Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy trí thức trẻ sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng khoa học công nghệ

Trong bối cảnh tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ, việc thúc đẩy các trí thức trẻ, nhất là học sinh, sinh viên có những bước đi phù hợp trong quá trình sáng tạo khởi nghiệp là điều cần thiết. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường học giúp trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, góp phần nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng của học sinh, sinh viên trở thành sản phẩm đóng góp tích cực cho xã hội, Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có vai trò như vậy.

 

Câu lạc bộ được thành lập với sứ mạng đoàn kết, tập hợp thanh thiếu niên có những sáng tạo và đam mê nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm trí tuệ phục vụ cho lợi ích của con người và xã hội, tạo môi trường thuận lợi để các thành viên phát huy khả năng sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong công tác, học tập và lao động sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện sứ mạng đó, Câu lạc bộ đã liên tục thực hiện công tác thúc đẩy tri thức trẻ sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng khoa học và công nghệ. Thông qua hoạt động tích cực trên, nhiều điển hình sáng tạo, khởi nghiệp đã ra đời. Cụ thể:

Đề tài “Quy trình sản xuất móc khóa, sản phẩm quà lưu niệm” của Nguyễn Thanh Việt được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2014 tại buổi tọa đàm “Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của tri thức trẻ Huế”. Khởi nghiệp từ những chiếc móc khóa xinh xắn với độ tinh xảo, đẹp mắt, gắn hình ảnh về những di sản Huế. Trong 3 năm, Nguyễn Thanh Việt đã làm chủ 3 cơ sở bán hàng online, 1 xưởng sản xuất móc khóa với hơn 20 công nhân, mang lại doanh thu cho anh khoảng hơn 200 triệu đồng/tháng. Với những thành công đó, Nguyễn Thanh Việt đã thành lập công ty mang tên Công ty TNHH Thanh Việt để tăng thêm uy tín cũng như độ tin cậy của khách hàng, đối tác cho những sản phẩm lưu niệm của mình.

Tiếp theo là dự án Giấy xanh. Đây là dự án nhằm mục đích cung cấp nguyên liệu mới là “phế phẩm nông nghiệp” thay cho nguyên liệu gỗ đang khan hiếm hiện nay cũng như cải thiện sinh kế của nông dân địa phương và các bên liên quan trên khắp Việt Nam. Đặng Thị Ngọc Ánh, cô sinh viên đến từ trường Đại học Khoa học Huế đã cho ra đời dự án sản xuất “Giấy Xanh” – giấy từ lá cây và phế phẩm nông nghiệp. Dự án đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật tác động đến nguyên liệu chủ yếu là lá cây và phế phẩm nông nghiệp mà không dùng đến gỗ. Ngọc Ánh đã nhận được nhiều giải trong các cuộc thi như: giải Nhà sáng chế triển vọng của chương trình “Nhà sáng chế” do VTV tổ chức năm 2013, giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2013, giải Khuyến khích trong cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế 2016”. Giấy Xanh sẽ là nhân tố đổi mới của ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy Việt Nam.

Dự án “Sản xuất và phân phối hệ thống vườn treo” nhằm cung cấp giải pháp trồng rau sạch một cách dễ dàng tại nhà với diện tích hẹp, hầu như không tốn công chăm sóc nhưng vẫn đem lại năng suất cao. Qua nhiều năm nghiên cứu nhóm dự án đã thiết kế ra hệ thống trồng rau sạch “vườn treo” với nhiều ưu điểm vượt trội so với các hệ thống trồng rau sạch trên thị trường hiện nay. Hệ thống trồng rau sạch vườn treo đã đạt được nhiều giải thưởng như: giải ba cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế 2016”, giải ba cuộc thi “Khởi nghiệp quốc gia” năm 2016. Hiện tại, kế hoạch tiếp theo của dự án là thành lập công ty để sản xuất, quảng bá và phân phối hệ thống này tới các hộ gia đình và các trang trại muốn trồng rau sạch trong cả nước với khẩu hiệu “Vì môi trường và sức khỏe cộng đồng”.

Ngoài ra, Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ các nhà sáng tạo trẻ thực hiện, phát triển ý tưởng thành các sản phẩm có khả năng thương mại hóa trên thị trường.

Có thể kể đến như hoạt động hỗ trợ hội viên lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng (dưới 19 tuổi) phát triển đề tài “Thiết bị tự chế tích hợp đa chức năng hỗ trợ người làm mộc, thủ công” và đề tài “Robot tuần tra vỉa hè” tham gia và đạt giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, nhi đồng lần thứ X, năm 2017. Đề tài “Đèn ngủ bắt muỗi làm từ vật liệu tái chế kết hợp hiệu ứng quang học và hóa học” đạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, nhi đồng lần thứ XI, năm 2018.

Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ còn phối hợp với Câu lạc bộ kiến trúc 3D thực hiện dự án “Xây dựng bảo tàng số hiện vật di sản Huế”, tham gia và đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII năm 2017, được chọn tham gia Giải thưởng toàn quốc; Xây dựng và đề xuất dự án “Vườn ươm sáng tạo trẻ”; Phối hợp nhóm bóng đèn tổ chức trại hè khoa học hàng năm…

Các dự án trên đều có xuất phát điểm là ý tưởng sáng tạo từ các bạn học sinh, sinh viên, các trí thức trẻ được Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ vận động, phát triển. Tuy nhiên, với điều kiện năng lực cơ sở vật chất hạn chế, Câu lạc bộ sáng tạo trẻ chỉ thực hiện được sứ mạng của mình ở mức hỗ trợ tư vấn, định hướng nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện mẫu sản phẩm, tham gia các cuộc thi, chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của các trí thức trẻ.

Vấn đề cơ bản có thể nhận thấy là hiện nay các nhà sáng tạo trẻ thiếu cơ hội được phát triển ý tưởng hay sản phẩm mẫu của mình thành sản phẩm có tính chất thương mại hóa, có.

Với thực tế đó, Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ đề xuất một số nội dung sau:

– Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế nên thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Đây sẽ là nơi thực hiện bước hỗ trợ các nhà sáng tạo trẻ thương mại hóa sản phẩm của mình, thông qua đó, thực sự thúc đẩy các bạn sinh viên đam mê khoa học dấn thân vào khởi nghiệp; hiện thực hóa đề án “Vườn ươm sáng tạo và khởi nghiệp” tạo ra không gian, môi trường thuận lợi nhất để các bạn sinh viên được thỏa sức dám thử, dám ước mơ, dám thất bại và từ đó rút ra những kinh nghiệm sống còn trên con đường sáng tạo và khởi nghiệp.

– Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực sự chung tay trong công cuộc phát triển phong trào sáng tạo, khởi nghiệp. Đơn cử như tạo điều kiện cho các đoàn tham quan, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, giải quyết các bài toán khoa học và kỹ thuật, công nghệ của chính doanh nghiệp. Thông qua đó, giúp các nhà sáng tạo trẻ phát triển các ý tưởng dựa trên nhu cầu thực sự của sản xuất.

Điều quan trọng nhất để thúc đẩy tri thức trẻ sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ đó là tạo ra môi trường và cung cấp cho các nhà sáng tạo trẻ cơ sở vật chất để hiện thức hóa ý tưởng, thử nghiệm tính năng, hoàn thiện sản phẩm; hỗ trợ trưng bày, giới thiệu, phân phối sản phẩm, thương mại hóa tài sản tri thức.

Sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên tri thức khoa học và công nghệ là sự khởi nghiệp rất nhiều cơ hội thành công. Mục tiêu lớn lao hơn là tạo công ăn việc làm cho người lao động, an sinh xã hội, phát triển đất nước.

Minh Phong – Quỳnh Phương

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email