Báo động về nguy cơ dịch đậu mùa khỉ

Tác giả: PGS. TS Trần Xuân Chương

Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Thừa Thiên Huế

GIỚI THIỆU

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ gây ra, có thể xảy ra ở một số động vật bao gồm cả con người. Các triệu chứng bắt đầu bằng sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch, sau đó là phát ban hình thành mụn nước.

Vi-rút gây bệnh mpox đã được tìm thấy ở các loài gặm nhấm nhỏ, khỉ và các động vật có vú khác sống ở một số khu vực thuộc châu Phi.

DỊCH TỄ

Vào ngày 13 tháng 8 năm 2024, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC) đã tuyên bố mpox là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng liên quan đến an ninh lục địa (PHECS) tại Châu Phi.

Quyết định này được đưa ra bởi tình hình mpox ngày càng báo động trên lục địa: kể từ năm 2022, đã có 40.874 trường hợp và 1.512 trường hợp tử vong được báo cáo trên 15 quốc gia thành viên AU. Chỉ tính riêng năm 2024, đã có 17.541 trường hợp và 517 trường hợp tử vong được báo cáo từ 13 quốc gia thành viên AU. Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) chiếm 96% tổng số ca mắc và 97% tổng số ca tử vong được báo cáo vào năm 2024.

Các cuộc điều tra tại DRC cho thấy lây truyền qua đường tình dục khác giới, đặc biệt là ở gái mại dâm (9%), đang thúc đẩy đợt bùng phát, trái ngược với sự lây lan chủ yếu ở nam giới quan hệ tình dục với nam giới ở châu Âu vào năm 2022. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở phụ nữ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây truyền theo chiều dọc và kết quả thai kỳ bất lợi.

Nguy cơ nhiễm trùng nặng cao ở những người nhiễm HIV và suy giảm miễn dịch. Dịch bệnh còn phức tạp hơn nữa do tỷ lệ tử vong cao trên 3 – 9%, đặc biệt là ở trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 60% số ca bệnh. Các hoạt động đi lại xuyên biên giới, nhận thức của công chúng thấp, mức độ dễ bị tổn thương cao do các yếu tố như HIV và suy dinh dưỡng, hiểu biết hạn chế về quá trình lây truyền mpox và năng lực ứng phó không đủ, bao gồm cả tình trạng thiếu vắc-xin, đặt ra những thách thức đáng kể đối với việc ngăn chặn. Nguy cơ mpox lây lan trên toàn cầu là rất cao.

WHO cũng đã xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá tình hình một cách khách quan. Các tiêu chí này, được tổ chức thành 9 lĩnh vực, bao gồm: mức độ nghiêm trọng của bệnh, động lực lây truyền, tác động đến hệ thống y tế, khả năng tiếp cận vắc-xin và phương pháp điều trị, rủi ro sức khỏe cộng đồng, tác động kinh tế và xã hội, mối quan tâm của công chúng, an ninh y tế toàn cầu và các cân nhắc về chính trị. Khung này được xây dựng để hướng dẫn một quy trình ra quyết định minh bạch và nhất quán khi tuyên bố đại dịch trên thế giới.

Vào ngày 14 tháng 8 năm 2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Cộng đồng gây Quan ngại Quốc tế về sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh mpox tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và một số quốc gia ngày càng tăng ở Châu Phi. Ở khu vực Đông Nam Á, bệnh đã được phát hiện ở một số nước như Cambodia, Philippin và Thái Lan …

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Các giai đoạn bệnh

Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:

– Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng ây nhiễm.

– Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Vi-rút có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

– Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:

+ Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

+ Tiến triển ban: tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) -> đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) -> mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) -> mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) -> đóng vảy khô -> bong tróc và có thể để lại sẹo.

+ Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 – 1cm.

+ Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

– Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Các thể lâm sàng

– Thể không triệu chứng: người nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.

– Thể nhẹ: các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

– Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

+ Nhiễm khuẩn da: người bệnh có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.

+ Viêm phổi: người bệnh có các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở.

+ Viêm não: ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê.

+ Nhiễm khuẩn huyết: sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng.

Một số bệnh nhân có thể có các biểu hiện nghiêm trọng của bệnh mpox, bao gồm:

  • Nhiễm trùng mắt
  • Biến chứng thần kinh
  • Viêm cơ tim
  • Biến chứng liên quan đến tổn thương niêm mạc (miệng, trực tràng, sinh dục và niệu đạo)
  • Biến chứng do vi-rút lây lan không kiểm soát được do suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình hoặc nặng, đặc biệt là nhiễm HIV ở giai đoạn tiến triển

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm tìm vi-rút gây bệnh.

Ca bệnh nghi ngờ

– Là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cùng cá nhân của người bệnh;

+ Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng;

– Có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ

Ca bệnh xác định

Có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với vi-rút đậu mùa khỉ.

Chẩn đoán phân biệt

Dựa trên triệu chứng sốt, phát ban và hạch to, cần chẩn đoán phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh sau: Đậu mùa (smallpox), thủy đậu (chicken pox), herpes lan tỏa, tay chân miệng

Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên:

Xét nghiệm sinh học phân tử (PCR hoặc tương đương) với các bệnh phẩm dịch hầu họng (giai đoạn khởi phát), dịch nốt phỏng (giai đoạn toàn phát) đối với ca bệnh nghi ngờ để xác định căn nguyên theo quy định của Bộ Y tế.

ĐIỀU TRỊ

Bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Nguyên tắc điều trị:

– Thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định;

– Điều trị triệu chứng là chủ yếu;

– Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý;

– Những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,…) cần được theo dõi sát, điều trị tích cực theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam.

– Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.

DỰ PHÒNG

Phòng bệnh không đặc hiệu

Các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ bao gồm:

– Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

– Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.

– Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.

– Thường xuyên rửa tay ằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/ động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.

– Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.

– Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.

Phòng bệnh đặc hiệu

Phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc-xin: Sử dụng vắc-xin khi có sẵn để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Phòng lây nhiễm tại các cơ sở điều trị: Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ, có thể và xác định. Tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh.

USAID đang tặng 50.000 liều vắc-xin JYNNEOS đã được FDA chấp thuận cho Congo cũng như hỗ trợ tài chính để triển khai các liều vắc-xin. Hoa Kỳ đang hợp tác với các quốc gia khác có kho dự trữ vắc-xin, WHO và các đối tác quốc tế để khuyến khích các khoản đóng góp bổ sung hỗ trợ các nỗ lực tiêm vắc-xin và giải quyết các thách thức trong việc cung cấp vắc-xin cho các quốc gia có nhu cầu. Điều này bao gồm đánh giá nhu cầu vắc-xin, hỗ trợ sự tham gia của quốc gia vào các lộ trình quản lý, lập kế hoạch triển khai vắc-xin và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cung cấp vắc-xin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2022), Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Ban hành theo Quyết định số 2099/QĐ-BYT, 10.2022
  2. CDC, Mpox, https://www.cdc.gov/poxvirus/mpox/index.html
  3. WHO, WHO Director-General declares mpox outbreak a public health emergency of international concern,  https://www.who.int/news/item/14-08-2024-who-director-general-declares-mpox-outbreak-a-public-health-emergency-of-international-concern
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email