Thời gian vàng trong ngừng tuần hoàn – Hô hấp

Ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi, … Có 3 trạng thái cơ bản là: vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ.

Nó có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương,… Nhưng cũng có thể là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận,…

     Hậu quả sinh lý bệnh của thiếu máu não

Trong điều kiện bình thường khả năng chịu đựng thiếu oxy của não tối đa là 5 phút. Khoảng thời gian này còn gọi là giai đoạn chết lâm sàng và việc cấp cứu nhằm cung cấp lại máu và oxy cho não phải được tiến hành trong giai đoạn này mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Quá thời gian này, các tế bào não bị tổn thương không còn khả năng hồi phục và bệnh nhân chuyển sang giai đoạn chết sinh vật hay chết não.

Trong một số trường hợp đặc biệt, khả năng chịu đựng thiếu oxy não có thể kéo dài hơn như: ngừng tim trong điều kiện hạ thân nhiệt (mổ với tuần hoàn ngoài cơ thể – hạ thân nhiệt, ngừng tim ngoài trời băng tuyết, chết đuối trong nước lạnh,…), ngừng tim mà trước đó có sử dụng các thuốc làm giảm tiêu thụ oxy não như bacbituric, trẻ sơ sinh,…

    Mục đích của việc cấp cứu

Trong điều kiện nhanh nhất có thể, cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim.

Chính vì vậy, việc cấp cứu ngừng tim-phổi cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương kiên trì và đúng kỹ thuật.

    Nguyên nhân ngừng tuần hoàn

+ Nguyên nhân do tim

– Bệnh thiếu máu cơ tim.

– Tắc mạch vành cấp.

– Các bệnh cơ tim.

– Viêm cơ tim.

– Chấn thương tim chèn ép tim cấp.

– Kích thích trực tiếp vào tim.

+ Nguyên nhân tuần hoàn

– Thiếu khối lượng tuần hoàn cấp (các loại sốc).

– Tắc mạch phổi (do khí, do cục nghẽn).

– Cơ chế phản xạ dây phế vị.

+ Nguyên nhân hô hấp

– Tràn khí màng phổi nặng.

– Thiếu oxy cấp (thường gây ra vô tâm thu): dị vật, tắc đường thở.

– Đợt cấp của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nặng.

+ Nguyên nhân rối loạn chuyển hoá

– Rối loạn chuyển hoá kali.

– Tăng canxi máu cấp.

– Tăng catecholamin cấp.

– Hạ thân nhiệt.

+ Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc

– Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim.

– Do tác dụng phụ của thuốc.

+ Nguyên nhân khác:

– Điện giật.

– Đuối nước.

     Triệu chứng và chẩn đoán

Dựa vào 3 triệu chứng cơ bản sau:

+ Mất ý thức: được xác định khi bệnh nhân gọi hỏi không có đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh.

+ Ngừng thở hoặc thở ngáp: xác định khi lồng ngực và bụng bệnh nhân hoàn toàn không có cử động thở.

+ Ngừng tim: khi mất mạch cảnh hoặc mất mạch bẹn.

Ngoài ra bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như: da nhợt nhạt hoặc tím tái, giãn đồng tử và mất phản xạ đồng tử với ánh sáng, nếu bệnh nhân đang được phẫu thuật sẽ thấy máu ở vết mổ tím đen và ngừng chảy.  Nếu bệnh nhân đang thở máy, hôn mê thì thấy monitor tim sẽ báo động, SpO2 giảm đột ngột.

     Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản

Khi phát hiện bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn thì phải tiến hành cấp cứu ngay gồm 3 động tác phải làm: A (Airway: giải phóng đường thở), B (Breathing: hô hấp nhân tạo hay thổi ngạt), C (Chest compressions: ép tim ngoài lồng ngực). Trong năm 2010 Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ – AHA (American Heart Association) đã đưa ra hướng dẫn mới nhất cho cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản, trong đó trình tự ban đầu của các bước được thay đổi từ ABC (giải phóng đường thở, thổi ngạt, ép ngực) thành CAB (ép ngực, giải phóng đường thở, thổi ngạt). Nếu có điều kiện nên cho dùng thuốc và sốc điện ngay.

TS.BS. NGUYỄN ĐỨC HOÀNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email