Thay đổi nhận thức để tiếp cận Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đã có những bước đón đầu thời cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)

Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế chế tạo Máy điện phân javen sử dụng năng lượng mặt trời tại Nhà máy nước

Tự động hóa sản xuất

CMCN 4.0 được hiểu là sự kết hợp hai yếu tố nền tảng khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới vạn vật kết nối thông minh, dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano…

Trên địa bàn tỉnh, nhiều ngành đã có những đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành để thích ứng với môi trường mới. Một trong những ngành đón đầu cuộc cách mạng 4.0 chính là ngành xi măng với việc tự động hóa hoàn toàn với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất

Tại nhà máy xi măng Đồng Lâm, dây chuyền sản xuất xi măng đồng bộ dựa trên công nghệ lò quay tiên tiến. Các thiết bị hiện đại với hệ thống tự động hóa cao, các thiết bị được điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm, các khâu sản xuất đều được lấy mẫu kiểm tra đảm bảo về chất lượng. Toàn bộ dây chuyền đều được trang bị thiết bị lọc nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và vệ sinh trong sản xuất công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Nhật Hoàng – Quản đốc Phân xưởng điện, nhà máy Xi măng Đồng Lâm thông tin, con người chỉ điều khiển thông qua hệ thống máy điều khiển, giám sát, phần còn lại được hệ thống rô bốt và máy móc thực hiện. Hiện quy trình công nghệ tại nhà máy đều đã tự động. Tuy nhiên, khâu đóng bao và vận chuyển vẫn chưa tự động hoàn toàn. Hệ thống sản xuất chỉ thực hiện đến khâu xuất bao. Nghĩa là, khi xi măng hoàn thành các công đoạn phối trộn… tới công đoạn đóng bao, người vận hành phải tiến hành đếm bao, cài đặt số lượng bao thông qua số lượng hàng cần xuất vào hệ thống. Máy sẽ tự động đóng bao trên cơ sở nguồn dữ liệu nhập và theo hệ thống băng tải đưa thành phẩm ra vị trí xuất. Tại đây công nhân sẽ bốc xi măng và đưa lên xe. Nhờ đó, chi phí nhân công, nguyên liệu, thất thoát được giảm hẳn, hiệu quả kinh tế nhờ đó được nâng cao.

Với dây chuyền hai đang trong quá trình đầu tư, hệ thống máy móc sẽ được tự động hóa hoàn toàn, ngay cả khâu xuất bao. Các giải pháp công nghệ để xử lý các chất thải từ nhà máy đưa vào sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất nhằm mục đích vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa giải quyết vấn đề môi trường. Nhiệt thừa trong sản xuất xi măng sẽ được sử dụng để phát điện, đây là biện pháp giúp tiết kiệm năng lượng đồng thời góp phần lớn bảo vệ môi trường

Trong lĩnh vực cấp nước, Công ty Cấp nước Thừa Thiên Huế cũng đã ứng dụng hệ thống SCADA để nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất và cung cấp nước sạch đáp ứng các mục tiêu: ổn định chất lượng nước, ổn định áp lực nước, quản lý lượng nước khai thác và lượng nước tiêu thụ, vận hành và quản lý hệ thống máy móc thiết bị, quản lý hệ thống đường ống cung cấp nước. Cùng với đó là các giải pháp công nghệ nhằm quản lý chất lượng nước cũng được triển khai với hệ thống bể lắng lọc thông minh.

Hướng đến 4.0

Trước yêu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ, Công ty Scavi Huế chủ động đầu tư thêm máy móc, dây chuyền hiện đại, xây dựng các phương án nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác.

Ông Trần Văn Mỹ – Tổng Giám đốc Scavi Huế cho biết, đã đề nghị tập đoàn đầu tư 15 triệu USD để tân trang tất cả máy móc hiện có. Tập đoàn cũng đang đặt hàng đơn vị chuyên nghiên cứu thiết kế máy tự động trong may mặc. Thời điểm này, những máy móc cần thiết, chúng tôi sẽ đầu tư, những máy móc tự động sẽ chờ chế tạo và Scavi ưu tiên tập trung về tự động hóa. Trước mắt, việc nâng cấp trang thiết bị máy móc hiện đại sẽ được thực hiện ngay và dự kiến hoàn thành cuối năm 2019.

Theo Tổng Giám đốc Scavi Huế, hiện ngành dệt may đang cạnh tranh số phút lắp ráp, do đó, nếu không đi trước đón đầu, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm thì rất khó trụ vững khi nhiều quốc gia áp dụng công nghệ tự động hóa trong xu thế CMCN 4.0.

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ, Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh là doanh nghiệp thường xuyên tập trung đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài huấn luyện kỹ năng, hàng năm Công ty đều cử nhân viên, đội ngũ quản lý tham gia các khóa đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng. Ông Hoàng Ngọc Gia – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh chia sẻ, chủ doanh nghiệp cần phải có kiến thức, không thể mày mò bằng kinh nghiệm. Trong lúc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi lượng kiến thức rất nhiều, chính vì vậy, chủ doanh nghiệp cần chủ động học để đáp ứng. Việc học có rất nhiều hình thức bằng những khóa ngắn hạn, dài hạn… Nếu không được đào tạo sẽ bị bỏ rơi. Tuy nhiên, để đầu tư theo công nghệ, đối với lĩnh vực sản xuất khá tốn kém, trong khi vốn của các doanh nghiệp này lại luôn ở mức khó khăn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tiếp cận CMCN 4.0, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (Hiệp hội) thường xuyên kết nối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các sở, ngành liên quan mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên các lớp về quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại mà Hiệp hội làm cầu nối giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh đã diễn ra. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính, về kinh doanh các ngành nghề có điều kiện và những khó khăn trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0… được phản ánh và tháo gỡ.

Cùng với Hiệp hội, các sở, ngành của tỉnh cũng đã có những hỗ trợ thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng tầm công tác quản trị, như: hỗ trợ về đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn mác thương hiệu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, thẻ giao dịch điện tử, đăng ký kinh doanh điện tử, dịch vụ điện tử, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm tối đa thời gian giao dịch cho doanh nghiệp…

Tuy nhiên, theo Hiệp hội, việc tiếp cận với cuộc CM 4.0 của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Do đó, Hiệp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông qua các hội thảo để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về CMCN 4.0, từ đó, nhận biết khả năng của mình, chủ động đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tự chủ trong sản xuất kinh doanh để tự khẳng định mình trong sân chơi mới. Ông Dương Tuấn Anh – Chủ tịch Hiệp hội thông tin: “Từ những hỗ trợ thiết thực này, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đã được cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh bắt tay thực hiện và là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay”.

Tại diễn đàn khoa học và công nghệ với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0” do Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức, PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam chia sẻ, để nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0, Thừa Thiên Huế cần phải đặt chiến lược phát triển khoa học công nghệ trong trục của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, phải cởi bỏ những trói buộc đối với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh phát triển, đẩy mạnh liên kết giữa khu vực trong nước và khu vực FDI. Để tiếp cận cuộc CNMCN 4.0, các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cần nắm bắt lợi thế của tỉnh để đổi mới sáng tạo, phải xem đổi mới sáng tạo như “món ăn hàng ngày” và đối với doanh nghiệp thì “không đổi mới sáng tạo đồng nghĩa với chờ chết” do đó, các doanh nghiệp cần đưa ra khát vọng tăng trưởng nhiều hơn.

Doãn Quan

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email