Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn, được thành lập từ năm 1993 với nhiệm vụ tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong tỉnh, điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng văn minh và giàu đẹp.
Thừa Thiên Huế là một vùng đất địa linh nhân kiệt có đội ngũ cán bộ khoa học đứng hàng thứ ba của cả nước, cùng với hệ thống thiết chế khoa học và công nghệ khá hoàn chỉnh; có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành;…, là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trong những trung tâm khoa học – công nghệ của cả nước, và khoa học và công nghệ thật sự trở thành là động lực quan trọng nhất để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững. Thừa Thiên Huế có khoảng 50 tổ chức nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc các thành phần kinh tế, trong đó 10 trường đại học, 2 khoa trực thuộc, 7 trường cao đẳng và 1 trường đại học ngoài công lập và nhiều tổ chức ngoài nhà nước. Thừa Thiên Huế còn có một hệ thống các tổ chức KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực gồm các học viện, viện, phân viện nghiên cứu, các trung tâm, chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức KH&CN trung ương, vùng, miền với đội ngũ trên 30.000 trí thức KH&CN.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn, được thành lập từ năm 1993 với nhiệm vụ tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong tỉnh, điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng văn minh và giàu đẹp. Trải qua 24 năm xây dựng và phát triển, hệ thống tổ chức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) từng bước được củng cố và phát triển, gồm 47 hội thành viên, 9 trung tâm trực thuộc, 1 câu lạc bộ và một nhóm tư vấn, phản biện xã hội về môi trường với trên 30.000 hội viên là các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính chuyên sâu, có quá trình công tác lâu năm và tầm nhìn rộng để nghiên cứu, đóng góp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Cơ quan Liên hiệp hội, gồm có: Văn phòng và hai ban là ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội và ban Thông tin và phổ biến kiến thức với tổng cán bộ biên chế, chuyên trách 10 người, có đủ trình độ và năng lực thực hiện các nhiệm vụ. Đảng đoàn và chi bộ đảng ngày vững mạnh, trực tiếp lãnh chỉ đạo Liên hiệp hội thực hiện thành công các nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức tham gia xây dựng và phát triển quê hương.
Vai trò, vị trí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên đã được đánh giá và khẳng định qua từng thời kỳ từ đại hội nhiệm kỳ thứ nhất đến đại hội nhiệm kỳ thứ IV (2013-2018), đó là tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng, trí tuệ của trí thức khoa học và công nghệ; tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và phổ biến kiến thức cho quần chúng; thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Liên hiệp hội đã tập hợp, phát huy trí tuệ, vai trò trách nhiệm đội ngũ trí thức tham gia, góp phần xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội; triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống; tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN, nâng cao dân trí cho quần chúng nhân dân và cộng đồng xã hội. Nghiên cứu, sáng tạo nhiều công trình, sản phẩm có giá trị khoa học, chất lượng, có khả năng ứng dụng cao…góp phần từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ chung và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KHCN của cả nước với hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học – công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y dược…Đến nay, Liên hiệp hội đã được khẳng định là tổ chức chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN với nhiều kết quả nổi bật như sau:
Công tác Tư vấn, phản biện và giám định xã hội luôn được Liên hiệp hội xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành thể hiện vai trò của mình đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, vừa là khẳng định vai trò, vị thể của mình. Liên hiệp hội đã tổ chức và tham gia phản biện 13 đồ án quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Các nội dung phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp hội được lãnh đạo tỉnh và các ngành hữu quan đánh giá cao. Liên hiệp hội đang tiếp tục cố gắng tập hợp lực lượng trí thức để triển khai hoạt động này với quy mô và mức độ lớn hơn, nhất là đối với các đề án, dự án, công trình quan trọng của tỉnh, có liên quan nhiều tới lĩnh vực xã hội và môi trường như các công trình thủy điện, thủy lợi, du lịch, giao thông, xây dựng, khai thác tài nguyên, quy hoạch dân cư, xây dựng nông thôn mới….Một số hội thành viên đã có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện mang tính chuyên ngành như hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Khoa học Lịch sử,… đã tham gia tư vấn và thẩm định nhiều đề án, dự án như: Quy hoạch, bảo tồn phát huy giá trị tổng thể Văn Thánh, Võ Thánh; dự án tu bổ hệ thống kinh thành Huế…Bên cạnh đó, Liên hiệp hội và các trung tâm khoa học công nghệ trực thuộc đã thực hiện nhiều nghiên cứu tư vấn xây dựng dự án, đánh giá tác động của các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ trên địa bàn tỉnh và trong nước như: các dự án của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), SNV, ADB…được các tổ chức này đánh giá cao về chất lượng. Nhóm đánh giá tác động môi trường, xã hội (SIEA) đã thực hiện đánh giá tác động môi trường, xã hội của thủy điện Bình Điền với những nhận định khá sâu sát, khoa học, được HĐND, UBND tỉnh ghi nhận. Ngoài ra hàng năm, liên hiệp hội còn tham gia đề xuất các nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Công tác Thông tin, phổ biến kiến thức luôn được chú trọng, triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng thông qua Bản tin Khoa học và Kỹ thuật ra đều đặn 2 tháng/1 số, với chất lượng ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức, đây cũng là tiếng nói, diễn đàn của đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Liên hiệp hội đã xuất bản được 63 số với hơn 30.000 bản, phát hành đến tận các nhà văn hóa, bưu điện văn hóa, phòng đọc sách của tất cả các thôn trên địa bàn tỉnh. Trang thông tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp hội đã được cập nhật thường xuyên các thông tin về nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, công trình khoa học, kỹ thuật, các mô hình kinh tế… thu hút được đông đảo bạn đọc truy cập. Bên cạnh đó, Liên hiệp hội đã phối hợp với Câu lạc bộ Phú Xuân, Hội Nông dân tỉnh, Hội người cao tuổi tỉnh và các tổ chức khác đã tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề khoa học và công nghệ, về chăm sóc sức khoẻ cho người dân, phối hợp với các huyện, thi, thành phố tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện về Biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…một số hội thành viên đã xuất bản các tạp chí, ấn phẩm có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức như: Hội Khoa học Lịch sử, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Chăn nuôi Thú y, Hội Đông y, Hội Tim mạch, Hội Phụ sản,…Các trung tâm trực thuộc đều có trang tin điện tử phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, xuất bản nhiều ấn phẩm phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biền kiến thức.
Ngoài ra, Liên hiệp hội và các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc đã vận động và tiếp nhận được nhiều dự án của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thực hiện công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật như: Chiến dịch truyền thông hạn chế sử dụng túi ni lông; Chuyên đề Biến đổi khí hậu trên Đài truyền thanh huyện Quảng Điền; Hàng trăm lớp tập huấn và hội thảo khoa học đã được thực hiện với hàng ngàn người tham gia. Nhiều cán bộ KHKT tích cực tham gia biên soạn các loại sách kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn các quy trình sản xuất, phương pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hay tư vấn, thiết kế các mô hình vườn ao chuồng thích hợp,… góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông lâm nghiệp, cải thiện đời sống người dân và bao vệ môi trường.
Hợp tác Quốc tế, huy động nguồn lực xây dựng quê hương luôn được Liên hiệp hội và các hội thành viên, đơn vị trực thuộc chủ động nhằm huy động nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Trong những năm qua, hệ thống Liên hiện hội đã vận động hàng chục dự án với hơn 50 tỷ đồng tài trợ từ các tổ chức như: ICCO, Rosa Luxamburg, GEF, SNV, Đại sứ quán Phần Lan, NAV, Paraff, Oxfarm… góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Đặc biệt hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, ứng dựng khoa học công nghệ đã đạt được những thành qua hết sức đáng trân trọng: Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.”; Vận dụng nghị quyết này vào thực tế ở Thừa Thiên Huế, chúng ta cần phát huy những tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức tỉnh nhà một cách có hiệu quả và xứng tầm. Hiện thực hóa chủ trương này, thông qua hoạt động tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng; Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật và Giải thưởng khoa học công nghệ Liên hiệp hội đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo khoa học và công nghệ của đội ngũ trí thức, của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Qua 8 lần tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ (Giải thưởng) có 518 công trình tham gia Giải thưởng và đã trao giải cho 223 công trình được trao giải thưởng, các công trình đoạt giải đã tạo được tiếng vang lớn, góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo khoa học và công nghệ trong đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, kỹ thuật của tỉnh. Và chính điều đó đã góp phần không nhỏ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các công trình đoạt giải thưởng đã góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, khẳng định tài năng, sức sáng tạo to lớn của đội ngũ các nhà khoa học tỉnh ta.
Về Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật có 307 giải pháp kỹ thuật tham gia Hội thi qua các năm, trong đó có 227 giải pháp kỹ thuật hữu ích được trao giải.
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã thu hút được sự quan tâm của các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh, đã có trên 2.000 công trình dự thi vòng sơ khảo và có trên 505 công trình có chất lượng tham gia vòng chung khảo cấp tỉnh, có 119 đề tài xuất sắc được trao giải qua 10 lần tổ chức; có nhiều đơn vị tham gia Cuộc thi đạt kết quả cao. Tổ chức Cuộc thi cấp huyện hành công, được nhân rộng trên toàn tỉnh, đến nay là năm thứ 3 có 9/9 huyện, thị và thành phố Huế tổ chức Cuộc thi thi cấp huyện.
Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi đạt giải đã được triển khai ứng dụng rộng rãi góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh như:
Công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” của nhóm tác giả: Trương Công Nam, Lê Văn Sơn – Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (đoạt giải Nhất); “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên (hậu môn và âm đạo) điều trị ung thư đại trực tràng của PGS.TS. Phạm Như Hiệp và các cộng sự – Bệnh viện Trung ương Huế (giải Nhất);Nghiên cứu tính đề kháng của Helicobacter Pylori đối với Clarithromycin và Levofloxacin bằng phương pháp E-test và đĩa khuếch tán, tìm mối tương quan giữa hai kỹ thuật trên tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế của Phan Trung Nam – Trường Đại học Y Dược Huế (giải Nhì); Kỹ thuật bẫy và theo dõi nguồn bệnh phytophthora gây bệnh thối gốc rễ hồ tiêu ở trong đất của PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Trường – Trường đại học Nông lâm Huế (giải Ba);. Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản chuối tiêu Nam Đông; Các giải pháp kết nối mở rộng hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu cho lưới điện trung áp tỉnh Thừa Thiên Huế; Cụm công trình Chế tạo bạc nano bằng phương pháp sinh học và ứng dụng; Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện trung ương Huế; Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần dân cư – hành chính; Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu; Hệ thống xử lý nước di động Infillter DAF- tại HueWACO; ứng dụng dao Gamma trong điều trị các bệnh lý khối u thần kinh, sọ não và các khối u vùng mặt, cổ và thân…
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển, Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự phát triển nhiều mặt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà, tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước. Thực tiễn đã khẳng định rằng: KH&CN là động lực phát triển nhanh và bền vững, là một nguồn lực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nó là điều kiện để mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường; hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc cách mạng 4.0. Liên hiệp hội tiếp tục cùng với đội ngũ trí thức phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết quyết tâm nỗ lực cùng toàn đảng, hệ thống chính trị phát huy tiềm năng và thế mạnh xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình đô thị “Di sản, văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Đồng thời, thực hiện Mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước với hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y dược…, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh”
HỒ THÀNH