Tại hội thảo Xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2008. PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh – Chủ tịch Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế có bài phát biểu tại Hội thảo này. Duới đây, chúng tôi trích đăng bài phát biểu đó.
Những tiêu chí để phân định và nhận dạng trí thức
Theo tôi, trí thức là người có học (có thể từ bậc cao đẳng trở lên); là người có khả năng tiếp thu, nghiên cứu, vận dụng và truyền bá kiến thức, từ đó góp phần phổ cập và nâng cao sự hiểu biết về kho tàng tri thức của nhân loại. Trí thức là người có tư duy độc lập, có sáng tạo cá nhân trong nghiên cứu khoa học-kỹ thuật, văn học – nghệ thuật, kinh tế, pháp luật… Trí thức không chỉ dừng lại ở lý luận, ở tư duy nghiên cứu tổng hợp mà phải có được sản phẩm trí tuệ, sản phẩm ấy có giá trị đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho nhân dân. Bên cạnh đó, trí thức phải là người có chính kiến, có thái độ, quan điểm lập trường rõ ràng; có thế giới quan và nhân sinh quan tiến bộ, tích cực phù hợp với xu thế thời đại. Trí thức là người có ước mơ và khát vọng xây dựng một nước Việt Nam độc lập và cường thịnh không cam chịu đói nghèo và lạc hậu, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới.
Thực trạng của đội ngũ trí thức Việt Nam
Một tài liệu đánh giá thực trạng nguồn nhân lực cho thấy đội ngũ trí thức ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tuy nhiên cơ cấu còn bất hợp lý. Bậc đào tạo cao ngày càng có xu hướng phát triển lệch thiên về các ngành sản xuất phi vật chất. Trong đó, số lượng nhân lực có trình độ trên đại học trong lĩnh vực KHCN, một lĩnh vực quan trọng được xác định là nền tảng, động lực của sự phát triển chỉ chiếm khoảng 10%. Chất lượng cán bộ KHCN cũng còn nhiều vấn đề, tỷ lệ cán bộ khoa học phát huy tốt chỉ chiếm khoảng 34-35%, tỷ lệ phát huy yếu lên đến 27-28%. Một điều tra (năm 2006 của Bộ KHCN) về nhân lực KHCN tại 233 đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương – nơi tập trung đội ngũ cán bộ KHCN cao nhất cho thấy tuổi đời của cán bộ có chức danh cao bình quân chung là 57,2 tuổi, trong đó Giáo sư là 59,5 tuổi, Phó Giáo sư là 56,4 tuổi, số cán bộ có chức danh KH ở tuổi dưới 50 chỉ có 12%, riêng Giáo sư là 7,2%, Phó Giáo sư là 13,5%. Những số liệu này cho thấy nguy cơ hụt hẫng trong đội ngũ CBKH ở nước ta trong thời gian tới, khi lớp cán bộ có trình độ cao về hưu.
Kết quả điều tra còn cho thấy đội ngũ khoa học Việt Nam có năng lực ngoại ngữ và hiểu biết về văn hoá ứng xử, giao lưu quốc tế còn hạn chế (chỉ có dưới 25% số CBKH có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp) và chính điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc hội nhập quốc tế và tìm kiếm kiến thức, thông tin về KHCN quốc tế. Hiện tại, Việt Nam có hơn 10.000 tiến sĩ, tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia, số lượng tiến sĩ có trình độ đạt chuẩn quốc tế rất thấp. Một vấn đề nữa rất đáng được quan tâm là khả năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý còn rất hạn chế. Theo kết quả điều tra của đề tài KX.07.14, có tới 20-25% số cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu công việc, chỉ có 8% được đào tạo về quản trị kinh doanh, 12,2% được đào tạo về khoa học quản lý nói chung.
Vai trò của trí thức
Trong lịch sử và nhất là trong hơn 20 năm qua, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương mở cửa, giao lưu và hội nhập với bạn bè trên thế giới, đã khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng của đội ngũ trí thức. Đây là tầng lớp chiếm tỷ lệ không nhiều trong xã hội, song sự đóng góp của họ cho đất nước là không nhỏ.
Tuy nhiên, sự ghi nhận và đánh giá sự đóng góp của đội ngũ trí thức ở một chừng mực nào đó chưa thật sự rõ nét và đúng mức. Điều này có thể nhận thấy là Đảng ta chưa có một chính sách, chủ trương bằng một Nghị quyết cụ thể dành cho đội ngũ trí thức. Trước đây, trong giai đoạn giải phóng dân tộc Đảng ta đã chủ trương liên minh công – nông – trí. Trong giai đoạn này vai trò của đội ngũ trí thức vẫn còn mờ nhạt hơn so với công nhân, nông dân; sự quan tâm của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng đội ngũ trí thức chưa thoả đáng, chưa thể hiện rõ ràng mục tiêu, quan điểm, chính sách để thực hiện và hình thành một chiến lược đúng tầm của công tác này. Bên cạnh đó, về tổ chức thì chưa có một tổ chức thống nhất đại diện cho đội ngũ trí thức Việt Nam, mà chỉ có nhiều tổ chức đại diện riêng lẻ mang tính đặc thù cho từng lĩnh vực như: Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam… Vai trò, vị thế của đội ngũ trí thức đôi lúc, đôi nơi vẫn còn bị xem nhẹ, chưa bình đẳng, chưa ngang tầm với các tổ chức chính trị – xã hội khác. Một vấn đề nữa là thực tế cho thấy chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức việc tham khảo ý kiến của đội ngũ trí thức trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, các dự án phát triển KT-XH của địa phương, cũng như ý kiến phản biện của đội ngũ trí thức ở địa phương đối với các chương trình, dự án quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh. Đó là những lý do của tình trạng chảy máu chất xám mà lâu nay chúng ta thường nhắc đến.
Một số giải pháp
Trước hết, Đảng và Nhà nước ta xác định quan điểm nhất quán thể hiện trong nghị quyết là trong mọi thời kỳ và nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước thì đội ngũ trí thức có vai trò, vị thế quan trọng, là lực lượng có khả năng đóng góp tích cực trên các lĩnh vực KT-XH-ANQP. Sự đóng góp của đội ngũ trí thức trong các chiến lược, chính sách phát triển đất nước là quan trọng cần được quan tâm đúng mức. Cần được đối xử công bằng trong thực hiện cơ chế chính trị của đất nước công – nông liên minh và các tầng lớp trí thức. Hội của trí thức cần được coi như một đoàn thể chính trị của công nhân và nông dân. Cần có chính sách đã ngộ về lương bổng hợp lý, không cào bằng, tuỳ theo trình độ năng lực và hiệu quả đóng góp. Nên xây dựng một mức đãi ngộ cho cán bộ khoa học tài năng có thể hơn những người làm quản lý, để tạo ra một hướng phát triển lành mạnh, không cần thiết phải tìm mọi cách để leo lên con đường quan chức, mà có thể sống đầy đủ bằng tài năng khoa học thực sự của mình. Điều này không dừng lại ở mức đãi ngộ mà tạo ra một tư duy lành mạnh của sự phát triển tri thức.
Cần tổ chức khảo sát, điều tra một cách rộng rãi để nắm chắc số lượng, chất lượng, cơ cấu, biết được ngành nghề nào thiếu hụt, bao nhiêu phần trăm đáp ứng được sự phát triển KT-XH, bao nhiêu phần trăm cần đào tạo lại, ở đâu, phương thức nào? Trong công tác đề bạt bổ nhiệm cán bộ phải tuân theo quy trình chặt chẽ, xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp theo yêu cầu của từng chức danh, chú trọng đến tiêu chuẩn chất lượng chứ không chỉ dành một tỷ lệ cơ cấu như trước đây để chọn cử được những người thực sự có tài, có tâm, có đức, loại bỏ các thành phần cơ hội, bè phái, ô dù…
Cần có chính sách thu hút chất xám thông qua việc kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước hoặc có những đóng góp về khoa học cho đất nước, đây là nguồn nhân lực rất đáng kể phục vụ đắc lực cho công cuộc hội nhập trong lĩnh vực KHCN, và là cầu nối để khoa học Việt Nam tranh thủ được trí tuệ của nhân loại, hoà nhập, bắt kịp các tiến bộ nhanh chóng. Dĩ nhiên trí thức Việt kiều cũng nhìn vào sự đối xử của Đảng, Nhà nước đối với trí thức trong nước.
Ngoài ra, cần có chính sách khai thác, sử dụng tiếp tục nguồn trí tuệ của các cán bộ khoa học đã nghỉ hưu theo chế độ, nhưng vẫn có thể đóng góp về nhiều mặt theo hướng vừa được cống hiến vừa được nghỉ ngơi tích cực, không rơi vào cảm giác hụt hẫng…
Một số vấn đề khác cũng cần được quan tâm như:
– Một số văn bản đã lỗi thời cần được bổ sung, sửa chữa, không hành chính hoá các hoạt động của hội, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (Nghị định 88 của Chính phủ).
– Trong chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã giao cho Liên hiệp hội cần được thể chế hoá, bắt buộc các dự án, chương trình lớn chưa được giám định thì không được triển khai.
– Cần có chính sách tôn vinh các nhà khoa học đúng tầm, như đã từng làm với doanh nhân Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận và trân trọng các đóng góp của trí thức đối với sự phát triển của đất nước…
Xét cho cùng, thời đại nào cũng cần người tài, có người tài mới chấn hưng được đất nước, có người tài mới xây dựng và thúc đẩy được sự phát triển kinh tế xã hội. Vào thế kỷ XVIII, nhà trí thức lớn của Việt Nam – ông Lê Quý Đôn có lời dạy chúng ta phương hướng xây dựng đất nước: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có chính sách cụ thể để thể hiện nối tiếp quan điểm trên.
Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc làm nên những chiến thắng vĩ đại, chắc chắn Đảng ta sẽ có những quyết sách phù hợp với xu thế phát triển hiện đại của đất nước. Trên cơ sở đó, Nghị quyết về trí thức trong thời kỳ CNH-HĐH, hôị nhập kinh tế quốc tế còn là đòn bẩy, là cú hích thực sự để tạo nên một nguồn lực to lớn, tương xứng với một nền kinh tế phát triển, của một Việt Nam sánh vai với các cường quốc khác trong khu vực và thế giới…
HUSTA.ORG