoài), Khúc hát vườn trầu (Lê Minh)¦nhưng các nguồn sách này đến với các em và được các em tiếp nhận còn hạn chế với một số lí do như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, hiện nay, truyện tranh là loại sách đang được đa số các em yêu thích. Và thực trạng khiến nhà trường, phụ huynh lo lắng là thị trường truyện tranh khá phức tạp. Bên cạnh những quyển truyện tranh hay, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của các em với đầy đủ giá trị thẩm mỹ và chức năng giáo dục thông qua tấm lòng nhân hậu của các nhân vật, những tấm gương sáng trong học tập, cách cư xử đúng, đẹp với mọi người xung quanh như: Cô tiên xanh, Thần đồng đất Việt, Tâm hồn cao thượng, một số truyện tranh giúp các em phát triển trí tưởng tượng, khả năng tư duy sáng tạo và óc phán đoán nhanh nhạy thông qua những phát minh, bửu bối của chú mèo máy Đôrê-mon, những cuộc phiêu liêu phá án kỳ thú của Thám tử Conan¦, thì vẫn còn một số quyển truyện tranh thiếu lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh như: Thủy thủ mặt trăng với hình tượng nhân vật nữ chính luôn mặc những chiếc váy cực kỳ ngắn, khoe đôi chân dài đến mức dị dạng! Quyển Hội mắt nai với những câu chuyện tình yêu tuổi ô mai, cách hướng dẫn bày tỏ tình cảm với bạn khác phái, cách theo đuổi lấy lòng bạn trai, lại được các em lớp 5, lớp 6 ưa chuộng. Đọc Inu-yasha, truyền nhân Atula từ 3 đến 5 tập liền vẫn không hé mở nội dung, chỉ thấy đánh nhau và đánh nhau, đa số nhân vật giải quyết mâu thuẫn bằng đòn phép, kiếm thuật và vô số trò ma quái. Những cái chết ghê rợn dành cho đối thủ là chuyện bình thường. Và ảnh hưởng của nó đến giới trẻ hiện nay đã là rất rõ, đó là hiện tượng có rất nhiều học sinh mới lên lớp 6 đã tập tành yêu đương, cũng hẹn hò, hờn ghen, giận dỗi; học sinh nam từ bậc học THCS đến THPT đến trường nhiều em đã lận theo dao, kiếm để giải quyết mâu thuẩn bằng bạo lực¦?!
Sách là người bạn đồng hành không thể thiếu của trẻ thơ, là nhu cầu học tập, giải trí của các em. Trong tình hình truyện tranh đang được ưa chuộng như hiện nay, chúng ta phải làm gì để định hướng đúng cho các em khi đọc và xem truyện tranh? Và làm thế nào hướng các em đến với thế giới truyện chữ với những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng xưa nay như: Dế mèn phiêu liêu ký, Đất rừng phương Nam, Truyện cổ Andecxen¦Đây là điều trăn trở của tất cả mọi người.
Đã đến lúc chúng ta không thể để phó mặc cho các em muốn đọc gì thì đọc, muốn xem gì thì xem mà nhà trường-gia đình và xã hội cần phải định hướng cho các em chọn lọc những loại sách phù hợp để đọc. Khuyến khích các em không xem những loại truyện tranh bạo lực, ma quái, tình yêu nhảm nhí để từ sách các em có thể hoàn thiện bản thân. Đồng thời, mong các cơ quan chức năng, đặc biệt các nhà xuất bản cần thận trọng hơn trong vấn đề chọn lọc sách trước khi xuất bản, không vì lợi nhuận, đánh mất chức năng giáo dục của sách, làm hỏng thị hiếu của trẻ em. Và các cửa hàng sách hãy là địa chỉ tin cậy của các em, bằng cách mạnh dạn tẩy chay những quyển truyện nhảm nhí thiếu lành mạnh ra khỏi kệ sách của mình.
Sách cho các em và các em đang đọc sách gì là vấn đề mà xã hội phải quan tâm.
HUSTA.ORG