Quảng Điền: Trang trại rú cát chống chọi với nắng hạn

Từ nhiều tháng nay, nắng nóng gây nhiều hệ luỵ trong phát triển kinh tế của huyện Quảng Điền. Trong đó, kinh tế trang trại trên vùng rú cát và cây lúa chịu tác động không nhỏ. Người dân đang vật lộn với thời tiết để giữ lại thành quả đạt được.

Lúa nhiễm mặn

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngầm tại các ao, hồ gần như cạn kiệt. Điều này tác động không nhỏ đến công tác thuỷ lợi tại một số xã trên địa bàn huyện Quảng Điền. Nhiều trạm bơm phải nằm nghỉ trong khi cánh đồng lúa đang trong giai đoạn “khát nước” phải phơi mình giữa nắng hạn, mỏi mòn chờ những cơn mưa dông.

Chúng tôi về Quảng Công, một xã ven biển của huyện Quảng Điền. Ngoài các thôn ven biển, đa phần người dân đều sống dựa chủ yếu vào trồng lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất sản xuất ít, chủ yếu là đất cát pha khiến người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình canh tác. Nhất là thời gian này, nắng hạn, hệ thống ao hồ gần như trơ đáy nên nguồn nước phục vụ cho sản xuất thiếu, nhiều diện tích đất phải bỏ hoang, diện tích lúa đã đưa vào gieo sạ bị nhiễm mặn, héo úa.

Nhiều người dân địa phương cho hay, 20 năm trở lại đây, năm nay là hạn nặng nhất. Đi dọc tuyến đường liên xã điều dễ dàng cảm nhận là những vùng đất khô cằn, nhìn quanh chỉ thấy những dây cỏ khô cháy, cánh đồng thiếu hẳn màu xanh. Nếu những năm trước, cánh đồng này tập trung trồng các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: ớt, lạc, dưa hấu thì năm này đa phần diện tích đều bỏ hoang. Cánh đồng trở thành bãi chăn thả trâu, bò. Đi ra sâu hơn một chút ở vùng ruộng sâu, nhiều diện tích đã bị cháy sém, lúa ngã màu vàng. Nguyên nhân là do nắng hạn kéo dài, nước mặn từ khu vực nuôi trồng thủy sản thấm qua hệ thống kênh mương dẫn đến hiện tượng nhiễm mặn. Toàn xã có 6 hồ chứa nước lớn diện tích 5,2ha, với lượng nước bình quân 6.240m³, nhưng năm nay lượng nước ngầm tụt gần 1m so với năm trước, khiến nguồn cung cấp nước bị thiếu hụt.

Ông Lê Công Lợi, Chủ nhiệm HTX Thành Công, xã Quảng Công cho hay: Toàn xã có 106 ha đất trồng lúa, nhưng trong vụ hè thu năm nay chỉ đưa vào gieo sạ được gần 56 ha. Số diện tích còn lại đưa vào trồng dưa hấu, ớt… nhưng do thời tiết quá khắc nghiệt nên những loại cây này cũng khô héo hết, chẳng thu hoạch được gì. Riêng cây lúa do nguồn nước ngầm từ 6 hồ chứa nước trên địa bàn chỉ duy trì ở mức 1m đến 1,2 m nên không thể chủ động trong tưới tiêu. Hiện, HTX có trên 5ha lúa bị nhiễm mặn, thiệt hại lên đến 70%, nếu tình hình này kéo dài số diện tích lúa bị nhiễm mặn sẽ tăng thêm rất nhiều.

Hoa màu chậm phát triển

Phát triển kinh tế trên vùng rú cát bạch sa mới nghe cũng tưởng tượng được những khó khăn mà người dân đang đối mặt. Nhưng với ý chí và sự cần cù, những trang trại thu nhập hàng trăm triệu đồng liên tiếp mọc lên như khẳng định sức người là vô hạn. Tuy nhiên năm nay, nắng nóng kéo dài như lấy đi phần nào nguồn sinh khí của các trang trại vùng rú cát vốn đã khắc nghiệt.

Trang trại của vợ chồng ông Trương Trọng Đức (Quảng Lợi) năm nay kém xanh hẳn. Mô hình kết hợp trồng rừng phủ xanh đất cát đồi trọc kết hợp với chăn nuôi lợn, gà và thả cá cho thu nhập cao thì giờ đây lại đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước thiếu nên hoa màu khó phát triển. Mặc dầu, gia đình đã tiến hành đào sâu hồ nuôi, tăng cường tưới nước cho cây trồng nhưng kết quả vẫn không cao.

Ông Đức cho biết: Vào thời điểm này năm ngoái, nhờ có mưa dông nên các loại cây trồng phát triển khá tốt, đồng đều. Nhưng năm nay, nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao, lại không có mưa nên hoa màu phát triển chậm. Xác định tư tưởng phát triển trang trại trên rú cát đòi hỏi phải cần cù, thế nhưng năm nay dù tập trung tưới tiêu nhiều nhưng hiệu quả chẳng mấy khả quan. Để đối phó với nắng hạn, ông phải lắp đặt hệ thống phun sương tự động cho cây trồng với số tiền đầu tư trên 27 triệu đồng. Điều này kéo theo chi phí tiền điện hàng tháng cũng tăng thêm từ 1,7 triệu đến 2 triệu đồng/tháng vì thế thu nhập không có là bao.

Việc trồng rừng trên vùng rú cát Quảng Điền được xem là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, nó còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, chống nạn cát bay, cát lấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cháy rừng gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ sa mạc hóa tại các khu vực này. Trong khi đó, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng vùng cát tại các địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Điền đã xảy ra 5 vụ cháy rừng trên vùng rú cát.

Cây cối, hoa màu gần như héo úa trước cái nắng gay gắt trên 40 độ C của vùng cát. Nắng nóng kéo dài khiến mạch nước ngầm rút nhanh, các hồ nuôi cá dù được đào sâu nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Tại trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Ái Hiệp (xã Quảng Lợi), có 6 hồ nuôi cá các loại với diện tích gần 3 ha. Nhưng thời gian gần đây, nắng nóng làm hàng vạn cá chép, cá rô phi, cá trê… chưa kịp thu hoạch chết hàng loạt, thiệt hại ước tính 30 triệu đồng. Thiếu nước còn khiến gia súc, gia cầm phát triển chậm, nhiều bệnh liên quan đến nắng nóng cũng phát sinh. Trong đó, thời tiết nắng nóng làm vật nuôi giảm sức đề kháng, dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Nắng nóng còn khiến nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi bị hạn chế gây khó khăn cho người dân.

Ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền cho biết: Trước tình hình trên, chúng tôi phối hợp với các địa phương tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả theo phương pháp tưới luân phiên “hình thức cuốn chiếu”; vận động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, tận dụng tối đa nguồn nước từ các ao, hồ, sông để chống hạn. Ngoài ra, để giúp người dân và các HTX đỡ bớt phần nào gánh nặng do ruộng khô hạn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu với huyện cấp kinh phí 100 triệu đồng cho 3 xã: Quảng Vinh (40 triệu đồng), Quảng Công (30 triệu đồng), Quảng Ngạn (30 triệu đồng) đào thêm các hồ nhằm đảm bảo nguồn nước tưới. Đồng thời, chỉ đạo các HTX chủ động huy động nguồn lực trong dân đào sâu các hồ chứa, tích trữ nguồn nước phục vụ đến cuối vụ.

Bài, ảnh: Thảo Nguyên

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email